Đại biểu Lê Công Nhường (Bình Định), Ủy viên Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội cho biết Nghị định 67/2014/NĐ-CP của Chính phủ về một số chính sách phát triển thuỷ sản, trong đó có chính sách đóng mới và nâng cấp tàu cá là chủ trương đúng của Đảng và Nhà nước nhằm giúp người dân được vay vốn để vươn khơi, bám biển và làm giàu cho mình.
Tuy nhiên, trong quá trình thực thi vẫn còn những vấn đề chưa phù hợp như cơ chế cho vay, đền bù thiệt hại cho ngư dân do tàu cá hư hỏng, khoanh giãn nợ...
Đại biểu Lê Công Nhường |
Theo đại biểu Lê Công Nhường, các tỉnh miền Trung và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nên có tổng kết để đánh giá việc triển khai Nghị định này như thế nào. Những trường hợp thành công cũng như thất bại cần có đánh giá khách quan, từ đó trình lên Chính phủ để chỉnh sửa Nghị định sao cho tốt nhất, qua đó có phương án cụ thể giải quyết từng trường hợp của ngư dân.
"Tư vấn cho ngư dân là Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phải vào cuộc xem lại toàn bộ hồ sơ. Theo Nghị định 67, ngân hàng là bên cho vay nhưng Sở Nông nghiệp tư vấn đóng tàu có vai trò trách nhiệm cũng phải làm rõ", đại biểu Nhường đề nghị.
Với những trường hợp cụ thể ngư dân bị "mắc kẹt" giữa các bên doanh nghiệp đóng tàu, ngân hàng, không thể trả nợ như một số báo phản ánh, đại biểu Lê Công Nhường cho rằng cơ sở để giải quyết các vụ việc này chỉ có cách thông qua tổng kết mấy năm thực hiện Nghị định 67 và kiến nghị giải quyết cho trường hợp ngư dân. Ngoài ra không có cá nhân hay cơ quan nào có thể giải quyết được.
"Hiện nay, chắc không có ai dám đứng ra xóa nợ, khoanh nợ cho ngư dân đang vướng mắc. Qua việc tổng kết mấy năm thực hiện Nghị định 67 để làm rõ được gì, mất gì, bao nhiêu con tàu thành công, bao nhiêu ngư dân gặp khó khăn... thì có kiến nghị giải quyết phù hợp", đại biểu Nhường đề nghị.
Theo đại biểu Lê Công Nhường, hiện nay, ở Bình Định các công ty đóng tàu Nam Triệu và Đại Dương đã thỏa thuận đền bù cho ngư dân. Chỉ có 1 số trường hợp nhỏ lẻ kéo dài thời gian đền bù tiền bị phản ánh. UBND tỉnh đã can thiệp và giải quyết.
Thực hiện Nghị định 67, nhiều ngư dân đã có thể đóng tàu kiên cố vỏ thép vươn khơi. Tuy nhiên cũng không ít ngư dân rơi vào cảnh túng quẫn do tàu cá bị hư hỏng, phải sữa chữa lâu dài trong khi vẫn phải trả lãi vay, nợ gốc.