Chiến tranh hạt nhân giữa Mỹ và Nga liệu có xảy ra?

Khái niệm “bộ ba hạt nhân” được hiểu là, khi một quốc gia sở hữu các phương tiện hạt nhân gồm các căn cứ mặt đất, trên không và tàu ngầm, thì sẽ cho phép quốc gia đó tăng cơ hội tấn công đáp trả sau khi bị tấn công hạt nhân.

chien tranh hat nhan giua my va nga lieu co xay ra

Đám mây hình nấm do quả bom nguyên tử ném xuống Nagasaki, Nhật Bản năm 1945. (ảnh: AP, U.S.Signal Corps).

Chẳng hạn, đối với Mỹ và Liên Xô trong thời kỳ “Chiến tranh Lạnh”, trong trường hợp một trong hai bên tấn công trước làm phá hủy các hệ thống căn cứ mặt đất và trên không của đối phương, thì họ sẽ còn lại lực lượng tàu ngầm có thể tấn công hủy diệt sau đó.

Lúc đó, khả năng xảy ra một cuộc chiến tranh hạt nhân nguy hiểm đến mức, thời gian kéo dài của nó được coi là nỗi kinh hoàng tột độ và làm cho xung đột vũ trang giữa NATO và Khối hiệp ước Varsava trở nên không thể tưởng tượng được.

Mỹ tìm cách tăng cường quốc phòng

Sau khi kết thúc “Chiến tranh Lạnh” vào năm 1991, dường như khả năng xảy ra xung đột hạt nhân ngày càng giảm xuống, mặc dù việc phổ biến vũ khí hạt nhân vẫn tiếp diễn. Tuy nhiên, chẳng ai muốn thù địch với Nga ở cấp độ rõ ràng như hiện nay.

Ngày nay, mọi cuộc nói chuyện tại Lầu Năm Góc đều đề cập việc làm cách nào để đánh bại một nước Nga đang tăng cường sức mạnh rõ rệt. Trong khi đó, mới đây Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố rút khỏi Hiệp ước an ninh hạt nhân, xuất phát từ “các hành động thù địch” của Mỹ.

Đương nhiên, thái độ thù địch của Lầu Năm Góc đối với Moscow đa phần được giải thích là do vấn đề ngân sách quốc phòng. Các tướng lĩnh quân đội cần có một kẻ thù hùng mạnh và nguy hiểm hơn “khủng bố quốc tế” để biện minh cho việc tăng cường vai trò Lực lượng vũ trang của mình. Những khẳng định mới đây của các sỹ quan tham mưu về việc quân đội Nga vượt trội hơn hẳn quân đội Mỹ chỉ đúng trong trường hợp chỉ tính số lượng xe tăng, mà không tính số máy bay của hai nước.

Mối lo ngại mà cựu Tướng Wesley Clark (người mới tham gia chính trường và khẳng định rằng, Nga đã chế tạo thành công xe tăng “bất khả xâm phạm”) đã gặp phải những lời chế nhạo. Nhiều tuyên bố liên quan đến các hệ thống vũ khí hiện đại của Nga cũng được đưa ra từ phía chính quyền Ukraine, bởi nước này rất cần có lý do để đề nghị Mỹ cung cấp vũ khí tấn công hiện đại và hỗ trợ quân sự. Sự thực là, nếu không có vũ khí hạt nhân thì Nga rất khó để có thể “lớn tiếng”. Nền kinh tế đang gặp khó khăn của nước này hiện GDP chỉ bằng của Italy, trong khi ngân sách quốc phòng lại thấp hơn Mỹ đến 7 lần. Nga chỉ có một tàu sân bay duy nhất, trong khi Mỹ có đến 10 chiếc, số trực thăng cũng ít hơn đến 6 lần, máy bay tiêm kích ít hơn ba lần, còn quân số chính quy thấp hơn hai lần. Nga không có liên minh quân sự hoạt động hiệu quả, trong khi các đồng minh của Mỹ hầu hết là các nước Đông Âu và Tây Âu trong khối NATO.

Chính sách kim chế hạt nhân

Chính sách của Mỹ là, NATO đảm bảo kiềm chế phi hạt nhân ở một cấp độ đủ để Nga không muốn lao vào một cuộc xung đột với các thành viên Liên minh quân sự này. Tuy nhiên, Nga sẽ có những lợi thế nhất định nếu nước này bất ngờ tấn công, khi chỉ dựa vào truyền thông trong nước và triển khai các lực lượng vượt trội theo một số hướng.

