“Càng yêu tha thiết những khúc hát dân ca”

(Baohatinh.vn) - Những ngày cuối năm, khi làn điệu dân ca vang lên tha thiết trên hệ thống truyền thanh công cộng, tôi lại nhớ lời dặn của Bác Hồ: “Rằng muốn yêu Tổ quốc mình, càng yêu tha thiết những khúc hát dân ca”. Có lẽ, bởi vì tình yêu ấy mà mỗi ngày, nhiều nghệ nhân, nghệ sỹ Hà Tĩnh vẫn lặng lẽ nỗ lực gìn giữ, trao truyền những giá trị văn hóa của quê hương.

“Càng yêu tha thiết những khúc hát dân ca”

Các nghệ nhân nhân dân, nghệ nhân ưu tú, nghệ sỹ ưu tú Hà Tĩnh tại buổi lễ vinh danh do UBND tỉnh tổ chức.

Nghệ nhân nhân dân Trần Khánh Cẩm: Ông già quạt mo - chân đất” giữ câu ví quê nhà

Năm nay, niềm vui đến với nghệ nhân Trần Khánh Cẩm (SN 1939, xã Kỳ Bắc, huyện Kỳ Anh) khi ông vinh dự được Nhà nước phong tặng danh hiệu cao quý - Nghệ nhân nhân dân. Những cống hiến, sự hy sinh của ông cho nền văn nghệ dân gian Nghệ Tĩnh đã được đền đáp và ghi nhận.

“Càng yêu tha thiết những khúc hát dân ca”

Niềm vui đến với nghệ nhân Trần Khánh Cẩm khi ông vinh dự được phong tặng danh hiệu cao quý Nghệ nhân nhân dân.

Sinh ra và lớn lên từ trong lời ru của mẹ, tiếng đàn của cha, những câu ca, điệu ví quê nhà đã ăn sâu vào tâm hồn, máu thịt của ông. Khán giả sân khấu truyền thống dường như đã quá quen thuộc với hình ảnh “ông già quạt mo - chân đất” say sưa thả hồn cùng những làn điệu quê nhà. Với ông, dân ca không còn là niềm đam mê mà đã trở thành duyên nghiệp.

Hơn 20 năm, trên chiếc xe đạp cũ, ông đã đi khắp các vùng quê xa xôi, hẻo lánh của Hà Tĩnh để sưu tầm, tìm kiếm những câu hát cổ còn lưu truyền trong nhân dân. Từ miền ngược đến miền xuôi, đèo cao, núi sâu cũng không làm chùn bước chân ông đi tìm câu hát dân ca. Những câu hò, điệu ví, những lời ca cổ được ông sưu tầm, ghi chép cẩn thận và giữ gìn trong suốt hàng chục năm qua.

“Càng yêu tha thiết những khúc hát dân ca”

Căn phòng truyền thống - nơi lưu giữ một phần “máu thịt” cuộc đời ông.

Xuân này, Nghệ nhân nhân dân Khánh Cẩm bước sang tuổi 80 - sức khỏe không cho phép ông rong ruổi trên con đường kiếm tìm câu hát. Ông lui về tập trung truyền dạy và lưu giữ những di sản văn hóa quý báu mà mình cả đời tâm huyết.

Trong căn nhà nhỏ chật chội có 3 thế hệ sinh sống, ông vẫn dành không gian để xây dựng căn phòng truyền thống lưu giữ những kỷ vật trong cuộc đời hoạt động văn nghệ dân gian của mình. Ở đó, những cuốn sách quý, những câu hát cổ chép tay, rất nhiều bằng khen và tranh ảnh, bài báo… sẽ kể với con cháu về quãng đời đẹp đẽ của ông. Và như ông nói: “Tôi muốn lưu giữ cho thế hệ sau để khi tôi không còn sức cống hiến nữa thì một phần vốn quý của cha ông vẫn còn được giữ gìn”.

Nghệ nhân ưu tú Trần Thị Phượng: Giữ lửa” trò Kiều, lưu truyền cho thế hệ sau

Mê trò Kiều từ nhỏ, năm 15 tuổi, Nghệ nhân ưu tú Trần Thị Phượng (SN 1953, xã Tiên Điền, Nghi Xuân) đã tham gia biểu diễn trong đội văn nghệ thôn. Bà đã gắn bó với loại hình nghệ thuật truyền thống đặc sắc này hơn 50 năm.

