Yêu cầu này được Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu trong công điện ký hôm nay. Đây là lần thứ hai trong nửa tháng, lãnh đạo Chính phủ có công điện nhắc việc thực hiện hóa đơn điện tử trong bán lẻ xăng dầu.
Tại công điện này, Thủ tướng yêu cầu các doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu phải lập hóa đơn điện tử theo từng lần bán và kết nối dữ liệu với cơ quan thuế trong tháng 12 này. Trường hợp doanh nghiệp không thực hiện hoặc cố tình không thực hiện sẽ bị kiểm tra, xử lý.
Bộ Tài chính chỉ đạo ngành thuế trong quý I hoàn thiện hệ thống công nghệ thông tin với hóa đơn điện tử. Hệ thống này nhằm đảm bảo việc tiếp nhận, kết nối thông tin hóa đơn điện tử của cơ quan thuế được thông suốt, thuận lợi.
Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố được giao cùng cơ quan thuế nắm bắt thực trạng triển khai hóa đơn điện tử theo từng lần bán hàng.
Nhân viên một cây xăng trên đường Trần Não, TP Thủ Đức (TP HCM) đổ nhiên liệu cho khách hàng, tháng 10/2022. Ảnh: Thanh Tùng
Theo Luật Quản lý thuế, các cây xăng bán lẻ phải xuất hóa đơn điện tử cho khách hàng sau từng lần bán từ tháng 7/2022. Nhưng thực tế các cây xăng tuân thủ không đúng quy định khi cuối ngày mới xuất hóa đơn tổng bán trong ngày, hoặc xuất một hóa đơn theo tuần, tháng cho khách hàng với số lượng lớn, gây thất thu ngân sách.
Hiện, cả nước có khoảng 17.000 cửa hàng bán lẻ xăng dầu, theo quy định sẽ phải thực hiện lộ trình sử dụng và kết nối hóa đơn điện tử với ngành thuế. Nhưng mới có Petrolimex áp dụng với hơn 2.700 cây xăng. Các doanh nghiệp đầu mối khác đang nghiên cứu giải pháp kỹ thuật để triển khai.
Theo tính toán của Bộ Công Thương, để xuất hóa đơn điện tử từng lần bán và kết nối với cơ quan thuế, các cây xăng tốn từ 400 triệu đồng tới trên 1 tỷ đồng trang bị phần mềm, thay thế cột bơm và phần cứng bộ tính đo đếm trong mỗi cột bơm xăng dầu. Vì thế Bộ này cho rằng việc áp dụng ngay quy định hóa đơn điện tử và kết nối với cơ quan thuế sẽ khiến nhiều cây xăng nguy cơ đóng cửa , đứt nguồn cung, ảnh hưởng thị trường xăng dầu.