Từ đầu tháng 3 đến nay, thị trường bán lẻ thép trên địa bàn luôn biến động tăng |
Ngày 7/3, Bộ Công thương ban hành Quyết định số 862 về việc áp dụng biện pháp tự vệ tạm thời đối với sản phẩm phôi thép và thép dài nhập khẩu vào Việt Nam. Cụ thể, mức thuế áp dụng là 23,3% đối với phôi thép, 14,2% đối với thép dài dưới dạng thuế nhập khẩu bổ sung. Quyết định có hiệu lực từ ngày 22/3/2016. Trước, trong và sau khi quyết định này có hiệu lực, giá thép bán lẻ trên thị trường đã tăng mạnh.
Khảo sát tại các đại lý kinh doanh thép xây dựng trên địa bàn TP Hà Tĩnh, Đức Thọ, Hương Sơn… cho thấy, giá thép tăng chóng mặt. Chị Hương - nhân viên Cửa hàng Vật liệu xây dựng Thông Thúy (thị trấn Đức Thọ) cho biết, từ đầu tháng 3 đến nay, thị trường bán lẻ thép trên địa bàn biến động tăng, có ngày tăng đến 3 lần.
Cụ thể, ngày 16/3, giá thép cuộn bán ra 11,2 triệu đồng/tấn vào đầu giờ sáng, lên 11,7 triệu đồng/tấn vào buổi trưa và tăng lên 12 triệu đồng/tấn vào đầu giờ chiều. Trong khi đầu năm, giá thép cuộn từ 10,5-11,2 triệu đồng/tấn. Và tại thời điểm 25/3, giá thép cuộn bình quân từ 11,8-12 triệu đồng/tấn, giá thép cây tăng 15.000-23.000 đồng/cây. Như vậy, so với đầu năm, giá thép đã tăng bình quân từ 1-1,5 triệu đồng/tấn.
Những ngày gần đây, giá thép liên tục tăng khiến nhiều cá nhân, doanh nghiệp phải bỏ thêm kinh phí để bù lỗ. |
Cùng với các loại thép cuộn, thép cây, đầu năm đến nay, các loại thép hộp, tôn cũng đồng loạt tăng giá. Anh Trần Văn Kỳ - chủ một công ty xây lắp khung - nhà thép trên địa bàn TP Hà Tĩnh cho biết, chỉ trong vòng 15 ngày đầu tháng 3, giá thép hộp, tôn đã tăng 3 lần, mỗi lần từ 300.000 - 500.000 đồng/tấn.
Không chỉ tăng giá, các nhà máy sản xuất thép còn có dấu hiệu găm hàng, tạo cơn sốt ảo. Các công trình đang thi công phải ngừng do hàng không đủ hoặc bị chậm trễ do lượng xe lấy hàng ở nhà máy bị dồn ứ. Thậm chí, một số công ty thép phân bổ lượng hàng được lấy như thời bao cấp với lý do nguyên liệu khan hiếm. “Những ngày vừa qua, DN chúng tôi “ăn chực, nằm chờ” trước cổng nhà máy thép 3-5 ngày mới lấy được 1 chuyến hàng 30 tấn. Đây cũng là một trong những nguyên nhân tăng chi phí, tăng giá thép” - chị Hương nói.
Theo phân tích của các chuyên gia kinh tế, sẽ hợp lý nếu việc tăng giá này chỉ xuất phát từ nhu cầu sử dụng, chi phí đầu vào hay nguồn cung. Tuy nhiên, thực tế thị trường đang có tình trạng đầu cơ, găm hàng, đẩy giá lên cao trong bối cảnh thời điểm áp thuế tự vệ một số mặt hàng thép nhập khẩu có hiệu lực.
Giá thép tăng, các nhà máy cung ứng “nhỏ giọt” khiến không ít người dân và các nhà thầu “vỡ kế hoạch”. Anh Trần Văn Kỳ - Giám đốc Công ty Xây lắp kết cấu thép Thịnh An cho biết, đầu năm, công ty nhận được hợp đồng xây lắp nhà kho, diện tích 350 m2. Hợp đồng được ký kết ở thời điểm giá sắt, thép 10,5 triệu đồng/tấn. Tuy nhiên, đến nay, giá các loại vật liệu thép, tôn tăng lên đến 20% nên công ty phải bù lỗ gần 60 triệu đồng cho hợp đồng này. Anh Nguyễn Văn Hải ở phường Nam Hà (TP Hà?Tĩnh) triển khai xây dựng ngôi nhà 2 tầng với diện tích gần 200 m2 cũng đang đau đầu xoay xở thêm 20 triệu đồng để bù vào khoản “trượt giá” cho công trình của mình.
Theo các đại lý kinh doanh vật liệu xây dựng trên địa bàn, dự báo nhu cầu thép xây dựng sẽ tăng nhẹ trong 4 tháng tới do đang trong mùa khô, điều kiện thời tiết thuận lợi, nhu cầu xây dựng tăng cao.
Trước tình hình giá thép tăng cao, Chủ tịch Hiệp hội thép Việt Nam - Hồ Nghĩa Dũng yêu cầu các DN thép cần tăng cường sản xuất để bình ổn giá thép. Theo ông Dũng, DN phải có kế hoạch SXKD hợp lý, đẩy mạnh sản xuất phôi thép và thép dài, cung cấp đủ nhu cầu trong nước với chất lượng và giá cả cạnh tranh phù hợp với biến động thị trường giá thép thế giới. |