“Càng yêu tha thiết những khúc hát dân ca”

Nghệ nhân ưu tú Trần Thị Phượng đã gắn bó với trò Kiều hơn 50 năm nay

Đến nay, tuy tuổi đã cao nhưng Nghệ nhân ưu tú Trần Thị Phượng cùng chồng là Nghệ nhân dân gian Nguyễn Mậu ngày ngày miệt mài “giữ lửa” trò Kiều. Đặc biệt, từ năm 2000 đến nay, ông bà đã thành lập CLB Trò Kiều để truyền dạy cho thế hệ sau loại hình nghệ thuật đặc sắc của địa phương. Vừa tham gia biểu diễn các hoạt cảnh phục vụ nhân dân trong và ngoài tỉnh, CLB vừa là sợi dây trao truyền, kết nối các thế hệ về tình yêu với trò Kiều.

Để thành lập và duy trì hoạt động của CLB, Nghệ nhân ưu tú Trần Thị Phượng đã rất vất vả tìm kiếm “diễn viên” phù hợp với từng vai diễn, thuyết phục, động viên họ tham gia tập luyện. Và rồi cũng chính bà trở thành cô giáo tỉ mẩn chỉnh từng động tác diễn, hướng dẫn từng điệu luyến láy để các diễn viên nhập vai. Không những thế, suốt nhiều năm qua, bà còn dành thời gian đến các trường học trên địa bàn huyện Nghi Xuân truyền dạy và hướng dẫn các em học sinh tập ngâm lẩy Kiều, đóng vai diễn trong các vở trò Kiều...

“Càng yêu tha thiết những khúc hát dân ca”

Hai vợ chồng nghệ nhân vừa là “bạn đời”, vừa là “bạn nghề”.

Dường như, tuổi càng cao, nghệ nhân càng đau đáu với nỗi niềm về một thế hệ kế cận đang hờ hững với nghệ thuật truyền thống. Vì vậy, mỗi ngày trôi qua, bà vẫn luôn tất bật, vội vã chạy đua cùng thời gian kiếm tìm những nhân tố mới yêu mến loại hình văn hóa này. Nghệ nhân ưu tú Trần Thị Phượng chia sẻ: “Hôm nay, ngày mai và những ngày sau vẫn thế, chỉ cần có sức khỏe là tôi còn cống hiến, còn “giữ lửa” và “truyền lửa” trò Kiều”.

Nghệ sỹ ưu tú Nguyễn Thị Cẩm - Phó Giám đốc Nhà hát Nghệ thuật truyền thống Hà Tĩnh: Đưa nghệ thuật múa vào từng điệu ví, câu ca.

Thời gian gần đây, lĩnh vực múa của Nhà hát Nghệ thuật truyền thống Hà Tĩnh đã có những bước phát triển, tươi mới và chuyên nghiệp hơn. Làn gió ấy có dấu ấn sâu đậm của Nghệ sỹ ưu tú Nguyễn Thị Cẩm (nghệ danh Ngọc Cẩm, SN 1983). Chị cũng là nghệ sỹ trẻ nhất của Hà Tĩnh được phong tặng danh hiệu này.

Bắt đầu tham gia vào đội múa của Đoàn Ca kịch Hà Tĩnh từ năm 13 tuổi, vượt qua những khó khăn, gian khổ của nghề, chị đã ghi dấu ấn trong lòng khán giả không chỉ là một diễn viên múa mà còn với vai trò của một biên đạo múa.

“Càng yêu tha thiết những khúc hát dân ca”

Nghệ sỹ ưu tú Ngọc Cẩm là người đã đưa nghệ thuật múa vào từng câu ca, điệu ví quê nhà.

Ngọc Cẩm nói rằng, chị đang công tác ở Nhà hát Nghệ thuật truyền thống nên hầu hết các tác phẩm của chị cũng sẽ hướng đến việc phát huy các giá trị văn hóa cổ truyền Hà Tĩnh. Trên con đường nghệ thuật của mình, chị vẫn luôn nỗ lực tìm tòi, sáng tạo để đưa chất dân ca Nghệ Tĩnh vào loại hình múa dân gian đương đại. Từ đó, tạo nên những tác phẩm dân gian mang tính mới lạ, độc đáo mà vẫn giữ được những nét đậm đà bản sắc văn hóa.

Kết hợp hình tượng múa với các vở kịch dân ca ví, giặm, các màn diễn xướng phường nón, phường nhủi..., Ngọc Cẩm đã và đang nỗ lực đưa nghệ thuật múa vào các làn điệu dân ca. Những tác phẩm do chị biên đạo như “Duyên quê”, “Quê tôi ngày mới”... đã đạt các giải thưởng cao quý trong nước và khu vực. Gần đây nhất, chị đã có những đóng góp lớn vào thành công của vở ca kịch “Lời Bác dặn trước lúc đi xa” - một vở diễn gây xúc động mạnh trong lòng khán giả Hà Tĩnh trên nhiều sân khấu lớn nhỏ.

