Xét đề nghị của UBND tỉnh Hà Tĩnh, Cục trưởng Cục Di sản văn hóa tại các tờ trình và hồ sơ kèm theo, Bộ VH-TT&DL vừa có các quyết định xếp hạng 6 công trình của Hà Tĩnh là di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia.
Các di tích được xếp hạng cấp quốc gia gồm: Mộ và đền thờ Nguyễn Hoành Từ tại xã Tân Lâm Hương (Thạch Hà); đền thờ Nguyễn Văn Mạo ở xã Khánh Vĩnh Yên (Can Lộc); mộ và nhà thờ Nguyễn Phi Sài ở thị trấn Thạch Hà và xã Thạch Long (huyện Thạch Hà); nhà thờ Lê Đắc Toàn ở xã Yên Hồ (Đức Thọ); mộ Nguyễn Huy Tựu ở xã Kim Song Trường (Can Lộc), lăng mộ Hà Công Trình ở xã Tùng Lộc (Can Lộc).
Các di tích được xếp hạng cấp quốc gia lần này đều là những công trình gắn liền với các danh nhân Hà Tĩnh có nhiều công lao đóng góp cho quê hương, đất nước.
Trong đó, danh nhân Nguyễn Hoành Từ (1536 – 1599) là người xã Phất Náo, nay là xã Tân Lâm Hương (Thạch Hà). Năm 42 tuổi, ông đỗ Tiến sỹ Nhị giáp chế khoa; đầu niên hiệu Quang Hưng (1578), giữ chức Tả thị lang bộ Lại. Nguyễn Hoành Từ là người giỏi làm thơ, thông thạo y học, địa lý, thiên văn, đã có nhiều công lớn với triều đình lúc bấy giờ.
Danh nhân Nguyễn Phi Sài (chưa rõ năm sinh, năm mất) sống vào thời chúa Trịnh (thế kỷ 16, 17) quê ở xã Kim Đô, nay là xã Thạch Long (Thạch Hà). Ông là một võ tướng có tài thao lược được chúa Trịnh giao phó nhiều trọng trách, từng lập nhiều công lớn trong việc khôi phục Triều Lê, được ban các chức tước như: Uy dũng công thần, Đặc tiến trụ quốc, Thượng tướng quân, Trung quân Đô đốc phủ, Hữu đô đốc, Thiếu bảo, Võ Quận công...
Danh nhân Lê Đắc Toàn (1622-1673) quê ở xã Yên Hồ (Đức Thọ). Ông là con nhà nghèo nhưng rất thông minh. Năm 1652, ông đậu Tam giáp đồng Tiến sỹ, được khắc tên văn bia Quốc Tử Giám Hà Nội. Ông từng giữ chức Tham chính xứ Sơn Nam, đốc thị Nghệ An, về sau được thăng Thiêm đô ngự sử, tước tử. Sau khi qua đời, ông được vua truy tặng Hữu thị lang Bộ Công.
Danh nhân Nguyễn Huy Tựu (1690 - 1750) quê ở làng Trường Lưu nay thuộc xã Kim Song Trường (Can Lộc). Ông từng đỗ Tam trường khoa thi Hội Tân Sửu (1721), từng giữ chức Huấn đạo Trường Khánh, sau lên chức Tri phủ Trường Khánh, Thiêm sự viện Thiêm sự, nhiều lần tham gia chiến trận dưới sự chỉ huy của Nguyễn Nghiễm. Năm 1749, ông được phong tước là Khiết Nhã nam, cùng năm đó làm Tham chính Thái Nguyên. Năm 1767 được tặng thăng Tả thị lang Bộ Công, lại được tặng hàm Thượng thư Bộ Công, tước là Khiết Nhã hầu và được gia tặng tước vương Anh Liệt Đại vương vào năm 1783. Đến triều Nguyễn được phong Dực bảo Trung hưng Đôn ngưng tôn thần.
Danh nhân Hà Công Trình (1434 - 1511) quê ở xã Tùng Lộc (Can Lộc), từ nhỏ nổi tiếng thông minh học giỏi. Năm 1466, ông đỗ Đệ nhị giáp Tiến sĩ đời vua Lê Thánh Tông, sau đó làm quan đến Thượng thư (Bộ trưởng) Bộ Hình, Bộ Công; năm 1502 kiêm chức Tế tửu (Hiệu trưởng) Quốc Tử Giám.
Danh nhân Nguyễn Văn Mạo (1767- ?) quê ở thôn Bào Khê, xã Bạt Trạc, huyện Thiên Lộc, phủ Đức Quang, nay là xã Khánh Vĩnh Yên (Can Lộc). Ông từng tham gia phong trào khởi nghĩa Tây Sơn, theo vua Quang Trung - Nguyễn Huệ đánh đuổi quân Thanh xâm lược và lập được nhiều công lao. Về sau, ông phục vụ trong quân đội Tây Sơn, được vua Quang Trung ban nhiều sắc phong...
Với 6 di tích được xếp hạng đợt này, đến nay Hà Tĩnh đã có 93 di tích quốc gia. Việc các công trình được xếp hạng di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia là cơ sở để các cơ quan chức năng, địa phương sở hữu di tích tăng cường hơn nữa việc bảo tồn, trùng tu, tôn tạo và phát huy giá trị các di sản trong đời sống.