Đối với ô tô
Khi gặp mưa lớn, người lái xe cần lưu ý giảm tốc độ, mưa càng lớn càng đi chậm, bật gạt mưa ở tốc độ nhanh nhất, bật đèn và giữ khoảng cách an toàn với các phương tiện phía trước và xung quanh.
Khi lái xe, cố gắng tránh đánh lái đột ngột để chống trơn trượt, lưu ý những vùng nước đọng bên đường bởi chỉ cần đi với tốc độ khoảng 40 km/h qua một vũng nước sẽ khiến xe có thể bị mất lái qua đó gây nguy hiểm cho cả bản thân lẫn người xung quanh.
Trong trường hợp mưa lớn gây ra lũ lụt, việc lái xe luôn tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ tai nạn. Vì vậy, trước hết cần tìm phương án dừng nghỉ hoặc quay lại bởi nguy cơ sạt lở, lũ cuốn là hoàn toàn có thể xảy ra.
Việc lái xe qua vùng nước ngập sâu và với tốc độ cao sẽ gây nguy hiểm cho bản thân và cả những người xung quanh.
Trường hợp buộc phải đi tiếp, người lái xe cần xem xét kỹ điều kiện đường sá. Nếu nước ngập sâu, người lái xe cần xác định độ sâu của nước với nguyên tắc là mực nước không vượt quá tâm bánh xe, với các loại xe có khoảng sáng gầm xe lớn (xe SUV, crossver, xe tải, xe bán tải…) mực nước có thể chấp nhận cao hơn nhưng vẫn phải cố gắng hạn chế di chuyển.
Khi lái xe qua vùng ngập nước, cần tắt toàn bộ các phụ tải như điều hòa không khí, các hệ thống giải trí để giảm tải cho động cơ, di chuyển càng chậm càng tốt ở cấp số 1 hoặc 2 và đi đều ga. Nếu nước ngập sâu, việc di chuyển nhanh có thể gây ra sóng đánh lên ca-pô dẫn đến hiện tượng nước lọt vào khoang động cơ qua họng hút gió. Ngoài ra, cũng cần lưu ý các phương tiện di chuyển đối diện và xung quanh bởi sóng đánh ra từ những phương tiện này.
Trường hợp xe bị chết máy, tuyệt đối không khởi động lại động cơ bởi nó sẽ dẫn đến hết tượng cong hoặc thậm chí gãy tay biên, vỡ thành động cơ do hiện tượng thủy kích. Nếu tìm được khoảng đất cao, để hộp số ở chế độ N và tìm cách đẩy xe đến khoảng đất đó và gọi cứu hộ.
Nếu nước lũ có dòng chảy siết, tuyệt đối không tiếp tục lái xe. Khi nước sâu và có dòng chảy, chiếc xe đóng kín cửa không khác gì một chiếc thuyền và nó hoàn toàn có thể bị lũ cuốn đi.
Trường hợp nước ngập sâu và không di chuyển, người lái xe cũng cần lưu ý tắt hoàn toàn hệ thống điện, tuyệt đối không khởi động xe.
Khi gọi cứu hộ, chủ xe cũng cần nhớ một số lưu ý. Với xe trang bị hệ dẫn động 4 bánh thì chỉ sử dụng xe cứu hộ kiểu loại bàn để chở xe. Với xe dẫn động cầu trước phải nâng bánh phía trước, xe dẫn động cầu sau nâng bánh phía sau tránh gây hư hỏng cho xe.
Khi mua bảo hiểm, chủ xe cũng cần lưu ý mua gói bảo hiểm thủy kích cho chiếc xe của mình.
Đối với mô tô, xe máy
Giải pháp tạm thời khi xe vận hành không ổn định hoặc chết máy là tháo rửa bugi, làm sạch nước ở ống xả.
Lưu ý đầu tiên cũng giống như ô tô là cố gắng tìm chỗ dừng nghỉ, hạn chế việc đi lại trong điều kiện mưa lớn hoặc nước ngập.
Nếu bắt buộc phải di chuyển, lưu ý đi số 1 và đều ga. Trường hợp tốc độ xe ở số 1 vẫn cao thì có thể rà phanh, tuyệt đối không giảm ga bởi chỉ cần giảm ga, nước sẽ xộc vào động cơ qua đường ống xả. Hình dung đơn giản là tốc độ khí xả càng đều và lớn thì càng hạn chế được hiện tượng nước lọt vào động cơ.
Khi xe nổ không đều và thậm chí chết máy đồng nghĩa nước đã làm ướt bugi hoặc vào động cơ. Lúc này, giải pháp tạm thời là tháo bugi để lau rửa, nổ máy lớn để xả nước ở ống xả và sau đó có thể di chuyển tiếp.
Tuy nhiên, đây chỉ là giải pháp tạm thời. Cách tốt nhất là tìm trung tâm sửa chữa để tiến hành làm sạch xe, kiểm tra toàn bộ hệ thống điện và đặc biệt là phải thay lại toàn bộ dầu máy.