“Với tôi, múa không chỉ là nghề, mà là cả lẽ sống. Sự yêu mến của khán giả là phần thưởng cao quý nhất mà tôi có và cũng chính là động lực để tôi tìm tòi, sáng tạo thêm nhiều tác phẩm đặc sắc, đưa âm nhạc truyền thống đến với khán giả qua từng điệu múa” - Nghệ sĩ ưu tú Ngọc Cẩm bộc bạch.

Nghệ nhân ưu tú Nguyễn Viết Hoài: Con tằm” mải miết nhả tơ.

Là cây bút trưởng thành trong thời kỳ chống Mỹ cứu nước, Nguyễn Viết Hoài (SN 1946) được biết đến là một nghệ nhân - nghệ sỹ đa tài. Thời kỳ tham gia quân đội, là thủ lĩnh các đoàn nghệ thuật của Quân khu IV đến chủ nhiệm các CLB thơ văn; từ sáng tác, đạo diễn, biểu diễn cho đến thiết kế sân khấu, trình bày tập san..., vai trò nào ông cũng đều thể hiện xuất sắc và tinh tế.

“Càng yêu tha thiết những khúc hát dân ca”

Dù đã gần 75 tuổi nhưng nghệ nhân ưu tú Nguyễn Viết Hoài vẫn “mải miết nhả tơ” cho đời.

Với việc dùng chất liệu dân ca Nghệ Tĩnh, hơn 120 tác phẩm tổ khúc dân ca lời mới mang hơi thở đương đại của ông đã được phát trên sóng của Đài Truyền hình Việt Nam. Không chỉ sáng tác, ông là người có công sưu tầm, lưu giữ những làn điệu dân ca Nghệ Tĩnh lời cổ (hò, vè, ví, giặm, hát ru…) và đã dày công trao truyền vốn quý của cha ông cho thế hệ trẻ thông qua hoạt động của các câu lạc bộ, đội văn nghệ.

Năm 2019, ông vinh dự được Nhà nước phong tặng danh hiệu cao quý Nghệ nhân ưu tú vì những đóng góp trong sưu tầm, nghiên cứu, sáng tác dân ca Nghệ Tĩnh nói riêng, dân ca Việt Nam nói chung. Sau nhiều năm lăn lộn sáng tác, truyền dạy văn hóa dân tộc, nghệ nhân Viết Hoài nghỉ hưu và lại cống hiến hết mình cho phong trào văn nghệ tại địa phương.

“Càng yêu tha thiết những khúc hát dân ca”

Những kết quả nghiên cứu của ông đã đóng góp không nhỏ cho nền âm nhạc dân tộc.

Tình yêu với âm nhạc dân tộc, tâm huyết lưu giữ, trao truyền đến thế hệ mai sau vẫn thôi thúc ông tham gia dạy hát, dàn dựng các tiết mục cho thành viên CLB dân ca ví, giặm của phường, xã. Căn nhà của vợ chồng ông ở tổ dân phố 3, phường Nam Hồng (TX Hồng Lĩnh) ngày ngày vẫn rộn ràng tiếng đàn, tiếng hát. Ông đã từng viết về mình: “Tôi như là kiếp con tằm. Ăn dâu cuộc sống, âm thầm nhả tơ”.

Mùa xuân đang đến thật gần và trong những ngày cuối năm rét ngọt, nghệ nhân Viết Hoài lại bắt đầu kiếm tìm những xúc cảm mới để viết lên những khúc hát mới, vừa đậm hơi thở cuộc sống, vừa đượm màu văn hóa dân gian…

Chủ đề Nghệ thuật dân gian

Đọc thêm

Lệch chuẩn ngôn ngữ

Lệch chuẩn ngôn ngữ

Kho từ vựng của gen Z đang mang đến làn sóng sáng tạo mới trong ngôn ngữ, tạo dấu ấn, phong cách của người trẻ trong giao tiếp nhưng cũng tiềm ẩn nguy cơ lệch chuẩn nếu lạm dụng.
Tiết mục: Đêh Kô – Nhắn gửi yêu thương

Tiết mục: Đêh Kô – Nhắn gửi yêu thương

Tiết mục Đêh Kô – Nhắn gửi yêu thương (dân ca K’Ho Lạch) do Đoàn nghệ thuật Nam Tây Nguyên - tỉnh Lâm Đồng biểu diễn tại Liên hoan di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO ghi danh tại Hà Tĩnh.
Những chiếc bánh độc lạ tại Cuộc thi đầu bếp bánh tài năng quốc tế tại Việt Nam

