Khai mạc Hội thảo khoa học Nguyễn Công Trứ với lịch sử, văn hoá Việt Nam

(Baohatinh.vn) - Hướng tới kỷ niệm 240 năm ngày sinh và 160 năm ngày mất tướng công Nguyễn Công Trứ, sáng nay (24/11), tỉnh Hà Tĩnh phối hợp với Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức hội thảo khoa học Nguyễn Công Trứ với lịch sử, văn hoá Việt Nam nửa đầu thứ kỷ XIX.

Bí thư Tỉnh uỷ Lê Đình Sơn, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Đặng Quốc Vinh, GS.TS Nguyễn Hữu Đức – Phó Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội, GS.TSKH Vũ Minh Giang – Chủ tịch Hội đồng Khoa học đào tạo – Đại học Quốc gia Hà Nội chủ trì hội thảo.

Khai mạc Hội thảo khoa học Nguyễn Công Trứ với lịch sử, văn hoá Việt Nam

Tham gia hội thảo có 52 tham luận của các giáo sư, tiến sỹ, nhà khoa học, nhà nghiên cứu, quản lý.

Dự hội thảo còn có Trưởng ban Tổ chức Tỉnh uỷ Hà Văn Thạch, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ Hoàng Trung Dũng, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Võ Hồng Hải, các giáo sư, tiến sỹ, nhà nghiên cứu đến từ một số trường đại học và một số tỉnh thành, đại diện dòng họ Nguyễn Công ở Nghi Xuân – Hà Tĩnh.

Khai mạc Hội thảo khoa học Nguyễn Công Trứ với lịch sử, văn hoá Việt Nam

Đoàn chủ trì điều hành hội thảo

Phát biểu chào mừng hội thảo, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Đặng Quốc Vinh khẳng định, Hà Tĩnh là quê hương của nhiều danh nhân, chí sỹ, nhiều nhà văn, nhà thơ nổi tiếng trong lịch sử đất nước.

Khai mạc Hội thảo khoa học Nguyễn Công Trứ với lịch sử, văn hoá Việt Nam

Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Đặng Quốc Vinh phát biểu chào mừng hội thảo

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Quốc Vinh nhấn mạnh, từ trước đến nay, cuộc đời tướng công Nguyễn Công Trứ luôn là đề tài lớn để các nhà khoa học, các nhà văn hoá tìm tòi, nghiên cứu. Hội thảo Nguyễn Công Trứ với lịch sử, văn hoá Việt Nam nửa đầu thứ kỷ XIX với những khám phá mới mẻ về cuộc đời, sự nghiệp của ông sẽ tô đậm thêm công lao và đóng góp của danh nhân đối với đất nước. Khơi dậy lòng tự hào dân tộc, truyền thống văn hoá cách mạng trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc thời kỳ đổi mới, hội nhập quốc tế hiện nay.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh cũng nêu bật những thành quả đã đạt được của Đảng bộ và nhân dân Hà Tĩnh trong quá trình xây dựng và phát triển nền KT – XH, trong quá trình bảo tồn, gìn giữ và phát huy các giá trị di sản văn hoá của quê hương.

Khai mạc Hội thảo khoa học Nguyễn Công Trứ với lịch sử, văn hoá Việt Nam

Các đại biểu tham dự hội thảo

Phát biểu khai mạc, GS.TS Nguyễn Hữu Đức, Phó Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội khẳng định, hội thảo lần này sẽ tập trung phân tích, làm sáng tỏ bối cảnh chính trị, kinh tế, tư tưởng, văn hoá của Việt Nam giai đoạn cuối thế kỷ XVIII, đầu thế kỷ XIX.

Thông qua đó, phác dựng và thấy rõ hơn hình ảnh và những đóng góp của Nguyễn Công Trứ với vương triều Nguyễn, với thời đại. Đem đến cái nhìn cụ thể hơn về mối liên hệ và tác động qua lại giữa chính trị với các nhân tố xã hội, kinh tế, giữa các yếu tố nội sinh và ngoại sinh.

Khai mạc Hội thảo khoa học Nguyễn Công Trứ với lịch sử, văn hoá Việt Nam

GS.TS Nguyễn Hữu Đức - Phó Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội khai mạc hội thảo

GS.TS Nguyễn Hữu Đức cũng cho rằng, hội thảo sẽ đạt được nhiều kiến giải mới, sâu sắc về học thuật, đồng thời đề xuất những giải pháp thiết thực, hữu ích cho việc hoạch định các chính sách phát triển bền vững, góp phần vào việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hoá dân tộc.

Tham gia hội thảo lần này có 52 tham luận của các giáo sư, tiến sỹ, các nhà khoa học, nhà nghiên cứu, nhà quản lý đến từ các Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (KHXH&NV), Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học sư phạm Hà Nội, Đại học Vinh, Đại học Sài Gòn, Viện Sử học, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, Hội Văn học dân gian Việt Nam, tỉnh Hà Tĩnh, Thái Bình, Ninh Bình…

Khai mạc Hội thảo khoa học Nguyễn Công Trứ với lịch sử, văn hoá Việt Nam

Tiến sỹ Đặng Duy Báu - Nguyên Bí thư Tỉnh uỷ Hà Tĩnh trình bày tham luận “Tư tưởng tự do mang tầm thời đại”

Tại phiên toàn thể, các đại biểu đã được nghe 3 tham luận với cách tiếp cận sâu hơn, rõ hơn về tư tưởng, tài năng và con người văn chương Nguyễn Công Trứ.

Tham luận “Tư tưởng tự do mang tầm thời đại” của Tiến sỹ Đặng Duy Báu - Nguyên Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh đã tiếp cận tư tưởng tự do cùng tư duy tìm cái mới của Nguyễn Công Trứ và phân tích tầm ảnh hưởng của tư tưởng này tới các phong trào yêu nước về sau của dân tộc.

Tiến sỹ Đặng Duy Báu cho rằng: "Tất cả cuộc đời của Nguyễn Công Trứ quy tụ ở triết lý tự do "quân tử bất khí" với sức sống ngang tàng, mãnh liệt và những khía cạnh phóng khoáng đa chiều" và "Điều đặc biệt ở Nguyễn Công Trứ là tự do đồng hành với trung quân, mẫn cán".

Khai mạc Hội thảo khoa học Nguyễn Công Trứ với lịch sử, văn hoá Việt Nam

GS.TS Nguyễn Văn Kim, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học KHXH&NV trình bày tham luận “Nguyễn Công Trứ với biển – Tư duy và hành động”

Tham luận "Nguyễn Công Trứ với biển – Tư duy và hành động” của GS.TS Nguyễn Văn Kim – Phó Hiệu trưởng trường Đại học KHXH&NV đã phân tích sâu về tư tưởng, hoạt động của Nguyễn Công Trứ qua những biểu hiện của ông trong sự nghiệp dinh điền và bảo vệ an ninh các vùng biển đảo. Qua đó, khẳng định Nguyễn Công Trứ là người có tư duy khai mở, đột phá về kinh tế. Chính tư duy này đã đưa ông trở thành một những những nhân vật toàn năng, nhà kinh tế tài năng, lập nhiều công tích lớn trong lịch sử Việt Nam đầu thế kỷ XIX.

Khai mạc Hội thảo khoa học Nguyễn Công Trứ với lịch sử, văn hoá Việt Nam

GS.TS Trần Nho Thìn, Trường Đại học KHXH&NV: "Cần phân biệt con người tác giả bên ngoài đời và con người tác giả trong thế giới nghệ thuật của Nguyễn Công Trứ".

Ở một góc độ khác, tham luận “Trường hợp Nguyễn Công Trứ với lý luận đọc văn học” của GS.TS Trần Nho Thìn - Trường ĐH KHXH&NV Hà Nội lại đem đến những lý giải về con người văn chương của Nguyễn Công Trứ. Khẳng định, giữa sáng tác và cuộc đời Nguyễn Công Trứ hàm chứa khối mâu thuẫn lớn và đưa ra nhận định: Sáng tác của một nhà nho trung đại như Nguyễn Công Trứ cho thấy sự vận dụng lý luận liên văn bản và lý thuyết tiếp nhận cho văn học trung đại Việt Nam một cách linh hoạt, sáng tạo. Điều quan trọng là, cần phân biệt con người tác giả bên ngoài đời và con người tác giả trong thế giới nghệ thuật của Nguyễn Công Trứ".

Sau phiên toàn thể, hội thảo sẽ chia thành 2 tiểu ban để thảo luận với 2 chủ đề: “Nguyễn Công Trứ với văn học, văn hóa, gia đình, quê hương và dòng tộc” và “Nguyễn Công Trứ với lịch sử, chính trị, tư tưởng và thời đại”.

Hội thảo sẽ tiến hành tổng kết, bế mạc vào cuối buổi chiều nay.

Chủ đề NGƯỜI HÀ TĨNH

Chủ đề KỶ NIỆM NGÀY SINH DANH NHÂN NGUYỄN CÔNG TRỨ

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast