“Trâu sắt” ra đồng, nông dân bớt mệt

Những năm gần đây, việc ứng dụng tiến bộ khoa học- kỹ thuật bằng các loại công cụ, máy móc đã đưa lại hiệu quả lớn về nhiều mặt trong sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân nên việc đưa máy móc, công cụ vào phục vụ sản xuất vẫn chưa đáp ứng được với yêu cầu của một nền nông nghiệp theo hướng đẩy nhanh cơ giớ hóa. Nếu được quan tâm đúng mức thì hiệu quả sẽ đưa lại cao hơn.

Về Quang Lộc, một trong những xã trọng điểm lúa của huyện Can Lộc. Diện tích đồng ruộng của vùng quê này phần lớn sâu trũng. Đây là điều kiện tốt để thâm canh tăng năng suất, sản lượng lúa. Qua trao đổi với bà con nơi đây, tôi được biết, nếu một người nông dân cày bằng trâu hoặc bò trên một thửa ruộng có diện tích 1 sào (500 m2) thì phải hì hục, cật lực suốt một buổi mới hoàn thành.

Công suất làm việc của một chiếc máy cày đa chức năng có thể bằng hàng chục con trâu
Công suất làm việc của một chiếc máy cày đa chức năng có thể bằng hàng chục con trâu

Bây giờ có máy cày nên chỉ mất thời gian khoảng 30 đến 40 phút là xong. Thật mừng cho bà con nông dân một nắng hai sương. Nhờ có máy móc mà năng suất lao động đã tăng lên gấp nhiều lần. Nhìn những chiếc máy cày, máy bừa sùng sục hay máy gặt, máy tuốt lúa trên đồng ruộng, ai cũng biết đó chính là đưa cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp. Đến bất cứ địa phương nào cũng dễ thấy bóng dáng ‘trâu sắt” xuất hiện trên đồng ruộng. Vui nhất là vào chính vụ sản xuất. Từ đồng cạn xuống đồng sâu, ở đâu tiếng máy cũng rộn ràng.

Do thực hiện tốt chuyển đổi ruộng đất nên phần lớn diện tích canh tác, nhất là đất trồng lúa của các địa phương hiện nay không còn manh mún, nhỏ lẻ. Hệ thống giao thông nội đồng, bờ vùng bờ thửa cơ bản được qui hoạch tổng thể. Mương máng tưới tiêu được đầu tư nâng cấp, xây dựng. Đó là những điều kiện thuận lợi nhất để đưa cơ giới hóa vào đồng ruộng, làm bớt đi nỗi vất vả, khó nhọc của bà con nông dân. Năng suất lao động theo đó tăng lên, đồng thời giảm được nhân công, chi phí sản xuất và hạn chế thất thoát lớn sau thu hoạch.

Theo một thống kê mới đây của ngành NN&PTNT Hà Tĩnh thì hiện nay, tỷ lệ ứng dụng máy móc vào làm đất của bà con nông dân các địa phương trong tỉnh đạt khoảng gần 40%, còn khâu gieo sạ hơn 21 %. Trong đó, khâu làm đất bằng máy như Thị xã Hồng Lĩnh đã đạt trên 70%, cao nhất là Thành phố Hà Tĩnh với hơn 80%.

Trong xu thế của sản xuất nông nghiệp hiện nay, việc chỉ đạo bà con nông dân xuống giống đồng loạt theo lịch thời vụ, phù hợp với đặc điểm của từng giống lúa là rất cần thiết. Phương thức sản xuất này có tác dụng hạn chế sâu, bệnh phá hại và lúa chín đều cùng một thời điểm, thuận lợi cho việc thu hoạch đại trà.

Để thực hiện có hiệu quả thì công cụ gieo sạ và máy gặt đập liên hợp đang rất cần. Nhưng hiện nay, so với yêu cầu thì sử dụng công cụ gieo sạ và khâu thu hoạch lúa bằng máy còn quá ít. Tính chung, tỷ lệ ứng dụng máy móc vào thu hoạch lúa của toàn tỉnh chưa vượt quá 30%, còn khâu gieo sạ thì mới chỉ dừng lại ở mô hình trình diễn là chính.

Bà con nông dân vẫn biết rằng, thu hoạch hay gieo lúa bằng máy rất tiện lợi. Đặc biệt vào vụ thu hoạch lúa hè thu thường gặp lụt bão, nếu có máy gặt công suất lớn thì bà con chạy đua được với thời gian và né tránh, hạn hế được rất nhiều thiệt hại do thiên tai. Nhưng “cái khó bó cái khôn”, bởi nếu một gia đình mua một chiếc máy gặt đập loại bình thường hiện nay cũng có giá trên dưới 200 triệu đồng.

Mặc dù sau nhiều vụ đi gặt thuê có thể thu hồi vốn nhưng với số tiền đầu tư ban đầu để mua một chiếc máy như thế không đơn giản. Trong khi đó, tâm lý của bà con nông dân lại ít muốn “liên kết” cùng nhau góp vốn mua máy sử dụng.

Máy gặt đập liên hợp có thể đưa tới tận các chân ruộng, năng suất cao(5-6 sào/giờ), giúp người nông dân tiết kiệm công sức, thời gian; giảm được sự hao hụt
Máy gặt đập liên hợp có thể đưa tới tận các chân ruộng, năng suất cao(5-6 sào/giờ), giúp người nông dân tiết kiệm công sức, thời gian; giảm được sự hao hụt

Trên cơ sở gói kích cầu của Chính phủ và thực hiện chủ trường của tỉnh, những năm qua, hội nông dân các cấp đã làm cầu nối, tạo điều kiện thuận lợi cho bà con mua máy móc phục vụ sản xuất. Tuy nhiên, chưa được bao nhiêu trong khi nhu cầu sử dụng các loại máy móc lại ngày càng tăng lên mà Nhà nước thì mới chỉ hỗ trợ một phần lãi suất.

Bên cạnh đó, phần lớn nông dân đang thiếu kiến thức về kỹ thuật, cách vận hành, sử dụng các loại máy. Trước thực tế này, Nhà nước cần có chủ trương khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư sản xuất các loại máy chất lượng tốt, phù hợp với nhiều địa hình đồng ruộng và dễ sử dụng. Giá thành cũng phải hợp lý, bởi hiện nay nhiều loại máy giá cao, trong khi chi phí cho việc sửa chữa khá lớn mà người nông dân lại còn nhiều khó khăn.

Mặc dù trên đồng ruộng ngày càng có nhiều loại máy móc nhưng hình ảnh ngàn đời “con trâu đi trước, cái cày theo sau” chưa phải đã lùi vào quá khứ. Tại nhiều địa phương, con trâu và cái cày chìa vôi vẫn giữ vai trò chủ đạo trong khâu làm đất. Bà con ở nhiều nơi vẫn còn xa lạ với các công cụ hiện đại phục vụ sản xuất nông nghiệp, nhất là máy cấy, máy gặt đập liên hợp, máy sấy nông sản.

Muốn phát triển một nền nông nghiệp theo hướng đẩy nhanh cơ giới hóa thì không thể thiếu các loại máy móc, phương tiện kỹ thuật cao. Những năm qua mối “liên kết bốn nhà” đã mở ra nhưng thực tế việc đưa cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp vẫn còn không ít khó khăn. Tìm cách để tháo gỡ nhằm hỗ trợ bà con đưa nhiều máy móc vào đồng ruộng phục vụ sản xuất có hiệu qủa là việc làm cần thiết không chỉ đưa lại lợi ích cho riêng người nông dân.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast