Chuyển dịch cơ cấu lao động, đáp ứng nhân lực các dự án lớn ở Hà Tĩnh

(Baohatinh.vn) - Hà Tĩnh đặt mục tiêu giải quyết việc làm (GQVL) cho 22.500 lao động trong năm 2018. Bằng nhiều giải pháp đồng bộ, quyết liệt của các sở, ngành, đơn vị, địa phương, toàn tỉnh đã vượt kế hoạch đề ra với 23.940 lao động được tạo việc làm mới; góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động, phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn.

Công ty CP May Hà Tĩnh tạo việc làm thường xuyên cho hơn 300 lao động

Năm 2018, các doanh nghiệp trong tỉnh khắc phục khó khăn, mở rộng phát triển sản xuất, tạo nhiều việc làm mới cho người lao động. Đặc biệt, Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh đưa lò cao số 2 vào vận hành ổn định, đóng góp lớn vào tăng trưởng GDP tỉnh nhà, tạo việc làm cho hơn 7.759 lao động (cả lao động trong tỉnh và ngoài tỉnh) với mức thu nhập ổn định. Bên cạnh đó, toàn tỉnh thành lập mới 1.017 doanh nghiệp vừa tạo động lực phát triển KT-XH, vừa tạo việc làm cho hàng nghìn lao động.

Công tác đào tạo nghề cho người lao động ngày càng nâng cao chất lượng, đáp ứng yêu cầu của đơn vị tuyển dụng. Nhiều ngành nghề đào tạo, dạy nghề được coi là “hot” ở tỉnh có tỷ lệ xin được việc làm cao như: Hàn, chế biến món ăn, sửa chữa điện công nghiệp và dân dụng… thu hút nhiều học viên theo học.

Khu Kinh tế Vũng Áng thu hút và tạo việc làm cho hàng nghìn người lao động

Chương trình xây dựng NTM trên địa bàn toàn tỉnh tạo cơ sở sắp xếp việc làm cho lao động ngay tại địa phương. Cùng đó, việc triển khai đề án mỗi xã một sản phẩm sẽ là tiền đề quan trọng GQVL cho lao động nông thôn.

Để thu hút lao động, Hà Tĩnh đã triển khai đồng bộ các chính sách từ vay vốn, tạo việc làm, đào tạo nghề, chuyển đổi nghề cho người dân bị thu hồi đất dự án, người dân bị ảnh hưởng sự cố môi trường biển. Đến nay, toàn tỉnh đã mở được 146 lớp đào tạo nghề ngắn hạn cho hơn 4.000 lao động bị ảnh hưởng sự cố môi trường biển.

Nhiều ngành nghề như hàn, sửa chữa điện công nghiệp, dân dụng... thu hút đông học viên theo học.

Trong công tác xuất khẩu lao động năm 2018, Hà Tĩnh tiếp tục là “điểm sáng” khi mở rộng thị trường sang các nước có chất lượng cao như: Đài Loan, Hàn Quốc, Nhật Bản, thị trường châu Âu. Từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh có hơn 8.900 lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng lao động, hàng năm gửi về quê 4.000 tỷ đồng.

Điều đáng ghi nhận, các sàn giao dịch việc làm do Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Tĩnh tổ chức đã kết nối nhanh chóng thông tin cung cầu lao động; các thị trường xuất khẩu lao động, chính sách ưu đãi. Trong năm, trung tâm đã tổ chức 47 phiên giao dịch việc làm, 8 phiên giao dịch việc làm lưu động, 14 phiên tổ chức riêng cho doanh nghiệp, giới thiệu việc làm trong nước cho 4.211 lượt, trong đó có 1.922 lượt lao động được tuyển dụng; thu hút hơn 700 lượt doanh nghiệp đăng ký tuyển dụng.

Phiên giao dịch việc làm và tuyển dụng trực tiếp tại Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Tĩnh

Ông Nguyễn Trí Lạc - Giám đốc Sở LĐ-TB&XH cho biết: “Nhiệm vụ đặt ra trong năm 2019 là toàn tỉnh GQVL mới cho 24.000 lao động, trong đó, lao động trong nước 16.000 người và 8.000 lao động đi làm việc ở nước ngoài; mở rộng và phát triển thị trường lao động trong nước và ngoài nước; tiếp tục triển khai và thực hiện tốt chính sách hỗ trợ cho người lao động đi làm việc ngoài nước”.

Theo đó, Sở sẽ chú trọng triển khai các giải pháp đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng cho các dự án đang đầu tư vào địa bàn; tham mưu UBND tỉnh ban hành cơ chế, chính sách hỗ trợ GQVL, xuất khẩu lao động, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho thị trường xuất khẩu lao động; triển khai có hiệu quả các chương trình đề án cho lao động nông thôn; đào tạo, chuyển đổi nghề cho lao động bị ảnh hưởng sự cố môi trường biển.

Bên cạnh đó, ngành cũng tạo điều kiện thuận lợi về mọi mặt, khuyến khích các đơn vị, doanh nghiệp có nhiều đổi mới trong SXKD, góp phần tạo việc làm ổn định, nâng cao thu nhập cho người lao động.

Chủ đề Làng nghề LĐVL

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Báo nói