Một góc lò cao luyện thép của Formosa Hà Tĩnh
Ông Trần Tú Anh - Giám đốc Sở KH&ĐT cho biết: “Năm 2018, tỉnh đã cấp phép đầu tư cho 60 dự án trong nước với số vốn đăng ký hơn 4.734 tỷ đồng và 7 dự án FDI với số vốn đầu tư hơn 84 triệu USD. Ngoài các dự án đầu tư vào lĩnh vực thương mại, dịch vụ, du lịch, năm nay, tỉnh còn thu hút một số dự án lớn về lĩnh vực công nghiệp như: Nhà máy gỗ OKAL, OSB tại KKT Vũng Áng của Công ty TNHH Thanh Thành Đạt (tổng mức đầu tư 2.343 tỷ đồng); Nhà máy HAIVINA Hồng Lĩnh của Công ty TNHH HAIVINA - Hàn Quốc (tổng vốn đầu tư 15 triệu USD); Nhà máy điện mặt trời của Công ty GA. Power LTE. LDT - Cộng hòa Liên bang Đức (vốn đầu tư 46,6 triệu USD)...”.
Sản xuất thép tấm ở Formosa
“Đặc biệt, hiện còn có nhiều nhà đầu tư lớn trong, ngoài nước đang tích cực tìm kiếm cơ hội đầu tư vào Hà Tĩnh như: Tập đoàn T&T tìm hiểu đầu tư dự án Khu đô thị sinh thái, du lịch, vui chơi giải trí đảo Xuân Giang 2 và dự án Khu đô thị thương mại, dịch vụ, biệt thự sinh thái Nam Cầu Phủ; Tập đoàn FLC tìm hiểu đầu tư dự án tổ hợp sân golf, du lịch nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí và đô thị biển FLC Thiên Cầm, dự án Khu đô thị thông minh FLC thành phố Hà Tĩnh; Công ty CP Tập đoàn Nguyễn Hoàng tìm hiểu đầu tư dự án Thành phố Giáo dục Quốc tế Hà Tĩnh; Công ty ME-LE Biogas GMBH (CHLB Đức) tìm hiểu đầu tư về 4 dự án nhà máy điện khí sinh học; Công ty Phát triển công nghiệp Gyelim, Công ty Phát triển công nghiệp Dea Ryuck, Công ty Điện lực Đông Nam (Hàn Quốc) tìm hiểu đầu tư nhà máy điện sinh khối…” - Giám đốc Sở KH&ĐT Trần Tú Anh thông tin thêm.
Tàu vào "ăn hàng" tại Cảng Vũng Áng
Tính đến thời điểm hiện tại, Hà Tĩnh đang là “đất lành” của 829 nhà đầu tư trong, ngoài nước, trong đó, 755 dự án trong nước với tổng vốn 107 nghìn tỷ đồng và 74 dự án FDI với số vốn đăng ký hơn 12 tỷ USD. Sự góp mặt của các nhà đầu tư đã làm thay đổi cơ bản cơ cấu kinh tế của tỉnh theo hướng tăng mạnh tỷ trọng ngành công nghiệp, xây dựng và từng bước đưa Hà Tĩnh trở thành hạt nhân tăng trưởng của vùng kinh tế trọng điểm khu vực Bắc Trung Bộ. Cụ thể, tốc độ tăng trưởng GRDP của Hà Tĩnh từ 2015 đến nay, bình quân hàng năm đạt trên 22%. Chỉ số phát triển công nghiệp giai đoạn này cũng có tốc độ tăng bình quân hơn 50%/năm.
Năm 2018, sản xuất công nghiệp Hà Tĩnh ước đạt 44.700 tỷ đồng, tăng 86,6% so với cùng kỳ, giúp Hà Tĩnh dẫn đầu cả nước về chỉ số phát triển công nghiệp.
Dấu ấn rõ nét nữa trong những “tác động” của các nhà đầu tư đến kinh tế Hà Tĩnh thời gian qua là làm thay đổi mạnh mẽ cơ cấu việc làm, phát triển nguồn nhân lực địa phương. Hiện, các doanh nghiệp, nhà đầu tư trên địa bàn toàn tỉnh đã giải quyết việc làm cho hơn 19 nghìn lao động trong nước và quốc tế với thu nhập bình quân từ 6 - 10 triệu đồng/người/tháng.
Vài ba năm trở lại nay, khối kinh tế này đóng góp từ 40 - 45% tổng số thu của toàn tỉnh. Năm 2018, các nhà đầu tư đã nộp vào ngân sách nhà nước khoảng 2.100 tỷ đồng, chiếm trên 36% tổng số thu của toàn ngành thuế Hà Tĩnh.
Đoàn doanh nghiệp CHLB Đức tìm hiểu cơ hội đầu tư vào các khu kinh tế, cụm công nghiệp trên địa bàn Hà Tĩnh
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Dương Tất Thắng cho biết: “Xác định việc mời gọi, thu hút đầu tư là một trong những tiền đề quan trọng cho sự phát triển KT-XH tỉnh luôn chú trọng các hoạt động thu hút, quảng bá đầu tư và xây dựng, phát triển cơ sở hạ tầng các khu kinh tế, cụm công nghiệp trên địa bàn. Đặc biệt, tỉnh luôn chú trọng công tác cải cách thủ tục hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, đồng hành, tạo điều kiện thuận lợi nhất để các doanh nghiệp yên tâm đầu tư, SXKD”.
Các dự án đầu tư trong, ngoài nước đã góp phần quan trọng trong việc thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, gia tăng năng lực sản xuất, kim ngạch xuất khẩu, đóng góp ngân sách và tạo thêm nhiều việc làm cho tỉnh nhà. Với những con số và thực tế hiện hữu cùng cơ chế vượt trội trong thu hút đầu tư, Hà Tĩnh đang hướng tới trung tâm công nghiệp, thương mại - dịch vụ của khu vực Bắc Trung Bộ.