Trong khi khả năng phối hợp đáp trả của NATO vẫn còn bị nghi ngờ, bởi lý do để tổ chức này tồn tại ngày càng giảm xuống, dù Liên minh này vẫn đang mở rộng biên giới của mình, cụ thể mới đây đã kết nạp thêm Montenegro.

Vấn đề tổ chức phòng thủ phi hạt nhân hiệu quả được nói đến thông qua sự tồn tại cấp độ hai về kiềm chế, đó là chiếc ô hạt nhân được Mỹ, Anh và Pháp giương ra bảo vệ châu Âu. Giới lãnh đạo Mỹ trước đây đã từng dự tính rằng, trong trường hợp xảy ra xung đột thì Washington và NATO sẽ không sử dụng vũ khí hạt nhân trước, nhưng việc này chưa bao giờ được cho là chính sách thực sự.

Trong khi đó, tháng 9 vừa qua có thông tin cho rằng, Tổng thống Mỹ Barack Obama muốn phê chuẩn cam kết về việc không sử dụng trước vũ khí hạt nhân, tuy nhiên nội các của ông đã bác bỏ đề xuất này, còn Bộ trưởng Quốc phòng Ashton Carter gọi đây là “dấu hiệu của sự yếu đuối”. Sau đó, hai nghị sỹ tự do đã đề nghị xem xét dự luật cấm Mỹ tấn công hạt nhân trước, tuy nhiên dự luật đã không nhận được sự ủng hộ.

Mỹ vẫn coi Nga là mối đe dọa

Bộ trưởng Ashton Carter, người gọi vũ khí hạt nhân là “cơ sở chắc chắn” và “sự đảm bảo” cho an ninh nước Mỹ, mới đây đã có bài phát biểu tại một số căn cứ quân sự, nơi triển khai hệ thống tên lửa “Minuteman” của nước này.

Ông tuyên bố, Mỹ và các đồng minh châu Âu hiện đang “làm mới” chiến lược của Mỹ, bằng cách tích hợp các hệ thống vũ khí thông thường và hạt nhân để “ngăn chặn Nga có suy nghĩ rằng, nếu xảy ra xung đột với NATO thì Nga sẽ có ưu thế vượt trội khi sử dụng vũ khí hạt nhân”. Người đứng đầu Lầu Năm Góc lý giải rằng, Moscow không muốn tuân thủ “các hiệp ước lâu năm về việc sử dụng vũ khí hạt nhân”, điều này đang gây ra mối nghi ngờ lớn về việc Nga “rất cẩn trọng trong việc sử dụng vũ khí hạt nhân như giới lãnh đạo thời Chiến tranh Lạnh”.

chien tranh hat nhan giua my va nga lieu co xay ra

Công tác chuẩn bị trước khi phá hủy tên lửa đạn đạo tầm trung di động RSD-10. (ảnh: RIA Novosti).

Bộ trưởng Ashton Carter không đề cập việc Mỹ sẽ không sử dụng vũ khí hạt nhân trước, nhưng nêu rõ, vũ khí đó gia nhập kho vũ khí là để đáp trả mối đe dọa đang gia tăng mà ông cho là từ phía Nga.

Về mặt đường lối, ông Carter là người thuộc phái “diều hâu” chống Nga. Còn về học vấn, ông là nhà vật lý và cũng là chuyên gia về các vấn đề sử dụng vũ khí hạt nhân. Một số thay đổi được ông đưa vào chính sách kiềm chế hạt nhân của Mỹ mới đây đã được đề cập trong chương trình “60 phút” của kênh CBS, khi phát sóng bộ phim nhiều tập về thực trạng kho hạt nhân nước Mỹ.

Các sỹ quan trên tàu ngầm nguyên tử “Ohio” đã công khai nói rằng, kể từ khi Nga đưa quân vào bán đảo Crimea, mức sẵn sàng chiến đấu đã được nâng lên ngang bằng với thời “Chiến tranh Lạnh”. Trong phim cũng đề cập đến thủ pháp chiến thuật tương đối mới mang tên “leo thang để giảm nhiệt”.

