Làm dịch vụ hậu cần nghề cá để... “nuôi nghề” trưởng thôn!

(Baohatinh.vn) - Từ một thôn khó khăn nhất trở thành thôn đầu tiên phấn đấu đạt chuẩn khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu - mỗi bước phát triển của thôn Liên Thành (xã Cẩm Nhượng, huyện Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) đều ghi đậm dấu ấn của trưởng thôn Nguyễn Tông Thăng.

Làm dịch vụ hậu cần nghề cá để... “nuôi nghề” trưởng thôn!

Trưởng thôn Nguyễn Tông Thăng nói chuyện làm NTM với người dân

Mỗi người dân ở thôn Liên Thành mà chúng tôi được gặp gỡ trò chuyện, đều ngợi khen người trưởng thôn Nguyễn Tông Thăng (SN 1965) tận tụy, trách nhiệm của mình với tình cảm và sự mến phục.

Từng là một người lính, xuất ngũ về địa phương, năm 1991, cựu chiến binh Nguyễn Tông Thăng lập gia đình và làm nghề muối. Khi nghề cha ông không đủ nuôi sống gia đình, vợ chồng anh chuyển hướng làm ăn với nghề kinh doanh dịch vụ hậu cần nghề cá.

Từ buôn bán một ít ngư lưới cụ quy mô nhỏ, chủ yếu sử dụng cho các nghề đánh bắt vùng lộng, gia đình từng bước phát triển nghề kinh doanh lên một quy mô lớn hơn. Hiện tại, mô hình của vợ chồng anh là cơ sở kinh doanh dịch vụ hậu cần nghề cá lớn nhất trong xã, đáp ứng mọi nhu cầu ngư cụ của ngư dân trong và ngoài xã với số vốn hàng tỷ đồng.

Làm dịch vụ hậu cần nghề cá để... “nuôi nghề” trưởng thôn!

Mô hình dịch vụ hậu cần nghề cá của gia đình là “hậu phương” vững chắc để anh Thăng yên tâm lăn lộn với phong trào của thôn, của xã

“Vừa là cơ sở dịch vụ hậu cần nghề cá phục vụ bà con ngư dân, mô hình kinh doanh của gia đình cũng vừa là “hậu phương vững chắc” để tôi yên tâm phấn đấu theo đuổi và hoàn thành được “nghề” trưởng thôn của mình” - anh Thăng thường nói vui với mọi người như vậy.

Năm 2017, từ một phó trưởng thôn, CCB Nguyễn Tông Thăng nhận chức trưởng thôn trong điều kiện từ thôn đến xã gặp khó khăn đủ bề. Việc soát xét, chi trả tiền đền bù sau sự cố môi trường biển gặp không ít khó khăn, nhưng với sự thẳng thắn, quyết đoán nhưng thân tình và có cách làm sáng tạo, anh cùng các cán bộ thôn đã giải quyết êm đẹp và hoàn thành sớm nhất việc chi trả tiền đền bù cho dân.

Làm dịch vụ hậu cần nghề cá để... “nuôi nghề” trưởng thôn!

Huy động tối đa sức dân, giảm gánh nặng về đóng góp tiền của là quan điểm của thôn Liên Thành trong xây dựng khu dân cư mẫu

Sau sự cố môi trường, đầu năm 2018, thôn Liên Thành bắt tay xây dựng khu dân cư NTM kiểu mẫu gần như từ con số không. Tiếp tục phát huy năng lực và trách nhiệm của mình, Trưởng thôn Nguyễn Tông Thăng và ban lãnh đạo thôn nhận được sự đồng tình, ủng hộ cao của người dân.

Trong điều kiện kinh tế của người dân khó khăn, anh Thăng cùng với ban cán sự thôn chủ trương hạn chế thấp nhất việc huy động tiền trong dân, thay vào đó huy động tối đa sức dân cộng với tranh thủ triệt để các nguồn lực bên ngoài để xây dựng các tiêu chí.

Vì vậy, trong năm 2018, mặc dù tổng số tiền thu trong dân chỉ xấp xỉ 100 triệu đồng; năm 2019 hoàn toàn không thu khoản tiền nào trong dân nhưng thôn đã triển khai được nhiều việc: Làm mới 22 tuyến đường giao thông với tổng chiều dài 3,2km cùng rãnh thoát nước, bồn trồng cây cảnh, cây bóng mát; cổng chào trước nhà văn hóa thôn; quy hoạch và làm mới sân nhà văn hóa… với hàng vạn lượt ngày công.

Làm dịch vụ hậu cần nghề cá để... “nuôi nghề” trưởng thôn!

Bà con thôn Liên Thành tập trung nâng cấp khuôn viên nhà văn hóa thôn

Phấn đấu đạt chuẩn trong năm 2019, phong trào xây dựng khu dân cư NTM kiểu mẫu ở thôn Liên Thành đang được khơi dậy mạnh mẽ từ mỗi người dân. Cùng với các công trình chung của thôn, tại các tổ, cụm liên gia, người dân cũng tự nguyện bỏ tiền, ngày công để làm sạch đẹp hơn đường làng, ngõ xóm.

Điển hình như tại cụm liên gia Bắc Giang, sau khi con đường bê tông được nâng cấp, 7 hộ dân ở đây đã bàn bạc và tự nguyện đầu tư hàng chục triệu đồng/hộ và ngày công láng bê tông, làm bồn cây 2 bên lề đường, làm cho đường thoáng rộng và sạch đẹp hơn…

Làm dịch vụ hậu cần nghề cá để... “nuôi nghề” trưởng thôn!

Một phần lề đường của nhà bà Nguyễn Thị Loan (ngoài cùng bên phải) vừa mới được láng xi măng

Bà Nguyễn Thị Loan ở cụm Bắc Giang, mặc dù hoàn cảnh còn khó khăn nhưng vẫn là một trong những hộ đi đầu đổ lề đường, chia sẻ: “Để làm được trên 100 m2 lề đường, tôi phải bỏ ra 12 triệu đồng và nhiều ngày công. Mặc dù phải vay mượn thêm để làm nhưng tôi rất vui, bởi vì chúng tôi tin tưởng vào chủ trương của Nhà nước, tin vào sự chỉ đạo của Trưởng thôn Thăng và các cán bộ thôn, làm NTM là làm cho chính mình”…

Làm dịch vụ hậu cần nghề cá để... “nuôi nghề” trưởng thôn!

Mẫu hàng rào xanh được Trưởng thôn Nguyễn Tông Thăng trồng, chăm sóc và cắt tỉa hằng ngày tại nhà để làm “mô hình học cụ” cho bà con làm theo

Bà con tin tưởng vị trưởng thôn, không chỉ vì sự nhiệt tình, xông xáo, tận tụy phục vụ nhân dân mà ở CCB Nguyễn Tông Thăng còn thể hiện sự nêu gương rõ nét. Từ lời ăn tiếng nói, từ mỗi việc làm cụ thể, bao giờ anh cũng đi đầu làm trước.

“Làm NTM mà tuyên truyền suông sẽ không ai nghe mình đâu. Muốn để dân tin, dân nghe để làm theo thì trước hết mình phải gương mẫu đi đầu rồi mới nói được. Có được như vậy thì “người vác tù và hàng tổng” mới hoàn thành được nhiệm vụ của mình - Trưởng thôn Nguyễn Tông Thăng vui vẻ chia sẻ.

Chủ đề Xây dựng nông thôn mới

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast