Dâng trọn tuổi xuân cho quê hương, đất nước!

Từ lâu lắm rồi, những địa danh lịch sử như Ngã ba Đồng Lộc, Truông Bồn... đã nằm trong trái tim người dân nước Việt và bạn bè thế giới với biết bao yêu thương và kính trọng. Trở lại Đồng Lộc dâng hương trước mộ các chị, cũng như bao lần khác, tôi lại lặng người xúc động trước hành động dũng cảm quên mình của một thế hệ đã hiến trọn tuổi thanh xuân vì độc lập, tự do của quê hương, đất nước...

Về thăm Truông Bồn

Một ngày đầu nùa Hạ, vượt gần 100 km, chúng tôi từ Hà Tĩnh ra với Truông Bồn, một địa danh nổi tiếng thuộc xã Mỹ Sơn, huyện Đô Lương, Nghệ An, cách thành phố Vinh 40 km về hướng Tây. Xe chạy bon bon qua những quả đồi, những làng mạc trù phú, không hề thấy dấu tích của bom đạn, chỉ có con đường nhựa mải miết chạy về phía di tích lịch sử.

Qua dốc Truông Bồn chừng 200m, chúng tôi dừng lại bên Nhà bia ngay sát đường ghi công 13 chiến sĩ TNXP (trong đó có 11 cô gái) hy sinh cùng một lúc tại toạ độ lửa. Nằm trên một quả đồi nhỏ đã được san bằng một góc, Nhà bia và mộ của 13 liệt sĩ TNXP Truông Bồn trang nghiêm và im lặng nhìn ra cánh đồng rộng và đồi núi Mỹ Sơn.

Lực lượng TNXP C317 san lấp hố bom tại Truông Bồn

Lực lượng TNXP C317 san lấp hố bom tại Truông Bồn

“Trong những năm từ 1964 đến 1972, Truông Bồn có vị trí đặc biệt quan trọng, là huyết mạch giao thông chi viện sức người sức của cho Miền Nam ruột thịt. Phát hiện ra Truông Bồn là yết hầu vận tải ở mặt đất nên đế quốc Mỹ đã không tiếc bom đạn trút xuống nơi này. Chỉ tính riêng từ tháng 6 đến tháng 10-1968, Đế quốc Mỹ đã ném 2.692 quả bom, bắn hàng trăm quả tên lửa xuống Truông Bồn, làm cho hàng trăm chiếc xe ô tô chở hàng và hàng trăm khẩu pháo của bộ đội ta bị cháy. Hơn 200 CBCS bộ đội phòng không, công binh Quân khu 4 và TNXP đơn vị C317, C340 đã hy sinh và bị thương trong khi làm nhiệm vụ. Riêng xã Mỹ Sơn đã có 41 người chết và bị thương. Mặc dù vậy, các chiến sĩ TNXP đã kiên cường bám trụ với tinh thần quả cảm: “Tim có thể ngừng đập nhưng đường không thể tắc” “Sống anh dũng bám cầu đường, chết kiên cường dũng cảm”.

Những dòng lịch sử trong bản thành tích đề nghị Nhà nước truy tặng danh hiệu anh hùng cho tập thể TNXP Truông Bồn do Hội cựu TNXP Nghệ An cung cấp đã thúc giục chúng tôi đi tìm các nhân chúng của lịch sử. Thật may mắn vì ngay tại Nhà bia, chúng tôi đã gặp anh Trần Thanh Tạo, nguyên cán bộ phụ trách kỹ thuật Ty giao thông và là thành viên Ban đảm bảo giao thông Nghệ An năm 1968. Anh hiện công tác tại Hạt giao thông Đô Lương, phụ trách khu nhà bia tưởng niệm và mộ 13 liệt sĩ.

Trước khi vào câu chuyện, chúng tôi lặng lẽ dâng hương hoa và cúi đầu tưởng niệm vong linh các liệt sĩ. Anh Tạo cho biết: cả 13 liệt sĩ hy sinh trong cùng một căn hầm trú ẩn nhưng do chỉ tìm được 6 thi hài còn những người khác đã lẫn vào đất đá nên khi xây dựng người ta đã xây theo mô hình mộ - bia. Phía sau lư hương là phần mộ tập thể được xây cách điệu và sau cùng mới đến tấm bia lớn. Xung quanh tường rào là các bức phù điêu miêu tả chiến công của các liệt sĩ. Hầu hết họ đều hy sinh ở độ tuổi 18- 20, riêng cô Nguyễn Thị Hoà ở Hưng Yên Hưng Nguyên mới 17 tuổi, 10 người quê ở Yên Thành, 3 người quê Hưng Nguyên, Diễn Châu và Đô Lương.

Quay lại câu chuyện với chúng tôi, anh Tạo trầm hẳn giọng. Những ngày khói lửa cách đây gần 40 năm hiện về rõ mồn một trong tâm trí anh: 4h sáng ngày 31-10-1968, toàn Đại đội C317 Tổng đội 65 TNXP Nghệ An khẩn trương ra hiện trường tập trung san lấp hố bom giải phóng cho đoàn xe quân sự vượt qua Truông vào Nam. Đến 6h10’, công việc sắp hoàn thành, bất ngờ có báo động máy bay oanh tạc, các đồng chí trong đơn vị rút về hầm trú ẩn. Riêng 14 người của Tiểu đội 1 và Tiểu đội 2 rút về sau cùng. Lập tức, 1 tốp 4 chiếc máy bay Mỹ trút xuống hai loạt với hàng trăm quả bom. Truông Bồn chìm trong biển khói mù mịt...

Tượng đài Truông Bồn chiến thắng

Tượng đài Truông Bồn chiến thắng

Ngớt tiếng bom, cả Đại đội C317 và các đơn vị TNXP đóng quanh Truông Bồn và dân quân Mỹ Sơn chạy ra đào bới nhưng chỉ tìm được 2 người là Cao Ngọc Hoà và Nguyễn Thị Thông. Chị Thông được cứu sống còn anh Hoà đã mất. Sau đó hàng trăm người cả bộ đội, TNXP, dân quân Đô Lương và cán bộ giao thông đổ về đào bới, tìm kiếm nhưng qua 2 ngày chỉ tìm kiếm được 5 người còn nguyên vẹn là Hà Thị Đang, Đàm Thị Bốn, Nguyễn Thị Phúc, Trần Thị Doãn, Đinh Thị Vinh. Còn lại 7 người chỉ được một phần rất ít, đồng đội đã chia làm 7 phần mai táng chung một nấm mồ ở đồi cây Công nơi họ làm nhiệm vụ và hy sinh, gồm: Trần Văn Hạp, Phan Thị Dung, Hoàng Thị Nhung, Vũ Thị Hiên, Nguyễn Thị Văn, Nguyễn Thị Tâm, Nguyễn Thị Hoài. Đên nay phần mộ của 6 người riêng lẻ đã được gia đình đưa về quê, chỉ còn lại ngôi mộ chung 7 người ở nhà bia.

Chúng tôi cùng nghẹn ngào trước nỗi đau riêng của các gia đình và cũng là nỗi đau chung của một dân tộc phải đổi máu xương để dành lại tự do. Cụ bà Nguyễn Thị Vinh, 80 tuổi ở gần khu bia - mộ, người hàng ngày hương khói cho các anh chị thốt lên đầy xót xa: “11 cô này đều chưa có chồng, 2 cậu này cũng chưa có vợ đâu các cháu ạ. Tiếc thay, chỉ sau 2 ngày họ hy sinh là Mỹ tuyên bố ném bom ngừng bắn”.

Trong số 13 chiến sĩ hy sinh ngày 31/10/1968, có 8 người đã được xét cho đi học ở các trường trung cấp hoặc đại học, gồm: Phan Thị Dung, Đoàn Thị Bốn, Cao Ngọc Hoà, Nguyễn Thị Sâm, Vũ Thị Hiên, Trần Thị Doãn, Nguyễn Thị Phúc, Hà Thị Đang. Thế nhưng, trước tình hình khó khăn của đơn vị, các anh chị đã tình nguyện ra hiện trường làm việc cùng đồng đội với tinh thần: Một giờ còn ở đơn vị là còn ra hiện trường

Không sự hy sinh nào là uổng phí. Thể phách các anh chị TNXP Truông Bồn cũng như TNXP cả nước đã hoà vào đất đai sông núi, hồn các anh chị hoà vào hồn thiêng dân tộc cho hạnh phúc lứa đôi nở hoa kết trái, cho lớp lớp đàn em thơ được vui chơi ca hát dưới những mái trường. Một thế hệ trẻ đã thay các anh chị học tập, lao động làm giàu quê hương. Từ Truông Bồn, tôi lại nhớ về những TNXP ở Đồng Lộc, về những TNXP hy sinh trong hang đá trên đường Quyết Thắng - Quảng Bình.

Trở lại Đồng Lộc

Hơn 35 năm qua, kể từ thời điểm Huy Cận viết bài thơ” Ngã ba Đồng Lộc”, hàng triệu lượt người đã về với Hà Tĩnh, dải đất nắng lửa mưa chan anh dũng kiên cường giữa khúc ruột miền Trung. Và hầu như mỗi một người khi đặt chân đến Hà Tĩnh đều tìm về địa chỉ thiêng liêng ấy.

Chiến trường Đồng Lộc những ngày khói lửa

Chiến trường Đồng Lộc những ngày khói lửa

Từ lâu lắm rồi, Ngã ba Đồng Lộc đã nằm trong trái tim người dân nước Việt và bạn bè thế giới với biết bao yêu thương và kính trọng. Có ai không khẽ khàng bước chân, chắp tay kính cẩn, mắt rưng rưng nhìn ngắm những hiện vật ghi dấu lịch sử đau thương và hào hùng một thời của dân tộc! Có ai không trào dâng xúc động nhớ về những người con trai con gái đã gửi lại tuổi thanh xuân nơi Ngã ba bình dị này! Có ai đến đây, ngước nhìn dãy Trọ Voi xanh thắm và bầu trời xanh yên ả, trong tiếng thông reo đêm ngày mà không cảm thấy lòng mình thanh sạch hơn, khao khát cống hiến nhiều hơn!