Những chiếc bánh độc lạ tại Cuộc thi đầu bếp bánh tài năng quốc tế tại Việt Nam

Ngày 11/12 tại TP Hồ Chí Minh, Liên chi hội Bánh Việt Nam (Hiệp hội Du lịch Việt Nam) và Hội Đầu bếp chuyên nghiệp Sài Gòn (Hiệp hội Du lịch TP Hồ Chí Minh) đã tổ chức Cuộc thi đầu bếp bánh tài năng quốc tế tại Việt Nam - The Vietnam Bakery Cup 2024 (VNBC), thu hút gần 500 đầu bếp trong và ngoài nước tham gia.
Đồng dao, múa phụ họa: Pàm - đi bắt tôm xúc cá

Đồng dao, múa phụ họa: Pàm - đi bắt tôm xúc cá

Đồng dao, múa phụ họa: Pàm - đi bắt tôm xúc cá của tác giả Y Soái (phát triển dân ca K’Ho Lạch), do đoàn nghệ thuật Nam Tây Nguyên - tỉnh Lâm Đồng biểu diễn tại Liên hoan Di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO ghi danh tại Hà Tĩnh.
Podcast truyện ngắn: Nẻo chênh vênh

Podcast truyện ngắn: Nẻo chênh vênh

Đèo Gió có bao nhiêu là gió, sao không thể cuốn hết chuyện cũ đi để mỗi lần nhìn vào mắt chồng, Hạnh lại thấy mình rơi tõm vào cái hố buồn sâu hun hút...
Diễn xướng dân ca ví, giặm: Gửi tình ta vào đất

Diễn xướng dân ca ví, giặm: Gửi tình ta vào đất

Diễn xướng dân ca ví, giặm: Gửi tình ta vào đất. Soạn lời: Nghệ sỹ Nhân dân An Ninh. Đoàn nghệ thuật Trung tâm Văn hóa tỉnh Nghệ An biểu diễn tại Liên hoan di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO vinh danh tại Hà Tĩnh.
Podcast tản văn: Ký ức gió mùa

Podcast tản văn: Ký ức gió mùa

Gió mùa về phố rồi tan vào mặt hồ, vào những con đường xa tít tắp để cả mùa đông ta cứ bâng khuâng tha thiết nhớ, một ký ức mang tên gió mùa…
Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh: Cay gừng trầu Nghệ

Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh: Cay nồng trầu Nghệ

Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh: Cay nồng trầu Nghệ do Đoàn nghệ thuật Trung tâm Văn hóa tỉnh Nghệ An biểu diễn tại Liên hoan di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO vinh danh tại Hà Tĩnh.
Hé lộ sân khấu choáng ngợp của siêu nhạc hội 8WONDER Winter trước giờ G

Hé lộ sân khấu choáng ngợp của siêu nhạc hội 8WONDER Winter trước giờ G

Toàn bộ phần sân khấu “đóng băng” 8WONDER Winter đã hoàn thiện những khâu setup cuối cùng để sẵn sàng chào đón ban nhạc hàng đầu thế giới Imagine Dragons và dàn Vpop Việt đình đám trước hàng chục ngàn khán giả Sài Thành. Ban nhạc hàng đầu thế giới dự kiến sẽ đến TP.HCM chiều nay để sẵn sàng cho siêu nhạc hội tại đại đô thị Vinhomes Grand Park.
Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh: Cá gỗ trẩy kinh

Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh: Cá gỗ trẩy kinh

Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh: Cá gỗ trẩy kinh. Soạn lời: Nghệ sỹ Nhân dân Nguyễn An Ninh. Đoàn nghệ thuật Trung tâm Văn hóa tỉnh Nghệ An biểu diễn tại Liên hoan di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO vinh danh tại Hà Tĩnh
Tổ khúc dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh: Đôi bờ ví giặm

Tổ khúc dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh: Đôi bờ ví giặm

Tổ khúc dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh: Đôi bờ ví giặm. Soạn lời: Nghệ sỹ Nhân dân Nguyễn An Ninh. Đoàn nghệ thuật Trung tâm Văn hóa tỉnh Nghệ An biểu diễn tại Liên hoan di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO vinh danh tại Hà Tĩnh.
Podcast truyện ngắn: Trên sông mưa

Podcast truyện ngắn: Trên sông mưa

Đêm đó, sân đình vang rộn ràng, người người kéo về đi xem hát. Khách ngồi vào giữa những hàng ghế trước sân khấu nhìn quanh. Không thấy bà hàng nước, chỉ thấy một đám trẻ vội vàng kéo nhau vào chật sân đình. Khách nghe họ bảo nhau: “Đêm nay, cô Hiền lên hát đấy”!