''Trung ương Đảng đã chọn phương án nhân sự hợp lý nhất''

Bế mạc sáng nay sau một tuần làm việc, Hội nghị lần thứ hai Ban chấp hành trung ương Đảng đã xem xét, lựa chọn phương án hợp lý nhất cho các chức danh chủ chốt của cơ quan Nhà nước, trình Quốc hội tại kỳ họp cuối tháng 7.

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu bế mạc hội nghị. Ảnh: TTXVN.

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu bế mạc hội nghị. Ảnh: TTXVN.

Sáng 10/7, sau một tuần làm việc, hội nghị lần thứ hai Ban chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) đã kết thúc.

Theo TTXVN, phát biểu bế mạc, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định, hội nghị đã nêu cao tinh thần trách nhiệm, phát huy dân chủ, thẳng thắn thảo luận, đóng góp nhiều ý kiến quan trọng vào các dự thảo văn kiện.

Về việc giới thiệu nhân sự lãnh đạo chủ chốt của các cơ quan Nhà nước, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu rõ, trên cơ sở quán triệt và thực hiện nhất quán phương hướng công tác cán bộ do Đại hội XI của Đảng đề ra; căn cứ vào thực tế đội ngũ cán bộ hiện có và yêu cầu về cơ cấu tổ chức bộ máy của Quốc hội, Chính phủ, các cơ quan tư pháp nhiệm kỳ XIII; kết hợp yêu cầu trước mắt với việc chuẩn bị cho các khóa tiếp theo, kết hợp tính kế thừa và phát triển, Ban chấp hành Trung ương đã xem xét kỹ lưỡng, lựa chọn phương án hợp lý nhất trong điều kiện cho phép và đã đạt được sự nhất trí cao.

Căn cứ quyết định của Ban chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị sẽ chỉ đạo các cơ quan chức năng tiếp tục hoàn chỉnh phương án giới thiệu nhân sự ứng cử các chức danh lãnh đạo các cơ quan nhà nước trình Quốc hội xem xét, bầu hoặc phê chuẩn.

Sau một tuần làm việc, hội nghị cũng đã thông qua chương trình toàn khóa gồm 24 nhóm vấn đề. So với dự thảo, Trung ương đã bổ sung 3 nhóm vấn đề: Quy định việc thi hành Điều lệ Đảng; sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 khóa X về công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí; tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 8 khóa X về "Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới".

Trung ương đặc biệt nhấn mạnh, cần ưu tiên thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm và các khâu đột phá chiến lược mà Đại hội XI đã đề ra là hoàn thiện thể chế, phát triển nguồn nhân lực, xây dựng kết cấu hạ tầng; đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng, kiện toàn hệ thống chính trị; đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí; làm tốt công tác quy hoạch cán bộ, nhất là ở cấp chiến lược; đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng…; coi đây là "điểm nhấn" của nhiệm kỳ khóa XI.

Những vấn đề lớn, quan trọng đã được xác định rõ về chủ trương, định hướng chính sách trong văn kiện Đại hội XI hay các Nghị quyết của các khóa trước vẫn còn giá trị và hiệu lực, sẽ tiếp tục chỉ đạo thực hiện hoặc định kỳ sơ kết, tổng kết, ban hành kết luận; không ra quá nhiều nghị quyết.

Hội nghị đã dành nhiều thời gian thảo luận, cho ý kiến hoàn thiện và đã thông qua Quy chế làm việc của Ban chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban bí thư khóa XI; coi đây là văn bản quan trọng nhất cụ thể hóa Điều lệ Đảng, tạo cơ sở để cải cách thủ tục hành chính trong Đảng và đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng.

Về triển khai nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992, Hội nghị nhấn mạnh: việc sửa đổi, bổ sung phải dựa trên cơ sở tổng kết việc thi hành Hiến pháp năm 1992; căn cứ vào nội dung của Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) và các văn kiện khác của Đại hội lần thứ XI của Đảng; kế thừa những quy định của Hiến pháp năm 1992 và các bản Hiến pháp trước đây còn phù hợp; sửa đổi, bổ sung những nội dung cần thiết, đáp ứng yêu cầu của tình hình mới...

Tổng Bí thư nhấn mạnh, sửa đổi Hiến pháp là công việc hệ trọng cần được tiến hành một cách chặt chẽ, khoa học dưới sự lãnh đạo của Đảng; có cơ chế bảo đảm sự tham gia của các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý và lấy ý kiến rộng rãi của nhân dân; chú trọng công tác thông tin, tuyên truyền, bảo đảm đúng định hướng, không để các lực lượng thù địch lợi dụng chống phá, xuyên tạc.

Ban Chấp hành Trung ương cũng đã dành thời gian xem xét, đánh giá tình hình đất nước và những công việc Bộ Chính trị đã giải quyết trong 6 tháng đầu năm 2011. Trung ương ghi nhận, đánh giá cao và biểu dương những nỗ lực to lớn của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân đã phấn đấu khắc phục nhiều khó khăn, thách thức mới xuất hiện ở trong nước, khu vực và quốc tế, đạt được những kết quả tích cực bước đầu trong phát triển kinh tế-xã hội. Nền kinh tế duy trì được đà tăng trưởng ở mức hợp lý; kim ngạch xuất khẩu tăng mạnh; tỷ giá và thị trường ngoại hối có chuyển biến tích cực; đầu tư phát triển của toàn xã hội tiếp tục được duy trì; thu ngân sách tăng khá; an sinh xã hội, tạo việc làm được quan tâm, chú trọng…

Trong kỳ họp đầu tiên của khóa 13 (khai mạc 21/7), Quốc hội sẽ dành phần lớn thời gian để bầu Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch nước, Thủ tướng và phê chuẩn bổ nhiệm các bộ trưởng...

Nguồn: VnExpress

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast