Đảng cần những cán bộ biết biến ý tưởng, đường lối, quan điểm thành hiện thực, điều đó đòi hỏi và yêu cầu rất cao về năng lực, không thể chỉ nói hay là được.
Một trong những nội dung mà Hội nghị Trung ương 7 khoá XII diễn ra vào đầu tháng 5 sẽ tập trung thảo luận là xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, làm sao để có được đội ngũ cán bộ năng lực, phẩm chất và uy tín ngang tầm nhiệm vụ.
Theo PGS-TS Nguyễn Trọng Phúc, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng (Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh), việc đề ra những tiêu chí, tiêu chuẩn đối với cán bộ tầm chiến lược sao cho toàn diện, đầy đủ cả về lý luận và thực tiễn không hề dễ dàng nhưng khi áp vào để lựa chọn còn khó khăn hơn nhiều lần.
Đòi hỏi bức thiết của sự nghiệp đổi mới
PV:Ông có nhận định gì về những nội dung sẽ được đưa ra bàn thảo tại Hội nghị Trung ương 7 lần này, trong đó đáng chú ý là vấn đề xây dựng đội ngũ cán bộ cao cấp?
PGS-TS Nguyễn Trọng Phúc: Việc đưa nội dung công tác cán bộ cấp chiến lược bàn thảo tại Hội nghị Trung ương 7 lần này đã nằm trong chương trình, kế hoạch làm việc toàn khóa của Trung ương khóa XII, chứ không phải là vấn đề đột xuất. Cũng giống như Hội nghị Trung ương 4 bàn về xây dựng chỉnh đốn Đảng.
Thứ hai, việc Trung ương phải dành một hội nghị để bàn về những vấn đề đặt ra đối với công tác cán bộ nhằm giải quyết những đòi hỏi bức thiết của sự nghiệp đổi mới toàn diện đất nước hiện nay. Yêu cầu của công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế với tác động của cuộc cách mạng khoa học công nghệ 4.0 đòi hỏi đội ngũ cán bộ lãnh đạo quản lý đất nước phải ở một tầm cao.
Thứ ba, vấn đề công tác cán bộ như quan điểm của Bác Hồ luôn là “cái gốc của mọi công việc, sự nghiệp cách mạng thành công hay thất bại phần lớn là do cán bộ quyết định”. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng nhiều lần cảnh báo về những nguy cơ trong công tác cán bộ như tham nhũng, quan liêu, chệch hướng…. Trong đó, nguy cơ sai lầm về đường lối có liên quan trực tiếp đến công tác cán bộ, bởi đường lối là do cán bộ cấp chiến lược quyết định, hoạch định, vì thế cần phải bàn cho rõ hơn quan điểm và nhiệm vụ xây dựng đội ngũ cán bộ cấp chiến lược.
Thứ tư, việc đưa vấn đề cán bộ ra bàn thảo ở kỳ này còn nhằm sửa chữa khuyết điểm trong công tác cán bộ thời gian qua, khi nhiều cán bộ, kể cả cán bộ ở tầm chiến lược bị kỷ luật, xử lý bằng pháp luật, đã bộc lộ nhiều khiếm khuyết, sơ hở, thậm chí là lựa chọn sai cán bộ.
Kỳ này Trung ương phải bàn thảo để từng bước khắc phục những hạn chế, khuyết điểm và lựa chọn cán bộ cấp chiến lược sao cho đúng, bởi đó là khâu mang tính quyết định đến đường hướng phát triển của đất nước, của cách mạng và cũng là vận mệnh của Đảng, sự tồn vong của chế độ.
Thực tế, việc xây dựng đội ngũ cán bộ cấp chiến lược ở tất cả các thời kỳ lịch sử trước đây đều được Đảng, Bác Hồ hết sức chú trọng. Trong công cuộc đổi mới vừa qua, Hội nghị Trung ương 4 khóa XI cũng đã nhấn mạnh tới xây dựng đội ngũ cán bộ cấp chiến lược và chúng ta vẫn đang triển khai từ đó đến nay. Tại Hội nghị Trung ương 7, nếu giải quyết được vấn đề này, chúng ta có thể yên tâm về sự phát triển của công cuộc đổi mới sẽ vững chắc hơn và tốt đẹp hơn.
“Chúng ta còn thiếu người làm giỏi”
PV: Công tác xây dựng đội ngũ cán bộ chiến lược có vai trò đặc biệt quan trọng. Do đó cần phải có những tiêu chuẩn đặc biệt cho đội ngũ cán bộ này, thưa ông?
PGS-TS Nguyễn Trọng Phúc: Có, rất cần phải đặt ra những tiêu chuẩn, tiêu chí rõ ràng đối với cán bộ cấp chiến lược chứ không thể nói chung chung. Cuối năm 2017, Bộ Chính trị đã ban hành Quy định về tiêu chí, tiêu chuẩn đối với cán bộ lãnh đạo quản lý thuộc diện Bộ Chính trị và Ban Bí thư quản lý, đó cũng là cán bộ cấp chiến lược. Tuy nhiên, tới đây, chúng ta cần có bộ tiêu chí đầy đủ hơn, hoàn thiện hơn, cô đọng hơn nữa về tiêu chuẩn, tiêu chí đối với cán bộ cấp chiến lược.
Tôi cho rằng, mỗi đối tượng cán bộ cần có tiêu chuẩn riêng, cán bộ lãnh đạo quản lý, cán bộ khoa học kỹ thuật, cán bộ quản lý doanh nghiệp… cần có tiêu chuẩn khác nhau, chứ không thể chỉ dựa trên một tiêu chuẩn chung áp cho các loại cán bộ.
Về tổng thể tiêu chuẩn cán bộ cấp chiến lược cần có ít nhất những yếu tố sau: Phải là người toàn tâm, toàn ý với sự nghiệp cách mạng của Đảng, của nhân dân, của dân tộc, tức là phải có phẩm chất đạo đức hết lòng hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân. Những cán bộ ấy tuyệt đối không thể vụ lợi, không bị chi phối bởi lợi ích nhóm, không tham nhũng, lãng phí,…
Cán bộ cấp chiến lược phải ở tầm cao trí tuệ, có trình độ học vấn cao, năng lực tư duy tốt, có tầm nhìn chiến lược, bao quát và tổng kết được các vấn đề thực tiễn, góp phần tích cực, hiệu quả vào việc hoạch định cương lĩnh, đường lối chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Lê Nin đã từng nói “Cộng sản là lương tâm, là danh dự, là trí tuệ của thời đại”. Cán bộ tầm chiến lược phải có hiểu biết rộng, tầm nhìn xa, không chỉ cần mức học vấn cần thiết, mà phải đi sâu và am hiểu mọi lĩnh vực.
Cán bộ tầm chiến lược còn phải có năng lực tổ chức thực tiễn, có khả năng hiện thực hóa những vấn đề lớn của đất nước, của Đảng. Chúng ta không thiếu những người nói giỏi, nhưng làm giỏi còn ít. Phải kết hợp giữa nói và làm để hiện thực hóa ý tưởng, quan điểm, đó chính là năng lực tổ chức. Lê Nin trước đây thường yêu cầu “tổ chức, tổ chức và tổ chức”, tức là phải biến ý tưởng, đường lối, quan điểm thành hiện thực, điều đó đòi hỏi và yêu cầu rất cao về năng lực, không thể chỉ nói hay là được.
Một tiêu chuẩn không thể thiếu đó là năng lực đoàn kết, quy tụ đồng chí, đồng sự của mình tạo ra sức mạnh tổng hợp từ trong chính nội lực của Đảng, đất nước; vận động quần chúng và được quần chúng tín nhiệm, tạo được sự đồng thuận trong xã hội. Cán bộ ở tầm chiến lược mà mất uy tín với quần chúng thì khó mà đảm đương được trách nhiệm.
Cán bộ tầm chiến lược phải có tư duy đối ngoại, hiểu biết thế giới, về quan hệ quốc tế, để tranh thủ sự đồng tình ủng hộ tối đa của quốc tế; biết cách xử lý những vấn đề phức tạp trong quan hệ đối ngoại để tránh bị cô lập, bị tác động tiêu cực từ bên ngoài. Nghiên cứu nhiều về Bác Hồ, tôi nhận ra rằng, Bác xử lý những vấn đề ở trong và ngoài nước rất bài bản và nhận được sự đồng tình, ủng hộ của thế giới.
“Lựa chọn đúng cán bộ không hề dễ dàng”
PV: Thực tế những vụ việc xử lý cán bộ thời gian qua, trong đó có cả những cán bộ cấp cao, cho thấy việc lựa chọn đúng cán bộ cũng rất khó?
PGS-TS Nguyễn Trọng Phúc: Việc đề ra những tiêu chí, tiêu chuẩn đối với cán bộ tầm chiến lược sao cho toàn diện, đầy đủ cả về lý luận và thực tiễn không hề dễ dàng nhưng khi áp vào để lựa chọn còn khó khăn hơn nhiều lần, có khi còn bị chi phối bởi nhiều yếu tố khác.
Chúng ta đã từng thẳng thắn thừa nhận công tác cán bộ có những lúc đã bị chi phối bởi những yếu tố tiêu cực, nhưng khi đã biết được điều đó, thì có thể chủ động phòng ngừa, rút ra những kết luận cần thiết để có lựa chọn đúng đắn hơn.
Tất nhiên đòi hỏi tuyệt đối là rất khó, vẫn có những trường hợp bị méo mó, nhưng đó là thực tế cuộc sống. Khi được lựa chọn vào quy hoạch, cá nhân đó hoàn toàn trong sạch, nhưng khi đã vào vị trí đó rồi, người ta bắt đầu bị chi phối bởi quyền lực, lợi ích, ham muốn vật chất… dẫn đến bị tha hóa, biến chất.
Cá nhân và tập thể có quyền lựa chọn cán bộ phải là một tập thể trong sáng, kiên định, có trách nhiệm với Đảng, đất nước, có như vậy mới lựa chọn được đúng người. Nếu động cơ đã không đúng ngay từ đầu thì không thể lựa chọn người tốt được. Trong ngành giáo dục của chúng tôi người ta vẫn nói rằng “người giáo dục trước hết phải được giáo dục”. Cũng như vậy, người làm công tác cán bộ trước hết phải là những người công tâm, minh bạch, dân chủ.
Để tránh những tiêu cực sau lựa chọn, theo tôi, cần phải kiểm soát quyền lực tốt. Lựa chọn rồi trao cho họ quá nhiều quyền lực mà không kiểm soát, không biết họ làm những gì, như vậy sự tha hóa là rất khó tránh.
Do vậy việc chọn sao cho đúng cán bộ là việc vô cùng lớn và hệ trọng. Muốn vậy, trước hết, sự lựa chọn phải thực sự trong sáng, minh bạch, mang tầm chiến lược và phải được thảo luận kỹ càng ở Trung ương cũng như ở các cấp cần thiết. Có lẽ phải trở lại học Bác Hồ về cách lựa chọn cán bộ. Còn nếu chỉ đưa ra bộ tiêu chí với niềm tin đâu sẽ vào đó, như vậy là thiếu trách nhiệm trong công tác cán bộ./.
PV:Xin cảm ơn ông! ./.