Công bố "Sách vàng Sáng tạo Việt Nam" 2019: Vinh danh 74 công trình

Ngày 23/8, tại Hà Nội, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam tổ chức lễ công bố “Sách vàng Sáng tạo Việt Nam” năm 2019.

Công bố “Sách vàng Sáng tạo Việt Nam” 2019: Vinh danh 74 công trình

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQVN Trần Thanh Mẫn cùng các đại biểu thực hiện nghi thức công bố Sách vàng Sáng tạo Việt Nam năm 2019. Ảnh: VGP/Nguyễn Hoàng

Đây là hoạt động nhằm thiết thực kỷ niệm 74 năm Cách mạng tháng 8, Quốc khánh 2/9 và chào mừng Đại hội đại biểu toàn quốc MTTQ Việt Nam lần thứ IX, nhiệm kỳ 2019-2024; đồng thời cổ vũ, tôn vinh và khẳng định sự trân trọng đối với các tổ chức, cá nhân tiêu biểu, có đóng góp hiệu quả trong hoạt động khoa học, công nghệ, khơi dậy niềm tự hào về trí tuệ, tinh thần đam mê lao động sáng tạo của người Việt Nam.

Tham dự buổi Lễ có Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân; ông Trần Thanh Mẫn, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam; ông Phạm Thế Duyệt, nguyên Uỷ viên Thường vụ - Thường trực Bộ chính trị, nguyên Chủ tịch Ủy viên Trung ương MTTQ Việt Nam; ông Hầu A Lềnh, Uỷ viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Trưởng Ban chỉ đạo Sách vàng Sáng tạo Việt Nam; ông Chu Ngọc Anh, Uỷ viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ; GS. TSKH Đặng Vũ Minh, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng tuyển chọn Sách vàng Sáng tạo Việt Nam; đại diện lãnh đạo Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, các ban, bộ, ngành ở Trung ương, lãnh đạo các tổ chức chính trị - xã hội; các vị trong Ban chỉ đạo, Hội đồng tuyển chọn, Ban Thư ký – Biên tập cùng đại diện tác giả, nhóm tác giả có công trình được công bố trong “Sách vàng Sáng tạo Việt Nam” năm 2019.

Phát biểu tại lễ công bố, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn cho biết, kế thừa và phát huy kết quả qua 3 lần công bố Sách vàng Sáng tạo Việt Nam, với tinh thần làm việc khách quan, khoa học, từ 141 công trình, Ban Chỉ đạo và Hội đồng tuyển chọn đã lựa chọn ra 74 công trình, giải pháp sáng tạo khoa học, công nghệ để giới thiệu trong Sách vàng Sáng tạo Việt Nam năm 2019.

Đây là những công trình tiêu biểu ở nhiều lĩnh vực, phạm vi, đã được kiểm nghiệm qua thực tế; nhiều sáng kiến có giá trị hỗ trợ cộng đồng nâng cao chất lượng cuộc sống, phát triển kinh tế, đảm bảo môi trường, chăm sóc sức khỏe, y tế, giáo dục, nông nghiệp, quốc phòng, các giải pháp ứng dụng công nghệ trong sản xuất, chế biến, tiết kiệm năng lượng, nâng cao chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh và giá trị kinh tế của sản phẩm, hàng hóa.

Theo Chủ tịch Trần Thanh Mẫn, từ năm 2016 đến nay, gắn với kỷ niệm số năm thành lập nước, 290 công trình đã được giới thiệu trong Sách vàng Sáng tạo Việt Nam. Năm 2020, đất nước kỷ niệm nhiều ngày lễ lớn và Sách vàng Sáng tạo Việt Nam cũng sẽ được công bố lần thứ 5, Ban Thường trực sẽ tiến hành sơ kết, đánh giá hiệu quả đầy đủ của các công trình đã được công bố, xác định nhiệm vụ, giải pháp đổi mới trong giai đoạn tới cho phù hợp, hiệu quả hơn.

Công bố “Sách vàng Sáng tạo Việt Nam” 2019: Vinh danh 74 công trình

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQVN Trần Thanh Mẫn trao Giấy chứng nhận, Sách vàng Sáng tạo Việt Nam năm 2019 cho các tác giả, đại diện nhóm tác giả. Ảnh: VGP/Nguyễn Hoàng

Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đánh giá cao việc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, Bộ Khoa học và Công nghệ đã tuyển chọn, biên tập và công bố Sách vàng Sáng tạo Việt Nam năm 2019 với 74 công trình, giải pháp sáng tạo khoa học công nghệ tiêu biểu.

Chủ tịch Quốc hội khẳng định, trong những năm qua, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, các bộ, ban, ngành, các tổ chức thành viên của Mặt trận và các địa phương đã công nhận và trao nhiều giải thưởng trong lĩnh vực khoa học và công nghệ, thu hút được đông đảo các nhà khoa học và các tầng lớp nhân dân quan tâm, hưởng ứng. Đã có nhiều công trình khoa học công nghệ được trao giải, từng bước được áp dụng vào thực tiễn, mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Để khoa học và công nghệ thực sự trở thành quốc sách, đóng vai trò quan trọng hơn nữa trong phát triển kinh tế-xã hội của đất nước, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, Bộ Khoa học và Công nghệ, các cơ quan bộ, ngành, địa phương tiếp tục triển khai thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về phát triển khoa học - công nghệ; quan tâm đào tạo, phát triển nguồn nhân lực khoa học công nghệ chất lượng cao.

