Công nghệ làm mát của người Ba Tư

Thành phố sa mạc Yazd, miền Trung Iran, nổi tiếng với nhiều phát minh cổ xưa và độc đáo mà tháp bắt gió (bâdgir trong tiếng Ba Tư) là một trong số đó.

Yazd là nơi có nhiều tháp bắt gió nhất thế giới. Dù có thể có nguồn gốc từ Ai Cập cổ đại, bâdgir đã sớm trở thành một phần không thể thiếu của vùng đất khô cằn và nóng rực.

Tháp bắt gió là công trình không thể thiếu của Iran. Ảnh: BBC

Những toà tháp cao vút là kiến trúc phổ biến khắp các mái nhà của Yazd. Chúng có thể mang bất kỳ hình dáng nào từ chữ nhật, tròn, vuông, bát giác cho đến các thiết kế trang trí công phu khác.

Tháp bắt gió không cần điện để có thể hoạt động, vì vậy chúng được xem là hình thức làm mát thân thiện với môi trường và tiết kiệm chi phí.

Tháp hoạt động nhờ vào 2 tác động lực với một cơ chế: Lực hút không khí đi vào, lực đẩy không khí đi xuống và cơ chế nổi lên, chìm xuống của không khí theo sự thay đổi nhiệt độ.

Hiện chưa rõ tháp bắt gió có nguồn gốc từ Iran hay Ai Cập cổ đại. Ảnh: Iran Study Program.

Đầu tiên, các cửa mở sẽ hút gió vào, đẩy chúng xuống theo cấu trúc hình ống và lưu thông khắp bên trong các tòa nhà. Cát hoặc bụi bẩn sẽ lắng đọng lại dưới chân tháp.

Khi không khí nóng hơn, chúng sẽ tự bay lên và thoát ra ngoài qua một tòa tháp hoặc cửa mở khác.

Hình dáng tháp cùng các yếu tố khác như bố cục ngôi nhà, hướng tháp, số lượng cửa đón gió, cấu trúc các cánh cố định bên trong… đều được tinh chỉnh nhằm cải thiện khả năng hút gió.

Tháp bắt gió có thể mang nhiều hình dáng song hoạt động với cùng một cơ chế. Ảnh: Persia Advisor.

Ngoài chức năng làm mát, tháp bắt gió còn được biết đến là biểu tượng văn hóa và nét độc đáo thu hút du lịch của Iran.

Nằm trong tòa nhà hình bát giác với đài phun nước và những hàng thông, toà tháp cao 33 m tại vườn Dowlatabad Abad nổi tiếng là một trong những tháp bắt gió cao nhất vẫn còn hoạt động đến hiện tại.

Tháp bắt gió cao 33m tại vườn Dowlatabad Abad, Iran. Ảnh: Iran Travel Agency.

Nhiều quốc gia trên khắp các vùng Trung Đông, Bắc Phi và cả châu Âu đã ứng dụng công nghệ bắt gió của Iran, có thể kể đến barjeels của Qatar và Bahrain, m alqaf của Ai Cập, mungh của Pakistan và nhiều nơi khác.

Theo Giáo sư Fatemeh Jomehzadeh đến từ Đại học Công nghệ Malaysia, tuy mang những thiết kế khác nhau, tất cả đều có cơ chế hoạt động tương tự tháp bắt gió của Iran.

Mô hình barjeels của Ả Rập bắt nguồn từ tháp bắt gió của người Ba Tư. Ảnh: Alamy

Có khoảng 7.000 biến thể của tháp bắt gió được lắp đặt trong các tòa nhà công cộng ở Anh từ năm 1979 đến 1994, trong đó tiêu biểu có thể kể đến bệnh viện Hoàng gia Chelsea, các siêu thị ở Manchester hay trung tâm mua sắm ở Dartford.

Bệnh viện Hoàng gia Chelsea ở Anh. Ảnh: Hire Space

Trung tâm du khách của Vườn Quốc gia Zion, miền nam Utah, Mỹ, cũng có thiết kế lấy cảm hứng từ tháp bắt gió ở Iran.

Theo các nhà khoa học, công thức này gần như loại bỏ hoàn toàn nhu cầu sử dụng điều hòa cơ học. Chênh lệch nhiệt độ đo được giữa bên ngoài và bên trong toà nhà trung tâm là 16 độ C.

Trung tâm du khách của vườn quốc gia Zion với mô hình tháp bắt gió. Ảnh: Flickr.

Các nhà nghiên cứu tại thành phố Palermo, miền nam Italy, thậm chí chỉ ra rằng khí hậu và điều kiện gió tại đây rất phù hợp cho việc lắp đặt tháp bắt gió trong tương lai.

Trong khi đó, tại hội chợ World Expo sắp diễn ra vào tháng 10 ở Dubai, một công ty kiến trúc của Áo đã dùng ý tưởng barjeel để tạo ra tháp bắt gió hình nón cho gian hàng của nước mình.

Theo Zing

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Báo nói