Các nhà khảo cổ Nhật Bản khảo sát vườn cũ của Văn Lý hầu Trần Tịnh ở Hà Tĩnh

(Baohatinh.vn) - Bảo tàng Hà Tĩnh phối hợp với các nhà khảo cổ Nhật Bản và Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) đang khảo sát, thăm dò khảo cổ học tại vườn cũ của Văn Lý hầu Trần Tịnh ở thôn Lũy, xã Kim Lộc, huyện Can Lộc.

Nhà khảo cổ Nhật Bản Yriko Kikuchi xử lý hiện vật vừa được phát hiện

Đây là nội dung trong chương trình hợp tác nghiên cứu biển đảo và con đường tơ lụa trên biển giữa Bảo tàng Hà Tĩnh với các nhà khảo cổ Nhật Bản và Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội).

Văn Lý hầu Trần Tịnh là một hoạn quan làm đến chức Tổng thái giám phụ trách ngoại thương với người nước ngoài trong đó có Nhật Bản. Ông là người có công lớn trong hoạt động ngoại thương cuối thế kỷ 16 đầu thế kỷ 17. Đây cũng là thời kỳ hoạt động ngoại thương giữa các nước phương Tây và phương Đông tại khu vực Đông Á và Đông Nam Á phát triển mạnh.

Các nhà khảo cổ xác định địa tầng tại hố thám sát

Về phía Việt Nam, ngoài phố Hiến ở Đàng Ngoài, Hội An ở Đàng Trong, ở xứ Nghệ An (gồm Nghệ An, Hà Tĩnh ngày nay) có nhiều khách buôn từ Phúc Kiến, Nhật Bản… đã vượt biển qua cửa biển - thương cảng Hội Thống, đi dọc sông Lam qua Cồn Mộc, Bến Thủy đến buôn bán, trao đổi tiền tệ, hàng hóa, hình thành nên thương cảng Phục Lễ và phố Phù Thạch.

Cuộc thăm dò khảo cổ học lần này với diện tích 10m2 tại vườn cũ của Văn Lý hầu Trần Tịnh tại thôn Lũy, xã Kim Lộc nhằm tìm hiểu địa tầng, tầng văn hóa và các di vật, trong đó có vai trò quan trọng của gốm sứ. Qua đó, xác định niên đại lịch sử định cư, văn hóa, đời sống kinh tế, chứng minh cho một thời kỳ hoạt động ngoại thương nhộn nhịp trên sông Lam mà các tài liệu chính sử ít đề cập đến, đồng thời góp phần khẳng định vai trò của Tổng Thái giám Văn Lý hầu Trần Tịnh đối với quan hệ bang giao giữa Việt Nam và Nhật Bản trong lịch sử.

Gần đây, PGS.TS Hasuda Takashi - Nghiên cứu viên Hội Chấn hưng Nhật Bản, Đại học Osaka đã tặng phiên bản bức thư cổ bằng chữ Hán thế kỷ XVII cho Bảo tàng tỉnh Hà Tĩnh do Văn Lý hầu Trần Tịnh (quê ở xã Kim Lộc, Can Lộc, Hà Tĩnh) chấp bút.

Bức thư cổ có nội dung liên quan đến quan hệ ngoại thương giữa Việt Nam và Nhật Bản trên sông Lam, dọc từ thương cảng cổ Hội Thống đến phố cổ Phù Thạch lúc Trần Tịnh đang làm chức quan Đô đường, nha môn đóng ở xã Hoa Viên, huyện Hưng Nguyên, xứ Nghệ An. Ông là người trực tiếp cấp phép cho các tàu buôn Nhật Bản tự do đi lại, buôn bán tại khu vực này.

Bức thư đã ghi lại sự kiện một tàu buôn Nhật Bản đến Nghệ An buôn bán ở khu vực sông Lam, chất đầy người và hàng khi đi qua cửa biển Đan Nhai (Hội Thống) về Nhật Bản thì bị đắm vào tháng 6 năm 1610. Sóng to gió lớn đã làm 6 người trên tàu bị chết, cứu được 105 người, trong số đó Trần Tịnh cưu mang 29 người. Một người phụ nữ Nhật Bản được cứu vớt, ông nhận làm con nuôi và mang họ Trần của ông. Sau đó, ông gả cho một người trong dòng họ Nguyễn Huy – Trường Lưu là Hình bộ Lang trung Nguyễn Như Thạch (1579 -1662).

Sau khi cứu được 105 người Nhật Bản, Trần Tịnh trình sự việc lên chúa Trịnh và được chúa Trịnh cho đóng thuyền đưa họ đi về Nhật Bản.

Chủ đề NGƯỜI HÀ TĨNH

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Báo nói