Chính phủ Mỹ đã phải đóng cửa trong khoảng thời gian kỷ lục. Nguồn: AP.
Chính phủ khó mở cửa sớm
Ngày càng có thêm nhiều người dân Mỹ cảm thấy rõ ảnh hưởng của việc đóng cửa Chính phủ một phần: Từ những du khách bị kẹt ở trạm an ninh hàng không, cho tới những sỹ quan cảnh sát biển...và hàng trăm nghìn nhân viên liên bang đang làm việc mà không được trả lương.
Thế nhưng, “điểm ngoặt” chính trị thường giúp mở cửa trở lại Chính phủ vẫn chưa tới, có lẽ là do những động lực đặc biệt dưới thời kỳ Tổng thống Trump. Hậu quả là, tình trạng đóng cửa Chính phủ Mỹ đã kéo dài 1 tháng và không có dấu hiệu ngừng lại. Trong hôm đầu tuần này, ông Trump tuyên bố trước những người ủng hộ: “Chúng ta sẽ tiếp tục tình trạng này, nếu buộc phải làm vậy”.
Một tín hiệu khác cho thấy tình trạng này còn kéo dài là, Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi đã yêu cầu Tổng thống dời ngày đưa ra Thông điệp liên bang - dự kiến vào ngày 29/1 - hoặc công bố dưới dạng văn bản, do các cơ quan an ninh đang bị quá tải. Một quan chức Nhà Trắng giấu tên khác cho hay, ông Trump vẫn lên kế hoạch đưa ra thông điệp trên vào đúng ngày 29/1.
Thông thường, tình trạng đóng cửa sẽ kết thúc khi mà một trong hai bên - hoặc Tổng thống, hoặc Quốc hội - bắt đầu cảm thấy sức ép quá lớn, trong khi chi phí dành cho các hoạt động đội lên quá cao khiến họ phải chịu tổn thất về mặt chính trị. Một trong những hiệu ứng của việc đóng cửa Chính phủ chính là đà tăng trưởng suy giảm, tỷ lệ thất nghiệp tăng và lòng tin người tiêu dùng suy giảm...
Nếu mối bất đồng giữa Tổng thống Trump - người yêu cầu phe Dân chủ cấp ngân sách 5,7 tỷ USD xây tường bao biên giới với Mexico - với Quốc hội không được giải quyết, tổn thất đối với nền kinh tế Mỹ sẽ ngày càng tăng. Đáng nói, ngoài việc xây dựng tường bao, kinh tế cũng là một trong những cam kết chủ đạo mà ông Trump từng đưa ra trong chiến dịch tranh cử Tổng thống năm 2016.
Kevin Hassett - Chủ tịch Hội đồng Cố vấn Kinh tế Nhà Trắng, từng cảnh báo rằng, ảnh hưởng của tình trạng đóng cửa Chính phủ đối với các nhà thầu cao hơn so với dự kiến, và có thể ảnh hưởng tới tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế Mỹ. Lời cảnh báo của ông Hassett nhằm gây áp lực cho đảng Dân chủ trong Quốc hội để họ đáp ứng yêu cầu của ông Trump. Tuy nhiên, lời cảnh báo cũng nhấn mạnh về rủi ro lớn đối với cam kết vực dậy nền kinh tế của ông Trump.
Tổng thống Trump hiếm khi bỏ lỡ cơ hội nói về tỷ lệ thất nghiệp ở mức thấp kỷ lục cùng đà tăng trưởng mạnh mẽ của nước Mỹ dưới thời chính quyền của ông. Các chỉ số kinh tế tốt đóng vai trò cực kỳ quan trọng để ông Trump giành chiến thắng trong kỳ bầu cử năm tới và loại bỏ các đòn công kích của phe Dân chủ. Có thể nói, kinh tế Mỹ và lợi ích của các bang công nghiệp vùng Trung Tây chính là nền tảng để ông Trump trở thành Tổng thống.
Bởi vậy, nếu tổn hại kinh tế từ việc đóng cửa một phần Chính phủ tiếp tục tăng, nó có thể ảnh hưởng sâu rộng tới các tính toán chính trị của ông Trump.
Bức tường gây chia rẽ
Trong hôm 17/1, Phát ngôn viên Nhà Trắng Sarah Sanders đã phải lên tiếng trấn an dư luận rằng, Chính phủ đóng cửa một phần không ảnh hưởng nhiều tới nền kinh tế Mỹ. “Chúng tôi tập trung vào các mục tiêu kinh tế lâu dài của chính quyền” - bà Sanders nói - “Chúng ta đang có một nền kinh tế mạnh mẽ, nhờ Tổng thống. Chúng tôi mong chờ Chính phủ mở cửa trở lại”.
Kinh tế cũng là vấn đề duy nhất khiến ông Trump cảm thấy sức ép chính trị liên quan tới việc đóng cửa Chính phủ một phần, đặc biệt là khi nó bắt đầu ảnh hưởng tới các thị trường cổ phiếu. Tuy nhiên, nếu vấn đề kinh tế khiến ông phải nhượng bộ phe Dân chủ, đó sẽ là một lựa chọn hết sức khó khăn bởi ông sẽ mất đi cơ hội tốt nhất để có tiền xây bức tường bao biên giới trong nhiệm kỳ của mình.
