Sau tầm nhìn là hành động

Chiều 8-4, lễ khai mạc Hội nghị Cấp cao (HNCC) ASEAN 16 đã diễn ra tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia Mỹ Đình. Trừ Thủ tướng Thái Lan Abhisit Vejjajiva không thể sang do tình hình chính trị nội bộ, chín nước còn lại đều cử lãnh đạo cấp cao nhất sang Hà Nội. Thủ tướng nước chủ nhà đã có bài phát biểu khai mạc HNCC.

Khai mạc Hội nghị Cấp cao ASEAN 16:

Các nguyên thủ quốc gia tham dự HNCC - Ảnh: Việt Dũng

Các nguyên thủ quốc gia tham dự HNCC - Ảnh: Việt Dũng

Thời gian thúc bách

“Mục tiêu và lộ trình hướng tới Cộng đồng ASEAN đã được chúng ta thống nhất xác định, trong khi thời gian còn lại chỉ còn 5 năm” - Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nói trước các nguyên thủ và lãnh đạo cấp cao của 10 nước thành viên ASEAN. Đó cũng là lý do Việt Nam quyết định lấy chủ đề cho năm ASEAN 2010 là Hướng tới Cộng đồng ASEAN: Từ tầm nhìn đến hành động.

Để cụ thể hóa các thỏa thuận, Thủ tướng VN đưa ra năm vấn đề mà ASEAN cần tập trung xem xét. Thứ nhất là tiếp tục đưa Hiến chương ASEAN vào cuộc sống, hoàn tất các văn kiện pháp lý liên quan; Thứ hai, về kinh tế, ASEAN cần tìm ra mô hình phát triển bền vững phù hợp và đẩy nhanh liên kết kinh tế ASEAN; Thứ ba là đẩy mạnh các nỗ lực ở cấp độ quốc gia và khu vực để đối phó với biến đổi khí hậu, suy thoái môi trường, thiên tai và dịch bệnh; Thứ tư là tiếp tục phát huy vai trò là nhân tố quan trọng thúc đẩy đối thoại và hợp tác vì hòa bình, ổn định ở Đông Nam Á cũng như châu Á - Thái Bình Dương và Thứ năm là tăng cường quan hệ đối ngoại của ASEAN.

Theo Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, các nước ASEAN cần nỗ lực nhiều hơn về đối thoại và hợp tác trong lĩnh vực chính trị-an ninh để nâng cao hiểu biết và tin cậy giữa các quốc gia, đẩy mạnh việc xây dựng các chuẩn mực và quy tắc ứng xử chung trong quan hệ giữa các nước,… Về quan hệ đối ngoại, Thủ tướng nhấn mạnh ASEAN cần duy trì vai trò chủ đạo trong hợp tác ở phạm vi rộng lớn hơn như ASEAN+3 (tức hợp tác giữa ASEAN và Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản); Cấp cao Đông Á (EAS) và Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF),…

Mục tiêu hình thành cộng đồng ASEAN, theo Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, đã có những tiền đề quan trọng sau hơn bốn thập kỷ hợp tác nhưng đã và đang có những vấn đề mới cần xử lý. Thủ tướng nói: “Thực tiễn cho thấy ASEAN là một tổ chức hợp tác khu vực có sức sống mãnh liệt và khả năng thích ứng nhanh chóng với những biến đổi của thời cuộc.”

Trách nhiệm và cơ hội của Việt Nam

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng coi việc VN đảm nhận cương vị Chủ tịch ASEAN 2010 là một vinh dự, cùng với việc Quốc hội VN cũng là Chủ tịch Đại hội đồng Liên Nghị viện ASEAN lần thứ 31 (AIPA-31): “Đây là trách nhiệm và cơ hội lớn cho VN để cùng các nước thành viên ASEAN tăng cường hơn nữa quan hệ giữa kênh lập pháp (AIPA) và kênh hành pháp (ASEAN), từ đó phát huy vai trò và đóng góp quan trọng của Quốc hội các nước thành viên và AIPA vào tiến trình xây dựng Cộng đồng ASEAN”.

Nhiệm kỳ chủ tịch này cũng trùng hợp với dịp VN đánh dấu 15 năm là thành viên của ASEAN. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đánh giá trong thời gian này, VN đã hội nhập nhanh chóng, trưởng thành và phát triển, đóng góp tích cực cho sự lớn mạnh không ngừng của Hiệp hội.

Màn múa khai mạc HNCC - Ảnh: Việt Dũng

Màn múa khai mạc HNCC - Ảnh: Việt Dũng

Sau khi trở thành thành viên năm 1995, VN đã tích cực thúc đẩy kết nạp các nước Lào, Myanmar và Campuchia - hoàn tất ý tưởng về một ASEAN gồm toàn bộ 10 quốc gia Đông Nam Á. Chỉ ba năm sau, VN tổ chức thành công Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ sáu tại Hà Nội. Bên cạnh thúc đẩy hợp tác nội khối, VN cũng tích cực đóng góp cho quá trình hợp tác giữa ASEAN và các nước đối tác bên ngoài trên tư cách là nước điều phối quan hệ đối thoại giữa ASEAN và Nhật Bản,Nga, Mỹ, Úc, Canada và hiện nay là Trung Quốc.

Về chủ trương, VN luôn coi hợp tác ASEAN là một bộ phận quan trọng trong chính sách đối ngoại hòa bình, độc lập tự chủ, đa dạng hóa và đa phương hóa các quan hệ quốc tế của mình. Theo đó, chủ trương tham gia hợp tác ASEAN của VN trong giai đoạn mới là tích cực, chủ động và có trách nhiệm.

Nguồn: Tuổi Trẻ Online

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast