Có mặt tại mảnh đất Sơn La từ những năm 1945, sau gần 80 năm, cà phê đã trở thành cây trồng chủ lực của tỉnh. Với gần 20.000 ha, sản lượng khoảng 400.000 tấn quả tươi/năm, Sơn La là địa phương trồng cà phê Arabica lớn nhất miền Bắc.
Năm 2017, vùng trồng cà phê Sơn La chính thức được Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ trao Bằng chứng nhận chỉ dẫn địa lý cho các loại sản phẩm: Cà phê nhân, cà phê hạt rang và cà phê bột.
Vùng cà phê chất lượng cao ở huyện Mai Sơn.
Nhận thấy giá trị từ cây cà phê, năm 2017, tỉnh đã thành lập Hội cà phê và gắn kết người trồng cà phê với doanh nghiệp, HTX. Một số doanh nghiệp, HTX liên kết với người dân xây dựng vùng nguyên liệu cà phê gắn với chế biến, tiêu thụ sản phẩm, như HTX Cà phê Bích Thao, HTX Ara-Tay Coffee, Công ty TNHH Xuất nhập khẩu cà phê Minh Tiến, Công ty cổ phần Phúc Sinh Sơn La.
Các dòng sản phẩm của HTX Ara-Tay Coffee.
Nâng tầm giá trị cho cây cà phê Arabica, ngày 1/3/2021, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 331/QĐ-UBND về Đề án phát triển vùng nguyên liệu cà phê gắn với chế biến, bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh. Ngày 11/5/2023, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Kết luận số 863-KL/TU về sản xuất, chế biến, tiêu thụ cà phê ứng dụng công nghệ cao trên cơ sở liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm cà phê gắn với các cơ sở, nhà máy chế biến cà phê trên địa bàn tỉnh đến năm 2030, với mục tiêu “Phát triển mạnh công nghiệp chế biến cà phê, cơ cấu sản phẩm đa dạng, chất lượng cao”.
Nông dân phấn khởi khi cà phê được mùa, được giá.
Hiện nay, tỉnh Sơn La thu hút được một số doanh nghiệp, HTX đầu tư xây dựng nhà máy chế biến theo chuỗi liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm, góp phần đưa thương hiệu “Cà phê Sơn La” ra thế giới.
Khánh thành Nhà máy Phúc Sinh Sơn La chuyên sản xuất cà phê chất lượng cao.
Các đối tác nước ngoài thăm quan Công ty cổ phần Phúc Sinh Sơn La.
Cùng với việc tiếp tục đẩy mạnh thu hút đầu tư chế biến sâu các sản phẩm cà phê, tỉnh Sơn La đang có những định hướng, mục tiêu và giải pháp chiến lược, nâng tầm thương hiệu, nâng cao giá trị cây cà phê.
Hướng dẫn kỹ thuật thâm canh cà phê cho nhân dân.
Cuối năm 2022, tỉnh Sơn La đã công nhận 2 vùng trồng cà phê ứng dụng công nghệ cao tại 18 bản thuộc 3 xã: Chiềng Ban, Chiềng Chung, Chiềng Dong của huyện Mai Sơn với diện tích 1.039 ha, 1.560 hộ gia đình tham gia. Năm 2022, toàn tỉnh đã xuất khẩu trên 28.800 tấn cà phê nhân sang thị trường EU, Bắc Mỹ, Hoa Kỳ, các nước Trung Đông, giá trị 82,3 triệu USD. Năm 2023, dự kiến xuất khẩu 31.500 tấn, giá trị xuất khẩu đạt 83,1 triệu USD.
Các đại biểu thăm gian hàng trưng bày sản phẩm cà phê Sơn La.
Nâng cao giá trị “Cà phê Sơn La”, từ ngày 20 đến 23/10 tới đây, tỉnh Sơn La sẽ tổ chức Lễ hội cà phê Sơn La lần thứ nhất. Trong khuôn khổ chương trình, sẽ tổ chức hội thảo nâng cao chất lượng cà phê, hội nghị kết nối giao thương sản phẩm cà phê và khánh thành các dự án đầu tư chế biến cà phê.
Các chuyên gia hướng dẫn cách chế biến cà phê đặc sản.
Toàn cảnh Nhà máy chế biến cà phê Sơn La.
Từ “sứ mệnh” xóa đói, giảm nghèo, cây cà phê giờ đã trở thành cây công nghiệp chủ lực của tỉnh, giá trị mang lại trong niên vụ này ước đạt khoảng 5.000 tỷ đồng. Các sản phẩm cà phê chất lượng cao từng bước chinh phục các thị trường trên thế giới, góp phần khẳng định thương hiệu “Cà phê Sơn La” nói riêng và cà phê Việt Nam nói chung trên bản đồ cà phê thế giới.
Niềm vui ngày mùa cà phê.