Chúng ta nói nhiều về Đồng Lộc, bởi nơi đó có qúa nhiều mồ hôi và máu xương của các lực lượng bộ đội, TNXP, công nhân giao thông, lái xe, dân quân và nhân dân đã đổ xuống để giành lại từng tấc đất của Ngã ba. Chúng ta nói nhiều về Đồng Lộc, vì nơi đó 1 m2 đất đã phải chịu đến 3 quả bom tấn, vì con đường chi viện cho Miền Nam ruột thịt ở Ngã ba này đã phải đắp bằng xương máu. Lúc cao điểm nhất, 1,6 vạn người đã có mặt nơi đây để san lấp hố bom, kéo xe bị đổ, cứu hàng cứu người bị cháy, làm lại con đường đã hàng trăm lần bị băm nát.

Cụm tượng 10 cô gái TNXP Ngã ba Đồng Lộc

Cụm tượng 10 cô gái TNXP Ngã ba Đồng Lộc

Không phải chỉ vì đây là nơi yên nghỉ vĩnh hằng của 10 người con gái tuổi mười tám đôi mươi “hồn trong như suối, bình minh đời sáng tựa vầng dương”. Nơi đây còn biết bao người đã ngã xuống thầm lặng như 122 chiến sĩ ở Trung đoàn 210, 43 liệt sĩ ngành GTVT, 160 liệt sĩ TNXP. Đây cũng là nơi 2 TNXP đầu tiên, anh Lê Đăng Dương và Võ Xuân Tài đã hy sinh anh dũng trong lúc rà phá bom ở cầu Tối - Bãi Dịa. Đây cũng là nơi lưu danh tên tuổi của hàng ngàn TNXP hy sinh trên khắp mọi miền đất nước và hy sinh ở Ngã ba Đồng Lộc.

Giờ đây, nhân dân cả nước, bàn bè quốc tế và cả những người từng là kẻ thù của Đồng Lộc đến viếng thăm để hiểu thêm thế nào là sức mạnh của con người Vịêt Nam, đặc biệt là thế hệ trẻ thời đại Hồ Chí Minh. Cũng từ đây, những tên tuổi: Vương Đình Nhỏ, Nguyễn Trí Ân, Võ Triều Chung, Uông Xuân Lý, La Thị Tám, Nguyễn Thị Lân, Vũ Quang Thành, Nguyễn Khánh Toàn, Nguyễn Tiến Dũng... mãi mãi ngời sáng đến mai sau

Tôi đã đến đây không biết bao nhiêu lần. Đứng truớc dãy tên trùng điệp của những người con trai con gái TNXP từ những miền quê Cao Bằng, Bắc Kạn, Thái Nguyên, Hà Tây (cũ) cho đến cực Nam xa xôi của Tổ quốc hy sinh trên những tuyến đường đất nước và hy sinh tại Ngã ba Đồng Lộc, nghiêng mình trước 10 nấm mộ của 10 cô gái như 10 chiếc nôi xinh xắn trong lòng đất mẹ, lần nào tôi cũng rưng rưng xúc động. Có một tiếng gọi nào đó thẳm sâu trong tâm can khiến tôi chỉ biết lặng im, nhẹ nhàng đặt bàn tay lên từng bờ nôi nhỏ mà không thốt nên lời. Tôi biết, trước tôi, bao nhiêu người đã đến. Họ là những cụ già tóc bạc như cước, những cựu binh tóc hoa râm, những đồng đội cũ với khuôn mặt đầy nếp nhăn của tuổi tác và nhọc nhằn mưu sinh, những nhà văn nhà báo máy ảnh trên vai với đôi mắt ẩn sâu bao điều suy nghĩ. Họ để lại sau lưng những lo toan vướng bận đời thường để cùng hội tụ về đây trong ngày đầu năm mới, ngày 30-4, 24-7, 27-7 và ngày rằm, ngày mồng một âm lịch hàng tháng. Sau tôi, biết bao nam thanh nữ tú thời bình phơi phới niềm vui, biết bao em bé khăn quàng đỏ thắm trên vai, mắt trong biếc thơ ngây.

Cựu TNXP trong cuộc hội ngộ nhân kỷ niệm 40 năm chiến thắng Ngã ba Đồng Lộc

Cựu TNXP trong cuộc hội ngộ nhân kỷ niệm 40 năm chiến thắng Ngã ba Đồng Lộc

Trở lại Đồng Lộc dâng hương trước mộ các chị, cũng như bao lần khác, tôi lại lặng người xúc động trước hành động dũng cảm quên mình, sự ra đi hồn nhiên thanh thản của các chị. Tôi hiểu rằng các chị không bao giờ chết, linh hồn các chị luôn quẩn quanh cùng bờ tre ruộng lúa, mái nhà quê hương, cùng hạnh phúc của những đôi lứa trong hoà bình để bảo vệ chở che và nhắc nhở những người đang sống hôm nay làm nhiễu việc tốt xứng đáng với sự hy sinh của cha anh.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast