Cáp quang biển quốc tế AAG đã khôi phục 90% dung lượng kênh truyền

VNPT vừa cho biết, đối tác quốc tế đã tiến hành cấu hình nguồn trên tuyến cáp biển AAG, tính đến 23h16 ngày 8/1/2018 đã khôi phục được 90% dung lượng. Dự kiến, đến ngày 20/1/2018, việc cấu hình lại hệ thống AAG sẽ được hoàn tất, khôi phục 100% dung lượng.

cap quang bien quoc te aag da khoi phuc 90 dung luong kenh truyen

Thông tin mới nhất từ VNPT cho hay, dự kiến đến ngày 20/1/2018 tuyến cáp quang biển quốc tế AAG sẽ được khôi phục 100% dung lượng kết nối Internet quốc tế (Ảnh minh họa. Nguồn: Internet)

Trước đó, như ICTnews đã thông tin, các nhà cung cấp dịch vụ Internet (ISP) tại Việt Nam đã được các đối tác quốc tế thông báo, từ 0h ngày 6/1 đến 22h00 ngày 7/1/2018, hệ thống cáp quang biển quốc tế APG tiến hành di chuyển cáp tại Singapore phục vụ việc mở rộng sân bay Changi của Chính phủ Singapore. Vào dịp này, sự cố xảy ra ngày 23/11/2017 trên cáp nhánh hướng kết nối từ Việt Nam đi Singapore của tuyến APG cũng được xử lý.

Bên cạnh đó, đối với tuyến cáp quang biển quốc tế AAG, đối tác quốc tế đã lên kế hoạch cấu hình lại nguồn trong thời gian từ ngày 6/1/2018 và dự kiến hoàn thành vào ngày 9/1/2018.

Trong thông tin chia sẻ với ICTnews vào tối nay, ngày 9/1/2018, VNPT cho biết, theo đúng kế hoạch, những ngày vừa qua, đối tác quốc tế đã tiến hành cấu hình nguồn trên tuyến cáp quang biển AAG và đến 23h16 ngày 8/1/2018, đã khôi phục được 90% dung lượng kênh truyền trên tuyến cáp này.

Tuy nhiên, đại diện VNPT cũng cho hay, thời gian hoàn thành cấu hình lại hệ thống cáp AAG bị lùi hơn so với kế hoạch trước đó, dự kiến sẽ hoàn tất vào ngày 20/1/2018. Khi đó, kết nối Internet từ Việt Nam đi quốc tế trên tuyến cáp quang biển này sẽ được khôi phục hoàn toàn.

Đáng mừng là trước đó, tuyến cáp quang biển APG đã hoàn thành việc dịch chuyển, khắc phục sự cố sớm hơn so với dự kiến. Cụ thể, đến 15h45 ngày 6/1/2018, đối tác quốc tế đã hoàn thiện và khôi phục 100% dung lượng trên tuyến cáp biển này. Như vậy, tổng thời gian thực hiện dịch chuyển cáp phục vụ mở rộng sân bay Changi (Singapore) chỉ mất hơn 15 giờ, thay vì 2 ngày như kế hoạch đã được đối tác công bố trước đây.

Các chuyên gia nhận định AAG và APG là 2 tuyến cáp quang kết nối Internet quốc tế chính của các nhà mạng tại Việt Nam. Theo số liệu thống kê của Trung tâm Internet Việt Nam (VNNIC), hiện nay tổng băng thông các tuyến kết nối Internet quốc tế của Việt Nam là 5,3Tbps, trong nước là 2Tbps. Do đó, theo các chuyên gia, việc cả 2 tuyến cáp biển AAG và APG đều gián đoạn liên lạc trong 2 ngày cuối tuần vừa qua về lý thuyết gây ảnh hưởng lớn tới việc kết nối Internet quốc tế tại Việt Nam; tuy nhiên đây là việc gián đoạn có kế hoạch, nằm trong kiểm soát của các ISP và rơi vào 2 ngày cuối tuần có lưu lượng thấp hơn bình thường rất nhiều, nên các ISP đều đã chủ động mở thêm dung lượng ở các hướng khác, định tuyến lại các hướng cho tối ưu để đảm bảo chất lượng cung cấp cho khách hàng.

