Đại biểu Quốc hội Hà Tĩnh góp ý về “một luật sửa tám luật”

(Baohatinh.vn) - Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH Hà Tĩnh Trần Đình Gia đề nghị, về thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư của Thủ tướng Chính phủ cần phân cấp mạnh hơn cho UBND cấp tỉnh nhằm tạo sự chủ động hơn cho các địa phương trong việc thu hút đầu tư trên địa bàn.

Ngày 10/1, Quốc hội tiếp tục thảo luận trực tuyến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu, Luật Điện lực, Luật Doanh nghiệp, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật Thi hành án dân sự.

Điểm cầu Hà Tĩnh do Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Trần Đình Gia và Thiếu tướng Hà Thọ Bình - Phó Tư lệnh, Tham mưu trưởng Quân khu IV điều hành.

Đại biểu Quốc hội Hà Tĩnh góp ý về “một luật sửa tám luật”

Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Trần Đình Gia và Thiếu tướng Hà Thọ Bình - Phó Tư lệnh, Tham mưu trưởng Quân khu IV điều hành điểm cầu Hà Tĩnh.

Dự thảo dự án Luật này gồm 10 điều, trong đó: 8 điều sửa đổi, bổ sung một số quy định của 8 luật hiện hành, 1 điều quy định về điều khoản chuyển tiếp và 1 điều quy định về hiệu lực thi hành.

Ngày 6/1 vừa qua, Quốc hội đã thảo luận tại tổ về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 8 luật. Các tổ ĐBQH sau đó gửi nội dung tổng hợp về Ban Thư ký Quốc hội. ĐBQH cũng đã đóng góp 273 lượt ý kiến phát biểu liên quan tới vấn đề này.

Đại biểu Quốc hội Hà Tĩnh góp ý về “một luật sửa tám luật”

Quốc hội thảo luận trực tuyến về “một luật sửa tám luật”. Ảnh: quochoi.vn

Đa số ý kiến nhất trí với sự cần thiết, quan điểm xây dựng, phạm vi sửa đổi, bổ sung chỉ sửa đổi, bổ sung những nội dung có tính cấp bách, đang thực sự gây khó khăn, vướng mắc cần tháo gỡ ngay nhằm hỗ trợ sản xuất, kinh doanh trong bối cảnh tác động tiêu cực của dịch COVID-19 để trình Quốc hội xem xét, quyết định tại kỳ họp bất thường.

Các ý kiến cũng cho rằng, hồ sơ dự án Luật đáp ứng yêu cầu theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Nội dung của dự thảo Luật cơ bản phù với quy định của Hiến pháp năm 2013 và bảo đảm tính thống nhất nội tại của từng luật và của hệ thống pháp luật.

Nhiều ý kiến đề nghị rà soát kỹ lưỡng về tính cần thiết, bảo đảm xử lý những vấn đề thực sự cấp thiết, còn nhiều khó khăn, vướng mắc chưa được giải quyết.

Đại biểu Quốc hội Hà Tĩnh góp ý về “một luật sửa tám luật”

Đại biểu Ngô Trung Thành phát biểu tại điểm cầu Hội trường Diên Hồng - Nhà Quốc hội. Ảnh: quochoi.vn

Một số ý kiến đề nghị hiệu lực thi hành ngay từ ngày Luật thông qua để kịp thời đưa chủ trương, chính sách đi vào cuộc sống...

Cơ bản thống nhất với tờ trình của Chính phủ, tuy nhiên, để bảo đảm phát huy tối đa hiệu quả của dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 8 luật, các đại biểu đề nghị Chính phủ điều chỉnh, bổ sung thêm một số nội dung.

Phát biểu tại buổi thảo luận, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Trần Đình Gia đã có ý kiến đóng góp về nội dung một số điều Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu và Luật Đầu tư.

Đại biểu Quốc hội Hà Tĩnh góp ý về “một luật sửa tám luật”

Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Trần Đình Gia đóng góp ý kiến tại buổi thảo luận trực tuyến của Quốc hội về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 8 luật.

Về luật Đầu tư công, theo đại biểu Trần Đình Gia, ngoài nội dung dự thảo, đề nghị quan tâm, tiếp tục nghiên cứu, sửa đổi để tháo gỡ vướng mắc, phù hợp với thực tiễn. Cụ thể, đối với thẩm quyền giao các cơ quan, tổ chức làm chủ đầu tư dự án sử dụng vốn đầu tư công, việc giao làm chủ đầu tư cho các ban quản lý dự án khu vực cấp huyện còn có một số bất cập và trên thực tế các địa phương trên cả nước có cách thức giao chủ đầu tư còn khác nhau. Đây là nội dung còn vướng mắc, có nhiều tranh luận trong quá trình thực hiện. Do đó, đề nghị xem xét tiếp tục phân cấp, phân quyền gắn với nâng cao năng lực của ban quản lý dự án cấp huyện để đáp ứng nhiệm vụ được giao.

Đề nghị nghiên cứu, bổ sung quy định HĐND các cấp được quyết định kéo dài thời gian thực hiện đối với dự án nguồn vốn ngân sách do cấp mình quản lý, bởi theo quy định Luật Đầu tư công hiện hành, trường hợp bất khả kháng, HĐND tỉnh sẽ quyết định thời gian thực hiện nhưng không quá 31 tháng 12 năm sau đối với nguồn vốn ngân sách địa phương (bao gồm ngân sách cấp tỉnh, ngân sách cấp huyện và ngân sách cấp xã).

Đối với nguồn vốn ngân sách cấp huyện thì theo thẩm quyền HĐND cấp huyện sẽ quyết định giao kế hoạch đầu tư công chi tiết các dự án của ngân sách cấp huyện nhưng lại không quy định HĐND cấp huyện quyết định kéo dài thời gian thực hiện là chưa phù hợp. Trong khi HĐND tỉnh không có cơ sở để quyết định kéo dài nguồn vốn ngân sách cấp huyện quản lý.

Về Luật Đầu tư, đề nghị xem xét, tiếp tục sửa đổi thêm một số quy định về thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư của Thủ tướng Chính phủ theo hướng phân cấp mạnh hơn cho UBND cấp tỉnh, nhằm tạo sự chủ động hơn cho các địa phương trong việc thu hút đầu tư trên địa bàn.

Theo đó, đối với các dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp, khu chế xuất; dự án đầu tư xây dựng nhà ở để bán, khu đô thị… đã có trong quy hoạch tỉnh được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt thì nên ủy quyền cho các địa phương xem xét chấp thuận chủ trương đầu tư, sau khi lấy ý kiến thẩm định của các bộ, ngành liên quan.

Sửa đổi thống nhất quy định về việc chấm dứt dự án và thu hồi đất, vì thực tế, nhiều dự án đã ban hành quyết định chấm dứt hoạt động do vi phạm thời hạn triển khai dự án theo quy định của Luật Đầu tư nhưng không thể thu hồi đất vì vướng quy định của Luật Đất đai cho phép nhà đầu tư gia hạn thời gian sử dụng đất thêm 24 tháng.

Đề nghị xem xét sửa đổi, bổ sung để thống nhất giữa Luật Đấu thầu và Luật Đầu tư về việc lựa chọn nhà đầu tư thông qua đấu giá đất, đấu thầu dự án có gắn liền với quyền sử dụng đất, quyết định chủ trương đầu tư.

Sau khi nghe ý kiến đóng góp của các ĐBQH tại phiên họp thảo luận trực tuyến, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long - thành viên Chính phủ, có phát biểu giải trình một số vấn đề.

Đại biểu Quốc hội Hà Tĩnh góp ý về “một luật sửa tám luật”

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long. Ảnh: Quochoi.vn

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho hay, việc trình Quốc hội xem xét về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 8 luật hiện hành, xuất phát từ rà soát những khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn của các bộ, các địa phương và tăng cường phân quyền, đồng thời bảo đảm sự kiểm soát chặt chẽ nguồn lực của đất nước. Trường hợp được thông qua, Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 8 luật có hiệu lực thi hành từ 1/3/2022.

Các ý kiến đóng góp của ĐBQH sẽ tiếp thu đầy đủ để xem xét, bổ sung cho dự án Luật một cách đầy đủ, bao quát.

Trong phiên họp chiều nay, các đại biểu Quốc hội thảo luận trực tuyến về Chủ trương đầu tư Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021- -2025.

Chủ đề Họp Quốc hội

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast