Kết thúc tuần giao dịch, Vn-Index đóng cửa tại 404,58 điểm, tiên thêm 14,42 điểm (3,7%) so với cuối tuần trước. Tại sàn Hà Nội, HaSTC-Index có mức tăng nhẹ 5,2 điểm (3,82%), lên mức 141,36 điểm.
Thị trường đã tái lập mốc tâm lý 400 điểm hôm 19/5, nhờ niềm tin được củng cố và đẩy lùi nỗi lo về hoạt động chốt lời. Song ngưỡng điểm kỳ vọng 410-420 đạt được, cùng diễn biến kém tích cực của thị trường Mỹ những ngày cuối tuần, đã khiến sàn TP HCM đóng cửa bằng phiên giảm điểm duy nhất của tuần giao dịch. Nhiều nhà đầu tư vẫn kỳ vọng thị trường tiếp tục đi lên, nên không có hiện tượng tranh bán, và các lệnh bán thường có giá cao hơn tham chiếu.
Khối lượng giao dịch trung bình của tuần này tại sàn TP HCM đã tăng mạnh lên 58 triệu chứng khoán.
Điểm nhấn của tuần tiếp tục là thanh khoản cao của thị trường, với trung bình 58 triệu chứng khoán giao dịch qua khớp lệnh mỗi phiên, tăng 19% so với tuần trước. Giá trị giao dịch tương ứng 1.780 tỷ đồng, tăng tới 24%. Đây là khối lượng và giá trị giao dịch trung bình cao nhất trên thị trường chứng khoán Việt Nam từ trước đến nay. Tại sàn Hà Nội, khối lượng và giá trị giao dịch trung bình đạt 34,3 triệu chứng khoán, tương ứng 943,6 tỷ đồng.
Xu hướng có thể thấy rõ trong tuần giao dịch này là sự suy yếu của các cổ phiếu vốn hóa lớn, đi cùng sự dịch chuyển của nguồn vốn sang các penny-stock. Nhiều doanh nghiệp nhỏ trong số này có kết quả kinh doanh không nổi bật, song cổ phiếu vẫn liên tiếp tăng trần.
Sau những phiên dồn vốn sang các blue-chip, giới đầu tư đã chuyển hướng sang các mã nhỏ, một diễn biến thường thấy sau những đợt thị trường tăng mạnh và đạt ngưỡng điểm kỳ vọng. Góp mặt trong danh sách 10 mã tăng điểm mạnh nhất trong tuần phần lớn là các mã nhỏ, với các đại diện VNS, HLA, HSG, KMR, PJT, TNA, CAD, PTC, DXV và DTT. Song điểm đáng chú ý là vào phiên cuối tuần, một số blue-chip đã có dấu hiệu phục hồi, cùng tín hiệu phân phối ở một số mã nhỏ. Những cổ phiếu này, sau hơn một tuần tăng mạnh, đứng trước áp lực chốt lời lớn.
Trong tuần tới, thông tin về việc điều chỉnh mục tiêu kinh tế năm 2009 tại diễn đàn Quốc hội tiếp tục được giới đầu tư quan tâm. Mặt khác, sức nóng của thị trường vàng và xu hướng tăng lãi suất huy động tại các ngân hàng lên gần 10% cũng là những yếu tố chi phối dòng tiền của thị trường chứng khoán.