Đây sẽ là cơ sở cho việc nghiên cứu các giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học và thẩm mỹ của tiền cổ, trong đó đặc biệt lưu ý đến quá trình quan hệ giao thương buôn bán, trao đổi tiền tệ trên vùng đất Hà Tĩnh giữa Việt Nam, Nhật Bản và Trung Quốc dưới thời phong kiến từ nhiều thế kỷ.
PGS.TS Hoàng Văn Khoán trình bày cách xử lý tiền xu cổ
Thưc hiện công tác nghiên cứu khảo cổ năm 2018, từ ngày 5/2/2018 đến ngày 8/2/2018, Bảo tàng tỉnh Hà Tĩnh phối hợp Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học quốc gia Hà Nội) và Viện Nghiên cứu Văn hóa con người - Đại học Shimonoseki, Đại học Shukutoku (Nhật Bản) tiến hành lên kế hoạch dài hạn rà soát, chỉnh lý, dập dịch, số hóa toàn bộ số tiền cổ có xuất xứ từ Việt Nam, Nhật Bản và Trung Quốc hiện lưu giữ tại kho bảo quản của Bảo tàng Hà Tĩnh.
Các nhà khoa học Nhật Bản đang chỉnh lý tiền cổ
Theo báo cáo kết quả sau 4 ngày nghiên cứu, số tiền phát hiện ở xã Hương Quang có niên đại sớm, được chôn vào khoảng đầu thế kỷ XV. Đó là những đồng xu hình tròn đường kính giao động từ 22,5mm đến 25mm, giữa có lỗ vuông mỗi cạnh 5,5mm đến 7mm, mặt trước đúc nổi 4 chữ Hán ghi niên hiệu của từng đời vua đúc tiền, bao gồm 35 loại tiền được phân loại theo niên hiệu, chủ yếu là tiền Trung Quốc. Trong tiền Trung Quốc, tiền thời nhà Bắc Tống và Nam Tống có nhiều loại nhất : 28 loại. Sau đó mới đến tiền nhà Đường, nhà Liêu, nhà Minh, Ngũ Đại Thập Quốc và của Việt Nam.
Bà Kikuchi Yuriko, nhà khảo cổ học Nhật Bản báo cáo kết quả nghiên cứu bước đầu
Tiền ở Cẩm Duệ gồm 48 loại: tiền Trung Quốc 37 loại, tiền Việt Nam có 9 loại, tiền Nhật Bản có 2 loại. Tiền niên đại sớm nhất là đồng Khai Nguyên thông bảo (713-741) đời vua Đường Huyền Tông. Tiền niên đại muộn nhất là đồng Minh Mệnh thông bảo (1820-1840), đây cũng là niên đại chôn tiền. Trong số tiền trên có một số đồng tiền quý hiếm như tiền Thiên Phúc trấn bảo (980-988) của vua Lê Đại Hành, tiền Khoan Vĩnh thông bảo và nguyên phong thông bảo của Nhật Bản.