Nhờ khoa học hiện đại, nuôi con thông minh không chỉ là lý thuyết và kinh nghiệm. Năm 2018, các giáo sư tại MIT, Harvard và Pennsylvania đã nghiên cứu và phát hiện một trong những điều tốt nhất bố mẹ có thể làm là thường xuyên tương tác, trao đổi với trẻ.
Các nghiên cứu cho thấy, nếu được tạo điều kiện nói chuyện trong độ tuổi từ 4 đến 6, trẻ sẽ được bồi dưỡng, phát triển và hoàn thiện giao tiếp. Đây là một trong những kỹ năng quan trọng nhất, góp phần tạo nên thành công trong cuộc sống.
Bên cạnh đó, nghiên cứu của các nhà khoa học tại MIT và Harvard cũng cho thấy những trẻ có kỹ năng giao tiếp tốt sở hữu nhiều mối quan hệ lành mạnh, hôn nhân lâu dài, có tự trọng và hài lòng với cuộc sống.
Một nghiên cứu của Đại học Harvard còn cho rằng người có kỹ năng giao tiếp tốt thường trở thành những nhà đàm phán xuất sắc. Việc này giúp họ giành được điều có lợi về cho mình và trở nên giàu có.
Ảnh: Shutterstock |
Sức mạnh của giao tiếp
Một ngày, bố mẹ nói chuyện với trẻ nhiều lần, cả trực tiếp và gián tiếp. Ví dụ: “Con ngồi xuống đây”, “Nhanh lên chúng ta muộn mất”, “Làm tốt lắm”, “Con không được làm như vậy”... Tuy nhiên, đây chỉ là những câu mệnh lệnh, không có sự tương tác, giao tiếp của người nghe. Để nói về những bí mật hoặc muốn biết suy nghĩ của trẻ, bố mẹ cần cho trẻ cơ hội giao tiếp, tương tác.
Trong quá trình nghiên cứu, các nhà khoa học đã khảo sát 36 trẻ thông qua việc sử dụng hình ảnh cộng hưởng từ chức năng để xác định sự khác biệt của bộ não khi được tiếp xúc với các cuộc hội thoại. Họ phát hiện ra khu vực Broca, nơi bộ não tập trung hình thành lời nói và xử lý ngôn ngữ, hoạt động năng suất hơn ở những đứa trẻ tham gia nhiều vào hoạt động giao tiếp. Những trẻ có Broca hoạt động mạnh thường đạt điểm cao hơn trong các bài kiểm tra ngôn ngữ, ngữ pháp và mạnh ở kỹ năng suy luận bằng lời nói.
“Kết quả nghiên cứu là bằng chứng đầu tiên cho thấy những cuộc hội thoại gia đình có sức mạnh kỳ diệu đến sự phát triển sinh học của não bộ”, John Gabrieli, tác giả chính của nghiên cứu, nói.
Số lượng từ không phải là tất cả
Trở lại năm 1995, một nghiên cứu mang tính bước ngoặt cho thấy trẻ em từ gia đình có thu nhập cao thường có khả năng giao tiếp và vốn từ nhiều hơn trẻ ở các gia đình khó khăn vì được tiếp xúc với khoảng 30 triệu từ trong những năm đầu tiên của cuộc sống.
Tuy nhiên, những nghiên cứu gần đây cho thấy khoảng cách 30 triệu từ không phải là tất cả và hoàn toàn có thể bị san lấp. “Thay đổi cách trò chuyện, tương tác có thể làm nên sự khác biệt bất kể tình trạng kinh tế xã hội của gia đình bạn đang ở mức nào”, Gabrieli nói. Ông khẳng định trẻ em ở các gia đình có điều kiện giao tiếp tốt nhưng không có nghĩa các em từ gia đình thu nhập thấp yếu về mặt giao tiếp. Điều quan trọng nằm ở giao tiếp của bố mẹ và trẻ.
Thật sự nói chuyện
Những bài thuyết giảng, mắng mỏ của bố mẹ với con cái không được coi là những cuộc nói chuyện thật sự vì không có sự giao tiếp, tương tác. Phụ huynh cần cho trẻ cơ hội để đối thoại và tương tác với mình.
Giao tiếp không phải là hoạt động có thể làm ngay và có kết quả tức thời mà bố mẹ cần kiên trì trong thời gian dài. Các cuộc trò chuyện có sự tương tác giúp cải thiện kỹ năng giao tiếp, kỹ năng cần thiết để thành công trong tương lai dù làm bất kỳ công việc gì.