Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Trần Nam Hồng, Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Quốc Khánh, các ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, lãnh đạo một số ngành liên quan cùng dự.
Hiện Hội VHNT Hà Tĩnh hơn 200 hội viên. Sau Đại hội lần thứ IX, Hội VHTN tỉnh đã kết nạp được thêm 13 hội viên, 2 hội viên được kết nạp vào hội chuyên ngành Trung ương. Hội cũng thường xuyên phát động các đợt sáng tác, tổ chức đi thực tế, mở trại sáng tác… để nâng cao chất lượng tác phẩm. Nhiều hội viên đạt giải trong các cuộc thi khu vực, Trung ương. Đặc biệt, hội đã tham mưu UBND tỉnh xét tặng Giải thưởng VHNT Nguyễn Du lần thứ 5, với 5 giải A, 8 giải B, 11 giải khuyến khích; nhà văn Đức Ban được nhận giải thưởng Nhà nước về Văn học - Nghệ thuật.
Bà Phan Thị Thư Hiền – Chi hội trưởng Chi hội Văn nghệ dân gian Việt Nam tại Hà Tĩnh: Sự hẫng hụt trong đội ngũ cán bộ kế cận của hội đã đến mức báo động, cần có chính sách đào tạo, bồi dưỡng sớm để kịp thời đáp ứng nhiệm vụ thời gian tới.
Ông Bùi Xuân Thập – Giám đốc Sở VH-TT&DL: Đề nghị hội chủ trì xây dựng quy chế đặt hàng các tác phẩm chất lượng cao, Sở VH-TT&DL sẽ có trách nhiệm phối hợp trong quá trình thực hiện.
Về công tác xuất bản, hiện Tạp chí Hồng Lĩnh xuất bản đều đặn 1 kỳ/tháng; website “Văn nghệ Hà Tĩnh”, Diễn đàn VHNT trên sóng phát thanh – truyền hình Hà Tĩnh cơ bản bám sát nhiệm vụ chính trị, đáp ứng hoạt động chuyên môn của hội viên. Nhiều đầu sách đã được xuất bản, hàng trăm tác phẩm thuộc nhiều chuyên ngành được giới thiệu đến công chúng…
Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Hoàng Trung Dũng: Hà Tĩnh là vùng đất có tiềm năng, giá trị văn hóa truyền thống, nhưng thời gian gần đây các tác phẩm có giá trị cao về tư tưởng chưa nhiều, loại hình văn hóa văn nghệ dân gian có nguy cơ bị mai một.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Quốc Vinh: Hội chưa chủ động, còn lúng túng khi tham mưu cho tỉnh trong các dịp kỷ niệm ngày lễ lớn.
Tại buổi làm việc, các đại biểu tập trung phân tích một số thuận lợi, khó khăn trong quá trình hoạt động của hội; đồng thời, kiến nghị một số vấn đề như: công tác phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực kế cận phải được quan tâm kịp thời; tài chính chưa đảm bảo cho hoạt động chuyên môn; cơ chế khen thưởng, khuyến khích anh em nghệ sỹ phát huy tài năng, trí tuệ chưa xứng đáng; tăng cường phối hợp giữa các sở ngành liên quan để nâng cao chất lượng quản lý và hiệu quả hoạt động…
Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Quốc Khánh: Để tháo gỡ khó khăn, hội phải chủ động đề xuất những vấn đề phát sinh trong quá trình hoạt động để tỉnh kịp thời có cơ chế, chính sách hỗ trợ phù hợp.
Phát biểu kết luận buổi làm việc, Bí thư Tỉnh ủy Lê Đình Sơn chia sẻ với những khó khăn của Hội VHNT Hà Tĩnh, ghi nhận vai trò đồng hành trong quá tình phát triển của tỉnh. Tuy nhiên, Bí thư Tỉnh ủy cho rằng, số lượng tác phẩm có giá trị về mặt tư tưởng, văn hóa chưa nhiều; so với tiềm năng lịch sử, văn hóa truyền thống của tỉnh, sự đầu tư nguồn lực, trí tuệ cho lĩnh vực này chưa xứng tầm; công tác phối hợp giữa các ban, ngành liên quan còn lỏng lẻo…
Bí thư Tỉnh ủy nhấn mạnh, VHNT là lĩnh vực đặc thù nên cũng cần có cơ chế chính sách đặc thù để khơi dậy tiềm năng, trí tuệ của đội ngũ anh chị em nghệ sỹ, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động. Thời gian tới, Hội VHNT tỉnh phải xác định nhiệm vụ trọng tâm trong công tác tuyên truyền, quảng bá văn hóa, hình ảnh quê hương, con người Hà Tĩnh đến bạn bè trong nước và quốc tế.