Dịch tả lợn Châu Phi ở Hà Tĩnh vẫn đang diễn biến phức tạp, nhất là sau đợt ngập lụt nặng vừa qua
Dịch tả lợn Châu Phi ở Hà Tĩnh vẫn đang diễn biến phức tạp. Tính đến ngày 10/9/2019, tổng số lợn mắc bệnh chết, phải tiêu hủy là 7.196 con tại 95 xã, phường, thị trấn của 10 huyện, thành phố, thị xã.
Để hạn chế dịch bệnh, bảo vệ sản xuất, Chủ tịch UBND tỉnh vừa có văn bản yêu cầu chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thị xã; giám đốc các sở, thủ trưởng các ban, ngành liên quan tăng cường kiểm tra, chỉ đạo và tổ chức triển khai kịp thời, đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm nói chung, bệnh dịch tả lợn Châu Phi nói riêng.
Theo đó, chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thị xã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn về tính chất nguy hiểm, gây thiệt hại nghiêm trọng về kinh tế và các biện pháp ngăn chặn, phòng ngừa dịch bệnh với quan điểm “phòng dịch là chính và việc phòng, chống dịch bệnh động vật trước hết là trách nhiệm của chủ vật nuôi, chủ cơ sở chăn nuôi".
Tổ chức giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh nhằm phát hiện kịp thời, xử lý dứt điểm các ổ dịch ngay từ khi mới xuất hiện. Phát động đợt tổng vệ sinh, tiêu độc, khử trùng môi trường chăn nuôi, nhất là tại vùng dịch, vùng bị ngập lụt và các khu vực có nguy cơ phát sinh lây lan dịch bệnh cao.
Khẩn trương tổ chức tiêm vắc xin phòng bệnh cho đàn gia súc, gia cầm định kỳ đợt 2 năm 2019 theo kế hoạch, đảm bảo tỷ lệ, chất lượng tiêm phòng. Tăng cường công tác quản lý đối vơi các hoạt động mua bán, vận chuyển, giết mổ gia súc, gia cầm.
Giao chủ tịch UBND cấp xã chịu trách nhiệm trong việc kiểm tra, xử lý các trường hợp mua bán, vận chuyển, giết mổ gia súc, gia cầm trái phép trên địa bàn; các phòng, ngành chức năng tăng cường các hoạt động kiểm tra liên ngành để xử lý kịp thời, nghiêm túc các trường hợp vi phạm.
Chỉ đạo, hướng dẫn chủ các cơ sở giết mổ tập trung cải tạo, nâng cấp cơ sở và thực hiện các quy định về kinh doanh, giết mổ.
Tiêm vắc xin phòng bệnh định kỳ đợt 2 năm 2019 đạt kết quả, hiệu quả cao là góp phần quan trọng trong phòng chống dịch bệnh
Riêng đối với bệnh dịch tả lợn Châu Phi, tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn người chăn nuôi thực hiện tốt các biện pháp an toàn sinh học trong chăn nuôi hàng ngày để tự bảo vệ đàn lợn của gia đình mình.
Các địa phương hàng tháng rà soát tổng đàn lợn đề quản lý; đồng thời khuyến cáo người chăn nuôi không tăng đàn, tái đàn tại các vùng dịch và khi chưa đảm bảo các điều kiện an toàn; vận động người chăn nuôi giảm đàn tối đa, không nhập lợn từ các tỉnh khác về để chăn nuôi, giết mổ, tránh thiệt hại.
Tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các vi phạm đối với các hoạt động mua bán, vận chuyển, giết mổ động vật. Theo dõi chặt chẽ diễn biến dịch bệnh, xử lý, tiêu hủy lợn bệnh kịp thời, đảm bảo môi trường nhằm hạn chế dịch bệnh lây lan rộng.
Hoàn thiện đảm bảo hồ sơ thủ tục theo quy định trước khi tiêu hủy lợn. Bố trí các nguồn kinh phí mua vật tư, dụng cụ và tiền công để hỗ trợ cho công tác phòng, chống dịch đảm bảo hiệu quả.
Giám đốc Sở NN&PTNT chỉ đạo Chi cục Chăn nuôi và Thú y, đơn vị liên quan tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, hướng dẫn việc triển khai, thực hiện tổng hợp kết quả báo cáo UBND tỉnh để chỉ đạo kịp thời.
Giám đốc các sở, thủ trưởng các ban, ngành, đoàn thể liên quan theo chức năng, nhiệm vụ phối hợp với Sở NN&PTNT và UBND các huyện, thành phố, thị xã chỉ đạo, thực hiện công tác phòng, chống dịch gia súc, gia cầm và tiêm vắc xin phòng bệnh định kỳ đợt 2 năm 2019 đạt kết quả, hiệu quả cao.