Tuyến cáp AAG có tổng chiều dài 20.000 km và dung lượng thiết kế đạt đến 2 Terabit/giây, kết nối trực tiếp khu vực Đông Nam Á với Mỹ. Được chính thức đưa vào vận hành từ tháng 11/2009, tuyến cáp quang này bắt đầu từ Malaysia và kết cuối tại Mỹ, với các điểm cập bờ tại Mersing (Malaysia), Changi (Singapore), Sri Racha (Thái Lan), Tungku (Bruney), Vũng Tàu (Việt Nam), Currimao (Philippines), South Lantau (Hong Kong), Guam (Mỹ), Hawaii (Mỹ)... Nhánh cáp rẽ vào Việt Nam nằm trong đoạn S1 có chiều dài 314 km.

Là tuyến cáp biển mới, APG được đưa vào vận hành thử nghiệm từ cuối tháng 10/2016 và vận hành chính thức, phục vụ khách hàng từ khoảng giữa tháng 12/2016, sau 4 năm triển khai đầu tư. Có sự tham gia đầu tư của các nhà mạng Việt Nam VNPT, Viettel, FPT Telecom và CMC Telecom, APG được nhận định sẽ góp phần mang lại đường truyền ổn định với dung lượng lớn hơn cho người dùng Internet tại Việt Nam, nhất là trong bối cảnh tuyến cáp biển AAG thường xuyên gặp sự cố.

Với tổng chiều dài khoảng 10.400 km, APG có khả năng cung cấp băng thông tới 54 Tb/s và con số này mang lại tốc độ Internet nhanh hơn khoảng gần 20 lần nếu so với AAG. APG là tuyến cáp biển sử dụng công nghệ mới nhất: 40Gbps/1 bước sóng (có khả năng chuyển lên công nghệ 100Gbps/1 bước sóng) giúp kết nối trực tiếp các nước châu Á - Thái Bình Dương đến các nền kinh tế lớn: Mỹ, Úc, Ấn Độ, châu Phi với dung lượng lớn từ đó đáp ứng sự tăng trưởng theo cấp số nhân nhu cầu băng rộng khu vực châu Á. Dự án APG đã thu hút được nhiều doanh nghiệp viễn thông lớn của châu Á như NTT Docomo (Nhật Bản), China Telecom (Trung Quốc) hay KT (Hàn Quốc)...

Theo ICTnews

Đọc thêm

Hàng hiếm iPhone không có logo Apple

Hàng hiếm iPhone không có logo Apple

Một nguyên mẫu iPhone được cho là phiên bản thử nghiệm tính năng nút cảm ứng, dùng logo biểu tượng Vesica Piscis thay quả táo.
Smartphone giá rẻ rồi cũng có AI

Smartphone giá rẻ rồi cũng có AI

Đến năm 2028, 90% smartphone giá trên 250 USD sẽ trang bị những tính năng AI tạo sinh, vốn chỉ đang có mặt trên các dòng cao cấp.
iPhone SE 4 có gây bất ngờ?

iPhone SE 4 có gây bất ngờ?

Dù chưa có tin đồn xác thực, ảnh chụp mô hình của iPhone SE 4 cho thấy có khả năng mẫu iPhone giá rẻ có thêm phiên bản màn hình lớn với kích thước 6,7 inch.
Giá cước 5G thế nào so với 4G?

Giá cước 5G thế nào so với 4G?

Gói 5G thấp nhất giá 135.000 đồng, cao gần gấp đôi mức 70.000 đồng của gói 4G, nhưng dung lượng nhiều gấp tám lần, kèm nhiều tiện ích.
'Cú lừa' mới của YouTube với quảng cáo

'Cú lừa' mới của YouTube với quảng cáo

YouTube đang thử nghiệm loại bỏ bộ đếm thời gian hình tròn hiển thị trước khi người dùng nhấn nút bỏ qua quảng cáo trên cả phiên bản máy tính và di động.
Nhiều khu vực xuất hiện sóng 5G

Nhiều khu vực xuất hiện sóng 5G

Thiết bị của người dùng tại nhiều khu vực ở Hà Nội, TP HCM và một số tỉnh thành bất ngờ bắt được sóng 5G, dù công nghệ kết nối này chưa triển khai chính thức.
Chờ đợi gì ở M4 MacBook Pro?

Chờ đợi gì ở M4 MacBook Pro?

Người dùng đang chờ đợi nhiều cập nhật và thay đổi ở M4 MacBook Pro, chiếc máy tính sắp được Apple trình làng.