Ông Lê Hữu Quế ở thôn 8, xã Đức Bồng chăm sóc vườn thanh long đang cho quả của gia đình
Là một trong những người tiên phong trong việc trồng cây thanh long trên vùng đất đồi núi, đến nay, ông Lê Hữu Quế ở thôn 8, xã Đức Bồng đã tích lũy được khá nhiều kinh nghiệm trong việc trồng, chăm sóc và xử lý để thanh long cho quả nhiều, đạt chất lượng tốt nhất. Với 200 gốc thanh long ruột trắng và ruột đỏ, trong đó 150 gốc đã cho thu hoạch, ước tính, mỗi vụ ông Quế thu hoạch trên 1,5 tấn quả. Với giá cả giao động từ 25 – 35 ngàn đồng/kg, tính ra mỗi vụ đã đưa lại cho gia đình ông thu nhập trên 30 triệu đồng.
Theo ông Quế, trồng thanh long không khó vì chi phí đầu tư ít, công sức chăm sóc không nhiều như trồng những loại cây ăn quả khác và không phải sử dụng bất cứ loại thuốc bảo vệ thực vật nào trong quá trình chăm sóc. Đặc biệt, loại cây này thích hợp với nhiều chất đất, kể cả đất vườn đồi nên có thể tận dụng trồng được mọi nơi. Cùng với nâng cao thu nhập, thì cây thanh long còn góp phần giữ đất và tạo cảnh quan đẹp cho khu vườn...
Vườn thanh long này của chị Nguyễn Thị Sâm (Đức Giang) cho thu hoạch lứa thứ 3. Dù thời điểm ra hoa gặp thời tiết không thuận lợi, nhưng nhờ chăm sóc tốt nên lứa này cây vẫn cho quả to đều, ngọt...
Cũng là một trong những người đầu tiên đưa cây thanh long về trồng trên vùng đất xã Đức Giang, chị Nguyễn Thị Sâm ở thôn 3 Bồng Giang nhớ lại: “Được người thân từ Bình Thuận về cho 2 cành thanh long ruột trắng trồng trước nhà làm cảnh, nhờ hợp đất nên cho quả to, căng mọng, thơm ngon. Vì vậy, vợ chồng tôi đầu tư hơn 50 triệu đồng đổ cọc, mua mồi giống để trồng. Đến nay, khu vườn 0,5 ha của gia đình đã có 400 gốc. Nhờ chăm sóc tốt nên vườn cây của chúng tôi cho năng suất cao, quả đều và rất ngọt. Đến kỳ thu hoạch có thương lái đến tận nhà thu mua”.
Cây thanh long được đánh giá là khá phù hợp với địa hình, thổ nhưỡng, dễ chăm sóc, cho thu nhập khá nên diện tích đang ngày càng được mở rộng. Trong ảnh: Chị Sâm đang chăm sóc thanh long mới trồng
Nhận thấy cây thanh long phát triển tốt, ít sâu bệnh, thị trường tiêu thụ rộng lớn nên thời gian qua, một số hộ dân trên địa bàn huyện Vũ Quang đã mạnh dạn mở rộng diện tích. Hiện tại, toàn huyện có tổng diện tích 10 ha cây thanh long ruột trắng và đỏ, chủ yếu tập trung ở các xã Đức Bồng, Đức Lĩnh, Đức Giang...
Theo ước tính, sản lượng thanh long năm nay trên địa bàn Vũ Quang đạt khoảng 74 tấn và với giá bán ổn định từ 25-35 ngàn đồng/kg thì loại cây này đang mang đến cho người trồng một nguồn thu nhập đáng kể...
Những hàng thanh long đã cho quả trần đầy sức sống, không chỉ cho giá trị kinh tế cao mà còn làm đẹp thêm cho khu vườn của gia đình ông Lê Hữu Quế...
Bà Nguyễn Thị Lương - Chủ tịch Hội Nông dân huyện Vũ Quang cho biết: "Cây thanh long đã thực sự "bén" đất Vũ Quang. Mặc dù bước đầu đã có những tín hiệu khả quan nhưng cây thanh long trên địa bàn huyện vẫn chủ yếu phát triển tự phát, phân tán, nhỏ lẻ nên việc áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất còn hạn chế, đầu tư thâm canh thấp. Thời gian tới, chúng tôi sẽ đồng hành với người nông dân để khắc phục các vấn đề trên, góp phần đưa loại cây này ngày càng phát triển, nâng cao hiệu quả kinh tế..."