Bên cạnh đó các bộ, ngành, địa phương cần nghiên cứu, đề xuất ban hành các chính sách đột phá về khoa học công nghệ; không ngừng quan tâm, khuyến khích động viên các cấp, các ngành, các nhà khoa học, các doanh nghiệp, các tầng lớp nhân dân tận dụng, phát huy lợi thế của cuộc cách mạng công nghệ lần thứ tư, nghiên cứu, sáng tạo để tạo ra các ý tưởng, các sản phẩm có tính ứng dụng cao, thúc đẩy tăng năng suất lao động, chất lượng và năng lực cạnh tranh, góp phần thiết thực vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Trong đó, cần chú trọng nghiên cứu các đề tài khoa học, giải pháp công nghệ trong các ngành, lĩnh vực then chốt đang được quan tâm hiện nay như: nông nghiệp công nghệ cao, chế biến nông sản, tài nguyên môi trường, ứng phó và thích ứng với biến đổi khí hậu, năng lượng sạch, vật liệu mới, trí tuệ nhân tạo…, nhất là các giải pháp nâng cao năng suất lao động.

Cũng theo Chủ tịch Quốc hội, từ thực tiễn sinh động của nhân dân trong hoạt động lao động sản xuất, cần tiếp tục tổ chức các cuộc thi sáng tạo khoa học và công nghệ trên phạm vi cả nước, ở từng bộ, ban, ngành và địa phương, nhất là Hội thi Sáng tạo kỹ thuật toàn quốc và Giải thưởng sáng tạo khoa học công nghệ Việt Nam để khuyến khích, động viên các tầng lớp nhân dân trong nước, người Việt Nam ở nước ngoài hưởng ứng phong trào thi đua lao động sáng tạo, say mê tìm tòi, nghiên cứu để ngày càng có nhiều công trình, giải pháp sáng tạo khoa học và công nghệ, góp phần nâng cao chỉ số đổi mới sáng tạo của quốc gia, đóng góp cho sự phát triển của đất nước.

Nhân dịp này, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tiếp tục phối hợp đẩy mạnh Phong trào thi đua “Đoàn kết sáng tạo, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, hội nhập quốc tế” để kết nối, hỗ trợ, thúc đẩy và phát triển các phong trào thi đua có tính chất sáng tạo hiện có thành phong trào rộng khắp trong các tầng lớp nhân dân; khơi dậy, phát huy cao độ sức sáng tạo của mỗi người Việt Nam trong các lĩnh vực của đời sống xã hội; kịp thời biểu dương các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân tích cực ứng dụng sáng kiến, đổi mới công nghệ để không ngừng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả sản xuất kinh doanh; xây dựng cơ sở dữ liệu về sáng tạo, sáng kiến, sáng chế, ý tưởng mới; nhân rộng các mô hình về “đoàn kết sáng tạo”…

Chủ tịch Quốc hội tin tưởng, những phong trào, hoạt động sáng tạo của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên sẽ truyền cảm hứng, niềm say mê sáng tạo cho thế hệ trẻ, cho cộng đồng và toàn xã hội. Với trách nhiệm của mình, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ đặc biệt quan tâm hoàn thiện hệ thống pháp luật và giám sát việc tổ chức thực hiện để tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho sáng tạo và ứng dụng phát triển khoa học công nghệ.

Theo VGP News

Đọc thêm

Mỹ phê duyệt vaccine cúm dạng xịt

Mỹ phê duyệt vaccine cúm dạng xịt

Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm FDA chấp thuận vaccine cúm dạng xịt FluMist do AstraZeneca sản xuất, có thể tự tiêm, không cần nhân viên y tế hỗ trợ.
Nguyên nhân biến Yagi trở thành siêu bão

Nguyên nhân biến Yagi trở thành siêu bão

Siêu bão Yagi đổ bộ: Nhiệt độ nước biển ở Biển Đông ấm bất thường là một trong những lý do chính khiến siêu bão Yagi có tốc độ tăng cấp độ nhanh chưa từng có trong lịch sử khí tượng.
Chế tạo robot giúp đo lường tốc độ tan chảy của thềm băng Nam Cực

Chế tạo robot giúp đo lường tốc độ tan chảy của thềm băng Nam Cực

Các kỹ sư của Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ NASA đang tiến hành thiết kế một đội robot thăm dò dưới nước để đo tốc độ tan chảy của các dải băng lớn chung quanh Nam Cực; từ đó đưa ra những đánh giá tác động của tình trạng nói trên với hiện tượng nước biển dâng cao.
Kính hiển vi nhanh nhất thế giới

Kính hiển vi nhanh nhất thế giới

Nhóm nhà vật lý tại Đại học Arizona phát triển kính hiển vi điện tử nhanh nhất thế giới, có thể chụp electron di chuyển với tốc độ 7.920.000 km/h.