Thủ pháp chiến thuật này đưa ra nhằm làm thất bại cuộc tấn công có sử dụng vũ khí thông thường bằng cách tấn công hạt nhân để tỏ thái độ. Một cuộc tấn công như vậy cần phải trở thành lời cảnh báo rằng, tiếp sau đó sẽ là những đòn tấn công đáp trả mới nếu còn tiếp tục gây hấn.

Cảnh báo tấn công hạt nhân

Vũ khí hạt nhân chiến thuật mới, như phiên bản mới nhất bom B61 của Mỹ, có kích thước không lớn và dễ dàng vận chuyển. Đầu đạn hạt nhân có thể ném từ máy bay trúng mục tiêu bằng tên lửa hành trình, thậm chí là từ căn cứ mặt đất hoặc phương tiện vận chuyển.

Tiếp đó, người điều khiển có thể kích hoạt sức nổ của đầu đạn khi gắn nó vào quả bom. Điều đó có nghĩa là, tấn công hạt nhân để tỏ thái độ về bản chất có thể vẫn là một cuộc tấn công hạt nhân, nhưng với tác động hạn chế nhằm giảm thiểu tổn thất cho binh sỹ và dân thường.

Theo một số tướng lĩnh và chính trị gia, khả năng chọn lọc có thể biến quả bom thành phương tiện cảnh báo hiệu quả, mà không phải là phương tiện làm leo thang các hành động quân sự, và kết quả là loại vũ khí này đang trở nên được chấp nhận và thích hợp sử dụng hơn nhiều.

Sử dụng vũ khí hạt nhân trong những tình huống nhất định

Đương nhiên, người Nga cũng có vũ khí tương tự như vậy. Một số nguồn tin cho biết, kho vũ khí của họ ngày nay hiện đại hơn của người Mỹ. Nguyên tắc về học thuyết quân sự của Nga mới đây đã được Tổng thống Vladimir Putin giải thích rõ.

Theo ông Putin, Moscow hiện vẫn đang duy trì cho mình quyền sử dụng vũ khí hạt nhân trong trường hợp nước Nga bị đe dọa. Điều này có thể được lý giải qua việc Putin công nhận rằng, lực lượng phi quân sự của Nga sẽ không trụ vững trong một cuộc đối đầu trực tiếp với Mỹ, cũng như cảnh báo rằng, Nga có thể đối mặt với sự cần thiết phải ra đòn tấn công hạt nhân ngay từ giai đoạn đầu cuộc xung đột để tự vệ.

Vì vậy, có thể kết luận rằng, cả hai bên hiện đang đối đầu tại Đông Âu, có thể sẽ sử dụng vũ khí hạt nhân trong những tình huống nhất định. Khi đó không ai đi hỏi người Ba Lan và Slav rằng, lãnh thổ của ai có thể trở thành mục tiêu để “trình diễn” vũ khí hạt nhân. Tuy nhiên, chính phủ các nước này đã chính thức đồng ý với chiến lược kiềm chế Nga của NATO. Trong khi đó, Đức tỏ ra mất bình tĩnh với vấn đề vũ khí, bởi lẽ nước này vẫn chưa nguôi ngoai với ký ức về Hồng quân Liên Xô.

Liệu có tồn tại những dấu hiệu nguy hiểm do các sỹ quan quân đội cấp cao nào đó có thể gây rắc rối khi tin rằng, họ sẽ chiến thắng trong một cuộc chiến với Nga? Nguồn gốc cho mối nguy hiểm gia tăng đó có thể kể đến cựu tướng Wesley Clark, được biết đến là người đã ra sức cổ xúy đối đầu với Lực lượng gìn giữ hòa bình của Nga tại Kosovo năm 1999.

Thêm một người khinh suất hơn nữa là Tướng Philip Breedlove, cựu Tổng tư lệnh lực lượng NATO tại châu Âu (đã nghỉ hưu trong năm nay). Ông này kiên quyết đẩy Liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương và Mỹ đến một cuộc chiến tranh ủy nhiệm vì Ukraine. Trong số các nguồn thông tin rò rỉ, tác giả một thông tin trên tờ điện tử đề nghị Tướng Breedlove cùng với Tổng thư ký Liên Hợp Quốc soạn thảo “Chiến lược NATO để thuyết phục hoặc ép buộc Mỹ phản ứng lại mối đe dọa từ Nga”.

Tướng Breedlove cho rằng, ý tưởng này là “đầy hứa hẹn”. Vị tướng chuyên phóng đại quy mô hiện diện của Nga tại Ukraine này đã gọi Moscow là “mối đe dọa lâu dài đối với sự tồn vong của nước Mỹ và các đồng minh châu Âu”. Tướng Breedlove cũng duy trì mối quan hệ với phó Ngoại trưởng Mỹ phụ trách các vấn đề châu Âu và Á-Âu Victoria Nuland, người đã hỗ trợ tổ chức cuộc chính biến nhằm lật đổ Chính phủ Ukraine năm 2014.

Nga sẵn sàng cho một cuộc chiến với phương Tây

Trong khi đó, ứng viên Tổng thống Mỹ của Đảng Dân chủ Hillary Clinton lại gọi ông Putin là “Hitler mới”, còn tờ “New York Times” đăng các bài xã luận viết về “nhà nước bất hợp pháp của Vladimir Putin”. Ở đây, mối đe dọa thực tế là việc người Nga đang theo dõi tiến trình này với tâm trạng lo âu, và đến một lúc nào đó họ có thể xác định rằng, kẻ thù không khoan nhượng đang cố gắng dồn họ vào chân tường.

Tổng thống Putin đã nhiều lần cảnh báo, nước Nga thực sự có cảm giác bị bao vây và đang nằm trong vòng nguy hiểm cao độ do NATO không ngừng mở rộng sang phía Đông, cũng như do các mối đe dọa nhằm vào nước Nga liên quan đến hoạt động của nước này tại Syria. Các cuộc thăm dò dư luận cho thấy, người Nga hiện đã sẵn sàng cho một cuộc chiến tranh chống lại phương Tây.

Những tuyên bố cứng rắn của nhiều quan chức phương Tây cho rằng, cần phải chống lại Putin, nếu cần thiết có thể dùng vũ lực, là những tuyên bố dựa trên sự phóng đại mức độ đe dọa từ Moscow. Vũ khí hạt nhân hiện nay được đưa vào trong các kế hoạch kiềm chế do NATO soạn thảo, cũng như trong các kế hoạch phòng thủ của Nga sẽ là lời cảnh báo khủng khiếp đối với tất cả những ai không nhìn nhận được chuyện gì sẽ xảy ra tiếp theo.

Theo VOV

Đọc thêm

Tết sớm ở Trường Sa

Tết sớm ở Trường Sa

Khi những chuyến tàu rẽ sóng, vượt hàng trăm hải lý chở hàng tết đến với Trường Sa cùng những yêu thương đong đầy mà đất liền gửi gắm, ấy là lúc quân và dân nơi đây bắt đầu đón tết.
Đề án 06 - cuộc cách mạng chuyển đổi số

Đề án 06 - cuộc cách mạng chuyển đổi số

Sau 3 năm thực hiện Đề án “Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030” (Đề án 06), Hà Tĩnh được đánh giá là một trong những địa phương có cách làm hay, ghi dấu ấn, tạo tiền đề quan trọng trong cuộc cách mạng chuyển đổi số.
Có một Trường Sa trù phú giữa trùng khơi!

Có một Trường Sa trù phú giữa trùng khơi!

Vượt hơn 200 hải lý, niềm mơ ước trong tôi về một lần được đặt chân đến quần đảo Trường Sa đã trở thành hiện thực. Trong tầm mắt tôi và các đồng nghiệp, hình ảnh một Trường Sa thân thương và căng tràn sức sống, hiên ngang giữa trùng khơi đã xua tan những mệt mỏi sau một hành trình dài lênh đênh trên biển cả.
Công an tỉnh Bolikhămxay chúc Tết Công an Hà Tĩnh

Công an tỉnh Bolikhămxay chúc Tết Công an Hà Tĩnh

Nhân dịp đón Tết cổ truyền của Việt Nam, thay mặt lãnh đạo Công an tỉnh Bolikhămxay (CHDCND Lào), Đại tá Khên Von Lo Văn Xay - Phó Giám đốc Công an tỉnh gửi đến cán bộ, chiến sĩ Công an Hà Tĩnh lời chúc năm mới an khang, thịnh vượng.
Xuân biên cương ấm tình quân dân

Xuân biên cương ấm tình quân dân

Những người lính quân hàm xanh trên hai tuyến biên giới đang có nhiều hoạt động ý nghĩa, trách nhiệm hướng về Nhân dân khu vực biên giới để Tết cổ truyền nơi đây ấm áp, thắm đượm tình quân dân.