Theo giới phân tích, dù ông Trump vẫn có thể tiếp tục kêu gọi ủng hộ xây dựng tường bao trong lúc tái tranh cử, nhưng điều đó cũng có nghĩa rằng uy tín của ông đã suy giảm do không thể xây dựng tường bao ngay trong nhiệm kỳ đầu như đã hứa hẹn với giới cử tri.
Đến thời điểm này, trên thực tế, ông Trump chưa có dấu hiệu nhượng bộ. Ông không thể hiện sự cảm thông với hàng trăm nghìn nhân viên Chính phủ đang phải làm việc không lương, thậm chí cho rằng số nhân viên nọ muốn ông kiên quyết về vấn đề xây tường bao. Thêm vào đó, bởi ông Trump không mong muốn lôi kéo thêm những người ủng hộ mình trong giới chính trị, nên dường như vẫn tập trung làm hài lòng cộng đồng cử tri vốn đã ủng hộ ông từ trước.
Để tạo thêm sức ép chính trị với ông Trump, phe Dân chủ đã thay đổi chiến lược. Trong hôm 17/1, lãnh đạo phe thiểu số đảng Dân chủ tại Thượng viện Chuck Schumer đã tới thăm những nhân viên chính phủ làm việc không lương.
“Tôi muốn Tổng thống Trump nhìn vào những gương mặt này và xem xem ông ấy đang làm gì khi sử dụng họ làm tốt thí, sử dụng họ trong một trò chơi tống tiền” - ông Schumer nói - “Tổng thống Trump, hãy nhìn vào nỗi khổ mà ông đang gây ra”.
Thế nhưng đến nay, những đòn công kích kiểu này vẫn vô hiệu với ông Trump. Điều này là do lãnh đạo Mỹ phe Cộng hòa chỉ muốn làm hài lòng giới cử tri “căn cốt” của mình mà không quan tâm tới các bộ phận cử tri khác.
Không phe nào nhường nhau
Kết quả thăm dò dư luận do Hãng Pew Research công bố hôm 17/1 cho thấy cái giá mà Tổng thống Mỹ phải trả nếu như ông khăng khăng đòi tiền xây tường bao - một trong những cam kết chính mà ông đưa ra trong chiến dịch tranh cử. Kết quả cho thấy 79% cử tri ủng hộ đảng Dân chủ và số cử tri trung dung nghiêng về phe Dân chủ nói rằng họ coi việc đóng cửa Chính phủ là vấn đề “cực kỳ nghiêm trọng” của đất nước. Chỉ có 35% cử tri ủng hộ đảng Cộng hòa cảm thấy tương tự.
Ngoài ra, 82% cử tri ủng hộ đảng Cộng hòa nói rằng họ ủng hộ việc xây dựng bức tường bao biên giới, trong khi chỉ có 6% cử tri ủng hộ đảng Dân chủ nói vậy.
Trong khi đó, đảng Dân chủ cũng đang có sức mạnh chính trị mới. Bà Pelosi mới nhậm chức Chủ tịch Hạ viện được vài tháng sau khi đảng Dân chủ giành lại được Hạ viện trong cuộc bầu cử giữa kỳ. Đến nay, bà vẫn đủ khả năng để bác bỏ cáo buộc của ông Trump về việc đóng cửa Chính phủ, ngoài ra thông qua một số dự luật để mở cửa trở lại một số cơ quan liên bang. Tuy nhiên, những dự luật cần có sự phê chuẩn của Thượng viện - nơi đảng Cộng hòa nắm quyền - thì bà Pelosi đành “bó tay”.
Trong một bức thư gửi Tổng thống Trump hôm 17/1 vừa qua, bà Pelosi đã thể hiện rõ lối chơi quyền lực của mình khi nói rằng, do các vấn đề về an ninh trong thời gian Chính phủ đóng cửa, ông Trump nên xếp lại ngày đưa ra Thông điệp liên bang. Đây là một đòn công kích khá mạnh, bởi ông Trump coi đây là sự kiện cực kỳ quan trọng, trong khi bà Pelosi lại cho ông rất ít lựa chọn.
Nói thẳng thắn, bà Pelosi đã đưa ra tối hậu thư cho ông Trump, một thông điệp rằng nếu ông muốn phát biểu Thông điệp liên bang trực tiếp trên truyền hình, ông sẽ phải giảm bớt yêu cầu về ngân sách xây tường bao và mở cửa trở lại Chính phủ.
Về phần mình, ông Trump cũng ra đòn quyền lực, mời một nhóm các đảng viên Dân chủ trung lập tới Nhà Trắng và thuyết phục họ tránh xa bà Pelosi. Tuy nhiên, nhóm chính trị gia này không chấp nhận đề nghị của ông Trump.
Hàng loạt diễn biến trên cho thấy các thế lực ở Washington vẫn đang đấu đá lẫn nhau, và điểm mấu chốt để họ gạt phăng sự khác biệt mà tiến tới thỏa thuận là điều khó xảy ra sớm. Yếu tố cần thiết nhất để hai bên cảm nhận đủ sức ép chính trị, tiến tới đàm phán, có lẽ chính là dấu hiệu suy yếu của nền kinh tế Mỹ.