Chất lượng các mạng 5G đầu tiên trên thế giới ra sao?

Tháng 2/2019, Qualcomm tuyên bố “5G ở đây, bây giờ là lúc ăn mừng”. Theo Bloomberg, thực tế mạng 5G vẫn còn chắp vá và không được như lý thuyết.

Một năm sau khi Hàn Quốc ra mắt mạng di động 5G thương mại hoàn toàn đầu tiên trên thế giới và nhiều tháng sau khi Trung Quốc triển khai mạng 5G lớn nhất, hãng tin tài chính Bloomberg tiến hành kiểm tra tốc độ 5G của các nhà mạng hàng đầu nước này để xem 5G đã tiến triển tới đâu.

Các hãng điện thoại cũng tung ra thị trường nhiều thiết bị 5G trong năm nay. Samsung, Huawei, Xiaomi đều thúc đẩy công nghệ mới với mức giá không quá đắt đỏ hay hi sinh thiết kế. Hàng triệu smartphone 5G đã đến tay người tiêu dùng và với hàng tỷ người chưa dùng mạng di động thế hệ mới, 5G sẽ sớm trở thành tiêu chuẩn.

Dù vậy, nhà mạng không thể hành động nhanh như vậy. Họ vẫn đang đầu tư hàng tỷ USD để thiết lập và mở rộng cơ sở hạ tầng 5G song thiết kế kỹ thuật của tiêu chuẩn mới đòi hỏi mật độ mạng cao mới cung cấp được tốc độ như quảng cáo.

Một khi có đủ trạm gốc 5G, họ muốn bù lại chi phí ban đầu thông qua nhiều dịch vụ phụ trợ tốn băng thông hơn, chẳng hạn dịch vụ stream game GeForce Now của Nvidia được nhà mạng SoftBank giới thiệu tại Nhật Bản ngày 10/6.

Tại những nơi đã có mạng 5G, dù chưa đạt tốc độ lý thuyết, 5G vẫn là nâng cấp ấn tượng đối với hầu hết ứng dụng thông thường. Chẳng hạn, với tốc độ 1 gigabit/giây, người dùng có thể tải sách âm thanh dài 9 tiếng trong chưa đầy 1 giây. Chỉ cần 1/10 tốc độ này, tương đương 100 megabit/giây, chương trình truyền hình có thời lượng 45 phút chỉ mất 16 giây để tải về, theo Fastmetrics.

Doanh nghiệp sản xuất linh kiện smartphone đang đặt cược vào làn sóng nâng cấp mới từ Đài Loan tới Hàn Quốc. Để kiểm tra tốc độ và độ phủ sóng 5G, Bloomberg đã gửi 4 phóng viên tới Seoul (Hàn Quốc), Bắc Kinh (Trung Quốc), Tokyo (Nhật Bản) và Hồng Kông với các smartphone 5G cùng ứng dụng đo tốc độ.

Seoul

KT, nhà mạng số 2 Hàn Quốc, đã cải thiện dịch vụ 5G kể từ khi ra mắt vào tháng 4/2019 dù vẫn thiếu băng tần cao cần thiết để đạt tốc độ tải về tối đa. SK Telecom, nhà mạng lớn nhất nước, đạt tốc độ tải về 1,5 Gb/giây tại trụ sở, giảm xuống 1Gb/giây trong hành lang tòa nhà.

Trong email, KT cho biết tốc độ dữ liệu 5G trung bình dao động từ 800Mb/giây đến 1Gb/giây. Theo KT, rất khó để so sánh tốc độ dữ liệu tại Hàn Quốc, nơi có dịch vụ trên toàn quốc, với các nước chỉ mới thử nghiệm hay dịch vụ có mặt tại vài thành phố.

Bắc Kinh

Tại Bắc Kinh, phóng viên sử dụng điện thoại Huawei P40 Pro. Mạng 5G đủ ổn định để phát video 1080p khi đang ngồi trên xe. Không có tín hiệu 5G bên trong tàu điện ngầm và trung tâm mua sắm tại Guomao, nơi thường bán các mặt hàng xa xỉ. Phần lớn khu vực Trung Nam Hải không có sóng 5G, theo bản đồ do China Mobile cung cấp.

Đại diện của China Mobile tại Bắc Kinh đã gửi email cho Bloomberg, trong đó có video cho thấy tốc độ tải vượt quá 1,1 Gb/giây tại sân bay quốc tế Daxing.

Hong Kong

Phóng viên cũng sử dụng Huawei P40 Pro. Kết quả là có thể xem video 4K mượt mà ngoài trời ngay cả khi đang ngồi trong xe. Tốc độ tải xuống nhanh nhất được ghi nhận tại cửa hàng flagship của China Mobile Hồng Kông khu vực quận trung tâm.

Theo Alex Cheng, kỹ sư trưởng của China Mobile Hồng Kông, nhà mạng hi vọng mạng 5G sẽ “xâm nhập sâu” tại đây.

Tokyo

Tại 2 điểm trong thành phố, tín hiệu 5G khá mạnh bên trong cửa hàng của nhà mạng NTT Docomo nhưng không ổn định ở khu vực ngay gần đó. Phóng viên dùng Galaxy S20 và ứng dụng đo tốc độ của Netflix. Cả hai sân bay chính, Tokyo Sky Tree và 2 cơ sở phục vụ Thế vận hội đều được phủ sóng 5G. Nhà mạng dự định mở rộng 5G vào cuối tháng 7 và cuối tháng 10.

Theo Du Lam (Theo Bloomberg)

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Báo nói