Học Bác về tự phê bình và phê bình

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn nhắc nhở cán bộ, đảng viên phải thật thà tự phê bình và phê bình; coi đó như công việc "đánh răng, rửa mặt" hằng ngày, để giúp nhau cùng tiến bộ. Những lời Người căn dặn về tự phê bình và phê bình vẫn mang tính thời sự, nhất là khi toàn Ðảng đang tích cực thực hiện Nghị quyết T.Ư 4 (khóa XI) về xây dựng Ðảng.

Kỷ niệm 124 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh

Tự phê bình và phê bình là "luật phát triển của Ðảng"

Lê-nin đã đề ra nguyên tắc tự phê bình và phê bình để xây dựng một Ðảng kiểu mới. Chủ tịch Hồ Chí Minh rất coi trọng nguyên tắc này. Theo Người, đó là luật phát triển của Ðảng - sự phát triển bao hàm trong đó sự tự chỉnh đốn và đổi mới. Người chỉ ra rằng, "Một Ðảng mà giấu giếm khuyết điểm của mình là một Ðảng hỏng. Một Ðảng có gan thừa nhận khuyết điểm của mình, vạch rõ những cái đó, vì đâu mà có khuyết điểm đó, xét rõ hoàn cảnh sinh ra khuyết điểm đó, rồi tìm kiếm mọi cách để sửa chữa khuyết điểm đó. Như thế là một Ðảng tiến bộ, mạnh dạn, chắc chắn, chân chính"(1). Ðối với mỗi cán bộ, đảng viên, "muốn thành cán bộ tốt, phải có tinh thần tự chỉ trích"(2). Hồ Chí Minh lưu ý đảng viên và các cấp bộ đảng từ trên xuống phải "luôn luôn dùng và khéo dùng cách phê bình và tự phê bình".

Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ tự phê bình và phê bình là phương cách tốt nhất để nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân. Người cho rằng: "Mỗi cán bộ, mỗi đảng viên, mỗi ngày phải tự kiểm điểm, tự phê bình, tự sửa chữa như mỗi ngày phải rửa mặt. Ðược như thế thì trong Ðảng sẽ không có bệnh mà Ðảng sẽ mạnh khỏe vô cùng".

Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn coi tự phê bình và phê bình là thứ vũ khí sắc bén nhất, giúp cho Ðảng ta mạnh và ngày càng thêm mạnh. Nhờ có nó mà chúng ta sửa chữa khuyết điểm, phát triển ưu điểm, tiến bộ không ngừng, để Ðảng đoàn kết chặt chẽ, để nâng cao năng lực và trình độ lãnh đạo của Ðảng, để Ðảng làm tròn sứ mệnh lịch sử trước dân tộc.

Phải có tình đồng chí thương yêu lẫn nhau

Nói về tự phê bình và phê bình, Chủ tịch Hồ Chí Minh thường nhắc nhở đảng viên trước hết phải tự mình thấy rõ mình để khắc phục khuyết điểm, phát huy ưu điểm. Tự phê bình tốt mới có thể phê bình tốt. Người nhấn mạnh tinh thần gương mẫu tự giác của mỗi cán bộ, đảng viên. Chức vụ càng cao, trách nhiệm càng lớn, càng phải gương mẫu tự phê bình và phê bình. Phải thường xuyên và tự giác tự phê bình và phê bình như soi gương rửa mặt hằng ngày. "Không chịu tự phê bình, tự chỉ trích thì không bao giờ tấn tới được"(3)...

Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng thường phê phán tư tưởng, thái độ lệch lạc khi tự phê bình và phê bình như: thiếu trung thực, che giấu khuyết điểm của bản thân khi tự phê bình; sợ phê bình, nể nang né tránh, "dĩ hòa vi quý", hoặc ngược lại, lợi dụng phê bình để nói xấu, đả kích, vùi dập người khác. Tự phê bình và phê bình để rèn luyện đảng viên, nhằm làm cho mỗi người tốt hơn, tiến bộ hơn và tăng cường đoàn kết trong nội bộ Ðảng. Trong tự phê bình và phê bình phải chân thành, lý lẽ phải phân minh, nghĩa tình phải đầy đủ và quan trọng nhất là "Phải có tình đồng chí thương yêu lẫn nhau", như Người đã căn dặn trong Di chúc. Người lưu ý phải "phê bình việc làm" để sửa chữa những khuyết điểm, để công tác tốt hơn chứ không phải "phê bình người" để mạt sát, hạ nhục, chèn ép, trù dập nhau.

Mở rộng dân chủ trong tự phê bình và phê bình

Nghị quyết T.Ư 4 (khóa XI) về xây dựng Ðảng, nêu rõ nhóm giải pháp quan trọng hàng đầu để đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống là đẩy mạnh tự phê bình và phê bình, nêu cao tính tiền phong, gương mẫu của cấp trên. Ðể kiểm điểm, đánh giá đúng tình hình, thực trạng, tìm ra quyết sách đúng và tổ chức thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị, việc tự phê bình và phê bình phải được mỗi đảng viên và các tổ chức đảng đặc biệt coi trọng. Ðồng thời, công tác quản lý, nhất là đánh giá cán bộ phải được tiến hành đồng bộ thông qua nhiều kênh: giám sát của nhân dân, kiểm tra, kiểm soát trong các hoạt động, quyết định của mỗi cán bộ, đảng viên, và các tổ chức đảng Tự phê bình và phê bình phải được tiến hành nghiêm túc, thật thà với mỗi đảng viên, mỗi tổ chức đảng, đồng thời và gắn với phát huy quyền làm chủ của nhân dân, hoan nghênh nhân dân phê bình.

Ðó cũng là phương thức để mở rộng dân chủ và phát huy quyền làm chủ của nhân dân hiện nay. Ðể tạo điều kiện cho nhân dân giám sát, góp ý kiến với cán bộ, cần công khai trước nhân dân những chế độ, chính sách, quy định của Ðảng, Nhà nước có liên quan đến trách nhiệm và quyền lợi của cán bộ, đảng viên. Ðồng thời thực hiện tốt việc cán bộ, đảng viên tự phê bình trước quần chúng, là đồng nghiệp trong cơ quan, nhân dân ở nơi cư trú, để quần chúng có thể trực tiếp tham gia góp ý nhận xét từng cán bộ, đảng viên về phẩm chất, năng lực cũng như mức độ hoàn thành những công việc được giao một cách cụ thể và chính xác. Công việc này cần được tiến hành thường xuyên và quan trọng hơn là phải đi vào thực chất. Tự phê bình và phê bình phải ráo riết trong tình thương yêu đồng chí; không làm chiếu lệ qua loa. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết trên Báo Nhân Dân: "Phê bình không phải để có phê bình mà cần phải đi đến sửa chữa những khuyết điểm đã nêu ra nếu những khuyết điểm đó đúng... Có như thế thì phê bình mới có ích" (Báo Nhân Dân ngày 4-7-1955).

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn nêu tấm gương sáng mẫu mực về tự phê bình và phê bình. Việc tự phê bình và phê bình theo Nghị quyết T.Ư 4 (khóa XI) về xây dựng Ðảng cần kết hợp với tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh từ những việc làm cụ thể, thiết thực, nhất là học tập và làm theo tinh thần, tác phong tự phê bình và phê bình của Bác Hồ.

Theo Nhandan online

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast