Chuyện về ngôi tháp được ban tên khi rồng vàng hiện lên

Nhắc đến rồng vàng lại nhớ gần một nghìn năm trước “năm Mậu Tuất, hiệu Long Thuỵ Thái Bình năm thứ 5 (1058), mùa thu tháng 9, vua ngự ra biển Ba Lộ, nhân đó ngự ra chỗ xây Tháp ở Đồ Xảo (Đồ Sơn)”. Hiện nay, tháp Tường Long tọa lạc trên đỉnh Long Sơn (núi Rồng) thuộc phường Ngọc Xuyên, quận Đồ Sơn, thành phố Hải Phòng.

Chuyện về ngôi tháp được ban tên khi rồng vàng hiện lên

Tháp Tường Long, di tích lịch sử ngàn năm tuổi ở Đồ Sơn, Hải Phòng.

Ngôi tháp và tích chuyện rồng vàng hiện lên

Sách “Việt sử lược”, cuốn sử xưa nhất của người Việt cho biết, “mùa thu tháng 8, ngày Bính Tuất (năm 1059), rồng vàng xuất hiện ở điện Trường Xuân, vua ban cho tháp ở Đồ Sơn tên hiệu là Tường Long (ý nói điềm lành)”.

Vậy tháp Tường Long có quy mô, kiến trúc và vị thế ra sao mà Lý Thánh Tông (vị Hoàng đế thứ 3 triều Lý, bậc quân vương anh minh và nhân từ được sử thần Ngô Sĩ Liên ca ngợi “thực lòng thương dân, trọng việc làm ruộng, thương kẻ bị hình, vỗ về thu phục người xa, đặt khoa bác sĩ, hậu lễ dưỡng liêm, sửa sang việc văn, phòng bị việc võ, trong nước yên tĩnh, đáng gọi là bậc vua tốt”.

Lý Thánh Tông còn là một tín đồ phật giáo, mộ đạo, tôn Phật giáo lên hàng quốc giáo. Vua đã cho xây bốn đại bảo tháp: tháp Đại Thắng Tư Thiên (tháp Báo Thiên, 1057), tháp Tường Long (1057 - 1059), tháp Phật Tích (1066) và tháp Thăng Bình (1068). Sử cũ cho biết tháp Báo Thiên cao vài mươi trượng, ngọn tháp đúc bằng đồng khắc ba chữ “Đao Ly Thiên”, tỏ ý tư tưởng của đấng tối cao xây lên đến tận trời. Phạm Sư Mạnh - nhà thơ thời Trần trong bài “Đề báo thiên tháp” hình dung là “Cây cột chống trời, cao sừng sững trội hẳn lên để giữ vững kinh kỳ”. Tháp Phật Tích, được bia chùa khắc năm 1688, ghi là cao ngàn trượng. Tháp Tường Long được “Đại Nam nhất thống chí” cho biết, “tháp cũ Đồ Sơn ở xã Đồ Sơn, huyện Nghi Dương cao trăm thước”.

Như vậy, dưới thời Lý Thánh Tông, cây tháp tượng trưng cho quyền uy của Đức Phật, và đằng sau thần quyền ấy là quân quyền, biểu tượng của nhà vua. Vì vậy, tháp có quy mô to lớn, kiến trúc huy hoàng, biểu hiện khí thế vươn lên tận trời xanh.

Trở lại với tháp Tường Long, sử sách cho hậu thế biết thời điểm xây dựng và hoàn thành tháp (1057 - 1059). Bài minh chuông chùa Vân Bản, Đồ Sơn cho biết: Vào thời Trần, tháp bị đổ, nhà sư Hướng Tâm và cư sĩ Đại Ân cho tu sửa tháp. Đến thời Nguyễn “năm Gia Long thứ 3 (1804), phá gạch, đá xây thành trấn Hải Dương” (Đại Nam nhất thống chí).

Vào những năm 60 của thế kỷ 20, trên đỉnh núi Tháp, ngọn núi cao nhất trong dãy núi Cửu Long, cao trên 100m so với mặt nước biển, tháp Tường Long, mặc dù bị triệt phá từ đầu thế kỷ 19 và đến giữa thế kỷ 20, nhân dân dưới chân núi Tháp vẫn lấy gạch, đá để xây tường, kè bờ, nhưng phần tháp còn lại vẫn cao đến 5m.

Tới năm 1972, đế quốc Mỹ đánh phá miền Bắc, Hải Phòng là một trọng điểm. Trên đỉnh núi cao, tháp trở thành cột mốc cho máy bay Mỹ từ hạm đội 7 vào oanh kích thành phố Hải Phòng. Vì mục đích quân sự, tháp bị san phẳng.

Chuyện về ngôi tháp được ban tên khi rồng vàng hiện lên

.

Chuyện về ngôi tháp được ban tên khi rồng vàng hiện lên

Những hiện vật khảo cổ học quý giá khai quật tại tháp Tường Long.

Tháp xưa bước ra ánh sáng

Đến năm 1973, Bảo tàng Hải Phòng mới có thông tin rõ hơn về ngôi tháp này. Để nghiên cứu, bảo tồn tháp Tường Long, năm 1978, Viện Khảo cổ học phối hợp với Bảo tàng Hải Phòng khai quận tháp lần thứ nhất. Hai mươi năm sau, năm 1998, Bảo tàng Hải Phòng khai quật lần thứ 2 và hơn 10 năm tiếp theo vào năm 2009, Viện Khảo cổ học phối hợp với Bảo tàng Hải Phòng khai quật lần thứ 3 để phục vụ cho việc nghiên cứu và phỏng dựng tháp Tường Long.

Qua 3 lần khai quật, các nhà khảo cổ bước đầu cho chúng ta biết được móng tháp hình vuông với 3 tầng chồng lên nhau: tầng dưới cùng mỗi cạnh có chiều dài 7,86m, tầng giữa là 7,36m và tầng trên cùng là 6,92m.

Tại các hố khai quật phát hiện được rất nhiều gạch xây tháp có niên đại “Lý gia đệ tam đế Long Thụy Thái Bình tứ niên tạo” (1057), khẳng định rõ niên đại xây tháp. Ngoài ra, qua các lần khai quật còn tìm thấy nhiều gạch trang trí ốp ngoài có in nổi họa tiết hoa dây, hoa chanh; những mảnh đất nung trang trí rồng, phượng. Rồng được thể hiện gọn trong bố cục lá đề với thân tròn lẳn, uốn mình kiểu túi, uyển chuyển, chân xoè 5 móng, đầu bốc lửa rung rinh, bay trong một không gian dày đặc mây lửa; còn phượng được thể hiện trong tư thế giang rộng cánh bay rất mềm mại, uyển chuyển.

Ở móng tháp Tường Long còn bắt gặp tượng chim uyên ương và tượng sư tử. Uyên ương được tạo trong tư thế tĩnh tại, toàn thân là một khối tròn, mỏ dẹt, đầu hơi ngẩng. Toàn thân được hai cánh rộng phủ kín. Đuôi chim hơi cong nhẹ, phần lớn chim phát hiện tại tháp Tường Long, cũng như các tháp cùng thời đều bị gãy cổ.

Cố giáo sư Trần Quốc Vượng bằng cảm quan mà ngờ rằng, những ngôi chùa tháp thời Lý, ít nhiều đều có liên quan đến Ỷ Lan phu nhân. Khi bà mất, người ta đập gãy đầu uyên ương. Đó chỉ là ý kiến tồn nghi, vì uyên ương cổ dài nhỏ, khi tháp đổ, đầu chim thường gãy rời. Tượng đầu sư tử há miệng, lưỡi cong dài cuộn như một dải nước. Trán sư tử nổi khối tròn, mũi sư tử to bè, râu tỏa ra 2 bên tạo thành mảng nền cho khuôn mặt.

Ngoài ra, tại móng tháp, còn tìm thấy nhiều loại ngói, ngói phẳng, ngói sen. Ở đây cũng tìm thấy bệ tượng hình bát giác, làm bằng đá xanh. Bệ cao 20cm, có 2 tầng. Mặt chính diện mỗi cạnh đều chạm nổi hình rồng đặc trưng thời Lý với thân nhỏ, mình trơn, bờm bốc cao như ngọn lửa. Và một phần tượng Phật chỉ còn lại cổ và một mảng ngực.

Căn cứ vào kết quả khai quật, tư liệu trong thư tịch cổ và kết quả khảo sát tại các chùa tháp thời Lý - Trần, giúp chúng ta có một cái nhìn ban đầu về tháp Tường Long.

Tháp là một kiến trúc nhiều tầng chồng lên nhau, cao trên 30m. Đây là tháp thờ Phật, càng lên cao, các tầng càng thu nhỏ và thấp hơn nhưng chuyển biến từ từ, không đột ngột. Các tầng cách nhau bởi những bộ mái nhô ra ngoài và cong vênh lên ở góc mái, tạo thành các đầu đao, phía dưới treo chuông gió. Tầng khám trang trí rồng; bộ mái lợp ngói phẳng, ngói sen, trên bờ mái trang trí lá đề hình rồng, phượng và chim uyên ương; các tầng trên trang trí hoa chanh, lòng khám tôn thờ tượng Phật.

Ngoài chức năng thờ Phật, một trung tâm Phật giáo ở vùng ven biển Đông Bắc, tháp còn là một đại danh lam, kiêm hành cung, khẳng định quyền lực và sự hiện diện của vương triều Lý tại vùng biên ải phía Đông.

Không chỉ vậy, tháp Tường Long còn đóng vai trò là tiền đồn, một pháo đài án ngữ, canh phòng, bảo vệ toàn bộ vùng ven biển phía Đông Bắc của quốc gia Đại Việt, mở đường cho việc xây dựng những ngôi chùa mang tính chất tiền đồn thời Trần sau này như: Chùa Yên Tử (Quảng Ninh); chùa Hương (Hà Tĩnh).

Năm 2010, nhân dịp kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, tháp Tường Long được Chính phủ cho phép phỏng dựng lại và đến năm 2017, tháp Tường Long được khánh thành trong niềm hoan hỷ của người dân và phật tử.

Xuân Giáp Thìn 2024 đã về, mời du khách bốn phương về với Đồ Sơn, thưởng ngoạn cảnh đẹp, lên núi thăm chùa, lễ phật cầu phúc, cầu may và chiêm ngưỡng tháp Tường Long, một đại danh lam thời Lý hiển hiện sừng sững, nguy nga trên đỉnh núi Rồng, Đồ Sơn.

Tháp Tường Long, một đại danh lam kiêm hành cung, gắn liền với các bậc đế vương, là nơi vua ngự khi đi tuần thú. Tháp được xây dựng trên đỉnh núi, mặt quay hướng Nam, hướng của trí tuệ, của bậc đế vương. Trước mặt tháp có ngòi chạy thẳng từ hướng biển đi vào chân núi, rất thuận lợi cho vua lên thăm tháp.

Theo Đỗ Xuân Trung/laodong.vn

Đọc thêm

'Săn' mai anh đào nở sớm

'Săn' mai anh đào nở sớm

Thời điểm này, trên khắp các diễn đàn mạng xã hội, người dân và du khách đã bày tỏ sự vui mừng khi hoa mai anh đào đã bắt đầu nở rộ tại khắp các vùng ngoại ô TP Đà Lạt.
Kịch bản 'Táo quân 2025' bị lộ?

Kịch bản 'Táo quân 2025' bị lộ?

Theo bảng phân vai "Táo quân 2025" được NSƯT Chí Trung đăng tải, buổi chầu năm nay của các Táo sẽ thay bằng hình thức cuộc thi.
Podcast truyện ngắn: Hơi ấm đêm xuân

Podcast truyện ngắn: Hơi ấm đêm xuân

Tim tôi như đứng lặng trong lồng ngực. Cớ gì mọi thứ lại trùng hợp đến vậy. Tôi khẽ nhìn khuôn mặt anh Ba qua kính chiếu hậu, thấy anh hiền, chân chất, lương thiện, nhân hậu như má, như ba...
VTV tung những hình ảnh đầu tiên về 'Táo quân 2025'

VTV tung những hình ảnh đầu tiên về 'Táo quân 2025'

Mới đây, chương trình "VTV Kết nối" đã thực hiện phóng sự đột nhập phòng tập "Táo quân" lúc nửa đêm. Các nghệ sĩ Chí Trung, Quang Thắng, Vân Dung... cũng có những chia sẻ đầu tiên về chương trình.
Podcast tản văn: Mùi của tết

Podcast tản văn: Mùi của tết

Những ngày cuối đông, tiết trời hao hao rét. Giữa khung cảnh ngược xuôi tấp nập của phố phường, ta thoảng nghe trong gió lạnh một mùi vị rất quen thuộc...
Dân ca Quan họ Bắc Ninh lời cổ: Vui bốn mùa

Dân ca Quan họ Bắc Ninh lời cổ: Vui bốn mùa

Tiết mục Vui bốn mùa (dân ca quan họ Bắc Ninh lời cổ), phối khí: NSƯT Quang Hưng, biên đạo: NSƯT Khánh Toàn, do Đoàn nghệ thuật tỉnh Bắc Ninh biểu diễn tại Liên hoan Di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO vinh danh tại Hà Tĩnh.
Podcast truyện ngắn: Hoa muộn

Podcast truyện ngắn: Hoa muộn

Bên trong vẫn ồn ào náo nhiệt, ngoài này tĩnh lặng bất thường. Chú nắm tay Thụy, ấm áp và yêu thương. Đêm bỗng nở hoa. Muộn mằn nhưng nồng nàn...
Podcast: Bức họa tháng Chạp

Podcast: Bức họa tháng Chạp

Thế là tháng Chạp đã trở về trong sự dùng dằng của đất trời buổi cuối đông. Lòng người vào Chạp cũng trở nên khác lạ với những hối hả để gói ghém lại một năm dài, với những chậm rãi, níu kéo trong sự ươm ủ đón chờ năm mới…
Podcast truyện ngắn: Chiếc khăn xanh

Podcast truyện ngắn: Chiếc khăn xanh

Tôi không biết điều kỳ diệu nào đã giữ bà tôi gắng gượng ở lại đón cái Tết cuối cùng với gia đình năm đó. Nhưng mãi về sau này, trên những hành trình xuôi ngược, tôi luôn giữ bên mình chiếc khăn len màu xanh bà trao cho tôi ngày ấy...
Podcast tản văn: Có hẹn với mùa xuân

Podcast tản văn: Có hẹn với mùa xuân

Nỗi nhớ bỗng thắt chặt ngực tôi lúc này khi chợt nhận ra, đã bao nhiêu năm mình lỗi hẹn, đã bao nhiêu cái Tết cứ vội vã trở về để rồi lại vội vã đi...