Chuyện cây sim và khát vọng khởi nghiệp của cậu học trò trường làng

(Baohatinh.vn) - Đinh Anh Tú - học sinh lớp 12A1, Trường THPT Phúc Trạch (Hương Khê, Hà Tĩnh) đã vận dụng kinh nghiệm dân gian và khoa học hiện đại để biến sim rừng thành sản phẩm dùng điều trị bỏng.

Chuyện cây sim và khát vọng khởi nghiệp của cậu học trò trường làng

Từ cây sim mọc hoang dại trong rừng, em Đinh Anh Tú đã chuẩn hóa quy trình sản xuất cao sim dùng điều trị bỏng và thắp sáng ước mơ khởi nghiệp của bản thân.

Với sản phẩm cao chữa bỏng từ cây sim, Đinh Anh Tú đã vượt qua hơn 200 dự án của học sinh, sinh viên cả nước, giành giải Nhì cuộc thi “Học sinh, sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp - SWIS 2018” vừa được Bộ Giáo dục và Đào tạo trao thưởng vào cuối năm 2018.

Trước đó, sản phẩm cao sim rừng cũng đã đạt giải Nhất Cuộc thi Khoa học kỹ thuật cấp tỉnh dành cho học sinh trung học 2017 - 2018 do Sở GD&ĐT Hà Tĩnh tổ chức.

Tú tâm sự, ý tưởng của em xuất phát từ một lần tình cờ thấy thầy giáo của mình dùng cây sim nấu lên để chữa bỏng và rất hiệu quả. Lấy làm lạ vì vị thuốc khá quen thuộc, em tìm hiểu, nghiên cứu thêm qua sách, báo và mạng internet, rồi tiến hành thử nghiệm bào chế.

Tiếp đó, em chia sẻ ý tưởng, tâm sự với các thầy cô giáo, và được nhà trường hết sức ủng hộ. Kể từ đó, Tú cùng cô giáo Lê Thu Trang (Trường THPT Phúc Trạch, giáo viên hướng dẫn) mày mò tìm hiểu công thức sản xuất thuốc chữa bỏng từ cây sim.

Chuyện cây sim và khát vọng khởi nghiệp của cậu học trò trường làng

Phải mất hơn 5 tháng mày mò, qua nhiều thất bại, Tú mới bắt đầu hình thành sản phẩm có thể dùng trị bỏng từ cây sim.

Để thực hiện đề tài, hằng ngày ngoài thời gian học ở trường, Tú lên đồi để kiếm cây sim rừng về thực nghiệm. Ròng rã hơn 5 tháng trời, sau rất nhiều lần thất bại, sản phẩm cao sim rừng dần được thành hình.

“Sau khi sản phẩm được chiết xuất thành công, em tìm người dùng thử. Bắt đầu từ những người bỏng ở cấp độ nhẹ, sau khi dùng cao thấy kết quả rất khả quan, chỉ sau ít ngày vết bỏng khô dần và khỏi. Từ đó đến nay, cao sim chữa bỏng đã giúp hàng chục người dân ở làng chữa trị bỏng ở mức độ nhẹ” Tú cho hay.

Nói về Đinh Anh Tú và sản phẩm cao lá sim rừng, cô Lê Thu Trang không giấu nổi niềm tự hào. Để có được sản phẩm hoàn thiện, 2 cô trò đã phải trải qua rất nhiều khó khăn.

"Đặc biệt, chúng tôi đã liên hệ trực tiếp và với sự giúp đỡ nhiệt tình của các giảng viên Trường Đại học Y dược ở Hà Nội, cao lá sim rừng đã được tiến hành thí nghiệm, phân tích, đánh giá để từ đó căn cứ khoa học chứng minh tính hiệu quả của sản phẩm. Điều này đã giúp cô trò chuẩn hóa được toàn bộ quy trình sản xuất, từ nguyên liệu đến quá trình điều chế. Sản phẩm vì thế đạt chất lượng tốt hơn, an toàn hơn, giá thành cũng rẻ hơn" - cô Trang chia sẻ.

Chuyện cây sim và khát vọng khởi nghiệp của cậu học trò trường làng

Tú vẫn đang tiếp tục tìm hiểu, nghiên cứu để nâng cao chất lượng của sản phẩm.

Nói về cuộc thi "Học sinh, sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp - SWIS 2018", Tú tâm sự, ngay từ tên gọi cuộc thi đã chạm vào ước mơ và cả sự tò mò của bản thân. Bởi vậy, Tú mạnh dạn mang sản phẩm tham dự và may mắn được đánh giá cao. Tuy nhiên, điều màTú mong mỏi hơn cả là sau này, khi sản phẩm đã được công nhận, sẽ có những doanh nghiệp, tổ chức liên kết cùng em để biến cao sim trở thành chế phẩm, thuốc điều trị đại trà bán ra thị trường, giúp người dân chữa bệnh với chi phí thấp.

Chia sẻ về những dự định trong tương lai, Tú cho biết, trước mắt em vẫn tập trung cho kỳ thi THPT và đại học sắp tới. Đồng thời, dành thời gian để nghiên cứu thêm một số thành phần bổ sung vào sản phẩm cao sim để tăng tính hiệu quả và có thể được bảo quản lâu hơn. Đặc biệt, ước mơ và cũng là dự định khởi nghiệp của em là có thể mở xưởng sản xuất cao sim tại quê hương, vì thế em vẫn đang tìm hiểu về các máy móc, thiết bị để hoàn thiện quy trình sản xuất theo hướng công nghiệp, quy mô lớn hơn để tạo ra sản phẩm nhiều hơn, giá rẻ và hiệu quả cao hơn.

Chủ đề Khoa học - kỹ thuật

Đọc thêm