Quan khách tham dự cuộc họp thường niên của Viện hàn lâm Thụy Điển ngày 20-12-2017 tại tòa nhà Old Stock Exchange ở Stockholm - Ảnh: CNN
Ngày 4-5, Viện hàn lâm Thụy Điển đã đưa ra quyết định hoãn giải Nobel Văn chương năm 2018 vì những bê bối xung quanh vấn đề quấy rối tình dục liên quan đến nội bộ viện.
Về nguyên tắc, giải thưởng Nobel sẽ được trao mỗi năm. Nhưng trong lịch sử, một số trì hoãn về giải thưởng Nobel đã từng xảy ra. Lần cuối cùng giải Nobel văn chương bị trì hoãn là vào năm 1943 - đỉnh điểm của chiến tranh thế giới thứ 2 và Đức quốc xã đang chiếm đóng phần lớn châu Âu.
Viện hàn lâm Thụy Điển có ý định sẽ trao giải thưởng Nobel Văn chương năm 2018 vào năm sau. Theo như ý định này, sẽ có hai giải Nobel Văn chương được trao vào năm 2019.
Tuy nhiên, quyết định này không ảnh hưởng đến việc trao giải thưởng Nobel năm 2018 cho các hạng mục khác.
Các thành viên Viện hàn lâm Thụy Điển - Ảnh chụp năm 2015
Những tuần gần đây, 6 thành viên của Viện hàn lâm Thụy Điển - một trong những cơ quan văn hóa uy tín nhất của Thụy Điển đã phải từ chức. Chỉ với 10 thành viên tích cực còn lại, viện đã thảo luận về số phận của giải thưởng Nobel văn chương năm nay.
Cuộc khủng hoảng tại Viện hàn lâm Thụy Điển đã ảnh hưởng bất lợi đến giải thưởng Nobel. Quyết định của họ nhấn mạnh tính nghiêm trọng của vụ việc và nhưng cũng được xem là động thái giúp bảo vệ danh tiếng lâu dài của giải Nobel.
Quỹ Nobel cho rằng Viện hàn lâm Thụy Điển sẽ nỗ lực thực hiện nhiệm vụ khôi phục uy tín của mình và sẽ báo cáo các hành động cụ thể được tiến hành.
Lần này, cuộc khủng hoảng tập trung vào Jean-Claude Arnault, một nhiếp ảnh gia người Pháp và là chồng của nhà thơ Katarina Frostenson, một trong sáu thành viên của viện.
Katarina Frostensson và chồng Jean-Claude Arnault
Jean-Claude Arnault được xem như một nhà văn hóa hàng đầu ở Thụy Điển. Ông đang phải đối mặt với nhiều cáo buộc về tấn công và quấy rối tình dục từ khi những cáo buộc đầu tiên được tường thuật trên Dagens Nyheter (một tờ báo Thụy Điển) vào cuối năm ngoái.
Trong một tuyên bố gửi qua email cho CNN, luật sư của Jean-Claude Arnault cho biết thân chủ của ông phủ nhận tất cả các cáo buộc.
Một diễn biến khác, Viện hàn lâm Thụy Điển cũng đang chịu áp lực giải quyết vụ bê bối liên quan đến xung đột tài chính trong quá trình cung cấp tài trợ cho Diễn đàn Kulturplats, một trung tâm văn hóa cũng do vợ chồng Arnault và Frostenson quản lý.
Ida Ostensson, người sáng lập và chủ tịch quỹ bình đẳng Thụy Điển Make Equal tin rằng Viện hàn lâm Thụy Điển cần thay đổi và tái cấu trúc nếu muốn tiếp tục sứ mệnh của mình.
Ostensson cũng bày tỏ sự vui mừng khi vụ bê bối trên có thể tiếp thêm năng lượng cho chiến dịch #Metoo phát triển mạnh mẽ ở quốc gia này.