Trong khuôn khổ Hội nghị Ngoại giao lần thứ 32, sáng 21/12, Bộ Ngoại giao tổ chức Phiên toàn thể về Ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển đất nước. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đến dự và phát biểu chỉ đạo hội nghị. Cùng dự có Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Đối ngoại Trung ương Lê Hoài Trung và các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương. Phiên toàn thể về Ngoại giao kinh tế có chủ đề: “Phát huy vai trò tiên phong, xây dựng nền ngoại giao toàn diện, hiện đại, vững mạnh, thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng” được tổ chức theo hình thức trực tiếp, kết hợp trực tuyến với sự tham dự của các trưởng cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, đại diện lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương, hiệp hội và doanh nghiệp... Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ngọc Châu điều hành điểm cầu Hà Tĩnh. |
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ngọc Châu điều hành điểm cầu Hà Tĩnh.
Phát huy vai trò của đối ngoại trong thu hút nguồn lực
Thời gian qua, quán triệt sâu sắc chủ trương Đại hội XIII của Đảng đã đề ra về “xây dựng nền ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển lấy người dân, địa phương và doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ”; dưới sự chỉ đạo sâu sát của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, trực tiếp và thường xuyên là Thủ tướng Chính phủ và các Phó Thủ tướng Chính phủ, công tác ngoại giao kinh tế đã có những bước phát triển mới theo hướng toàn diện, thực chất và hiệu quả hơn.
Theo đó, đã tổ chức quán triệt, triển khai một cách đồng bộ và thống nhất các chủ trương, định hướng lớn của Đảng về ngoại giao kinh tế; phát huy vai trò tiên phong của đối ngoại trong huy động các nguồn lực bên ngoài, đóng góp quan trọng vào thực hiện thắng lợi nhiệm vụ: vừa phòng chống, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19, vừa thúc đẩy phục hồi và phát triển KT-XH; thực hiện tốt chủ trương “lấy người dân, địa phương và doanh nghiệp là trung tâm phục vụ”; đổi mới, sáng tạo, phát huy được sức mạnh tổng hợp, hiệp đồng của các ngành, các cấp.
Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn phát biểu khai mạc Phiên toàn thể Ngoại giao Kinh tế phục vụ phát triển đất nước. (Ảnh: Tuấn Anh).
Tại hội nghị, các trưởng cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài đã trình bày các tham luận quan trọng, chia sẻ những xu hướng mới về đầu tư, thương mại, đổi mới sáng tạo, tiềm năng của ngành công nghiệp bán dẫn, các tiêu chuẩn quy định mới ở các thị trường truyền thống, hay cơ hội và thách thức mới ở các thị trường mới khai phá... Cùng đó, các đại biểu tập trung thảo luận, trao đổi nhằm phát huy vai trò tiên phong của đối ngoại trong thu hút nguồn lực bên ngoài phục vụ triển khai các đột phá chiến lược; tăng cường hiệu quả phối hợp trong triển khai ngoại giao kinh tế, mở rộng thị trường xuất khẩu và xây dựng thương hiệu cho hàng hóa Việt Nam; chia sẻ thông tin về yêu cầu đặt ra đối với thu hút đầu tư nước ngoài trong tình hình mới...
Đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu Hà Tĩnh.
Ngoại giao kinh tế góp phần giải quyết các vấn đề mang tính toàn cầu
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho rằng, công tác ngoại giao kinh tế thời gian qua có nhiều thành tựu, nổi bật là tiếp tục đổi mới tư duy, thay đổi nhận thức về ngoại giao kinh tế; kết hợp nhuần nhuyễn sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại nhằm huy động nguồn lực bên trong và thu hút nguồn lực bên ngoài để phát triển đất nước, góp phần giải quyết các vấn đề mang tính toàn cầu, toàn dân như: khủng hoảng năng lượng, khủng hoảng lương thực, biến đổi khí hậu, đại dịch COVID-19...; góp phần tạo môi trường hòa bình, ổn định, hợp tác, phát triển...
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu chỉ đạo hội nghị.
Chính phủ ghi nhận và biểu dương những thành tựu ngoại giao kinh tế trong công tác đối ngoại thời gian qua. Những kết quả đạt được là nhờ đã cụ thể hóa đường lối, chủ trương của Đảng; phát huy truyền thống của ngành ngoại giao; có sự phối hợp giữa các Bộ, ngành...
Phân tích về những bài học kinh nghiệm, Thủ tướng cho rằng, những kết quả đạt được là nhờ đã chúng ta đã đặt lợi ích quốc gia, dân tộc lên cao nhất, đồng thời hài hòa giữa lợi ích, rủi ro về ngoại giao kinh tế; phản ứng chính sách nhanh, kịp thời; các biện pháp ngoại giao thực tiễn, hiệu quả, chân thành; bám sát yêu cầu trong nước, nhu cầu của người dân, doanh nghiệp; xây dựng đội ngũ cán bộ ngoại giao có tâm, có tầm...
Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh, thời gian tới cần tiếp tục thể chế hóa, cụ thể hóa đường lối đối ngoại tại Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng. Bám sát xu thế, tập trung vào trọng tâm, trọng điểm để tháo gỡ khó khăn, vượt qua thách thức. Hoàn thiện thể chế, cơ chế hợp tác và phải tổ chức thực hiện hiệu quả. Đa dạng hóa sản phẩm, chuỗi cung ứng và thị trường quốc tế. Phát huy tính tự lực tự cường của dân tộc. Tăng cường phối hợp giữa các ngành, các địa phương, lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ...
Năm 2023, Hà Tĩnh tiếp tục tập trung đẩy mạnh công tác ngoại giao kinh tế, tổ chức các buổi làm việc với Đại sứ quán các nước tại Việt Nam, các tổ chức quốc tế và tham gia các diễn đàn quốc tế; tổ chức các đoàn xúc tiến đầu tư ở nước ngoài tại châu Âu và Nhật Bản; tổ chức thành công hội nghị công bố Quy hoạch tỉnh gắn với xúc tiến đầu tư, thu hút nhiều đoàn khách quốc tế và doanh nghiệp nước ngoài tham gia, qua đó thu hút các dự án đầu tư nước ngoài vào tỉnh. Trong năm 2023, đã chấp thuận 2 dự án FDI mới với tổng vốn đầu tư 69,7 triệu USD. Hiện nay, một số công ty/tập đoàn lớn trên thế giới đang tiếp tục nghiên cứu, lập hồ sơ đề xuất thực hiện dự án tại tỉnh. Hiện nay, tỉnh đang triển khai các bước tiếp theo trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư dự án “Hạ tầng ưu tiên và phát triển đô thị thích ứng với biến đổi khí hậu thành phố Hà Tĩnh”, vay vốn ADB; đẩy nhanh tiến độ thi công các dự án khác do WB, ADB, AFD... tài trợ; tiếp tục đề xuất, kết nối, vận động các dự án mới như: Phát triển bền vững đô thị ven biển miền Trung hướng đến tăng trưởng xanh và ứng phó với biến đổi khí hậu thị xã Kỳ Anh (AFD tài trợ); Dự án phát triển nguồn năng lượng sinh khối nhằm thúc đẩy tăng trưởng xanh, bền vững và Dự án phòng chống sa mạc hóa và ứng phó với biến đổi khí hậu vùng ven biển (KOICA tài trợ). Trong năm, Hà Tĩnh cũng đã đề xuất Ủy ban Công tác về các tổ chức phi chính phủ nước ngoài gia hạn, bổ sung giấy đăng ký hoạt động cho 17 tổ chức phi chính phủ nước ngoài và phê duyệt tiếp nhận mới 9 khoản viện trợ không hoàn lại với tổng số tiền gần 20 tỷ đồng trên các lĩnh vực: giáo dục, lao động, việc làm, di cư. Thời gian tới, Hà Tĩnh tiếp tục tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền đối ngoại đến bạn bè quốc tế, tích cực tham gia các diễn đàn, hội nghị quốc tế để kêu gọi, thu hút các nhà đầu tư, đối tác nước ngoài vào tỉnh; tăng cường hội nhập quốc tế, xúc tiến thiết lập mối quan hệ hữu nghị, hợp tác mới với các tỉnh, thành phố của các nước có nhiều điểm tương đồng với tỉnh Hà Tĩnh và có tiềm năng, thế mạnh trong việc hợp tác phát triển kinh tế, chuyển giao công nghệ, giao lưu văn hóa. Đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác ngoại giao kinh tế và xúc tiến đầu tư, ưu tiên tiếp cận các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài đến từ các quốc gia có trình độ công nghệ tiên tiến. Nâng cao năng lực các doanh nghiệp trong tỉnh để tăng cường hợp tác với các doanh nghiệp nước ngoài. |