Hà Tĩnh có 666 di tích lịch sử, văn hóa được xếp hạng

(Baohatinh.vn) - Việc xếp hạng di tích các cấp trên địa bàn Hà Tĩnh góp phần giúp chính quyền và người dân tăng cường, phát huy hiệu quả công tác bảo tồn và lan tỏa giá trị di sản các công trình văn hóa lịch sử trong đời sống.

Năm 2023 và 3 tháng đầu năm 2024, Hà Tĩnh đã có thêm 44 công trình được xếp hạng di tích lịch sử văn hóa. Trong đó có 43 di tích cấp tỉnh và 1 di tích cấp quốc gia là Đền thờ Phạm Tôn Tuyển (xã Mai Phụ, huyện Lộc Hà). Tính đến nay, Hà Tĩnh đã có 666 di tích lịch sử, văn hóa được xếp hạng, trong đó có 2 di tích quốc gia đặc biệt, 87 di tích cấp quốc gia và 577 di tích cấp tỉnh.

 b1.jpg
Đền thờ Phạm Tôn Tuyển (xã Mai Phụ, Lộc Hà) vừa được Bộ VH-TT&DL xếp hạng di tích cấp quốc gia.

Việc xếp hạng di tích bên cạnh khẳng định vai trò, vị trí, giá trị lịch sử văn hóa của các công trình, làm cơ sở quản lý bảo tồn cho các cấp chính quyền, còn mang lại niềm phấn khởi cho người dân các địa phương. Qua đó khơi lên niềm tự hào về các giá trị văn hóa truyền thống quê hương, dòng họ trong Nhân dân.

Ông Phạm Bá Giảm (ở thôn Hợp Tiến, xã Mai Phụ, Lộc Hà) cho biết: “Là con cháu, hậu duệ của danh nhân Phạm Tôn Tuyển, chúng tôi vô cùng phấn khởi và tự hào khi di tích được xếp hạng cấp tỉnh vào năm 2007 và nay là cấp quốc gia. Đó là sự ghi nhận về những đóng góp to lớn của bậc tiền nhân dành cho đất nước, để thế hệ hôm nay noi theo, phấn đấu xây dựng, phát triển quê hương”.

Theo tài liệu, Thượng tướng công Phạm Tôn Tuyển (1695 - ?) có tên húy là Miến, tên chữ Phạm Tôn, sinh ra tại làng Vĩnh Luật, nay là thôn Hợp Tiến, xã Mai Phụ (Lộc Hà), thuộc đời thứ 6 dòng họ Phạm Bá. Sinh ra trong một gia đình và dòng họ có truyền thống hiếu học, từ nhỏ được thân sinh là một nhà nho rèn dạy nên lớn lên ông là người am hiểu đạo cương thường và giàu nghĩa khí.

Ông từng giữ một số chức vụ quan trọng trong quân đội dưới thời Lê - Trịnh, được phong hàm Chánh nhất phẩm. Đặc biệt, Phạm Tôn Tuyển cũng là người đã góp công giúp dân khai khẩn đất đai, đắp đê ngăn mặn, mở rộng ruộng đất canh tác. Những cánh đồng rộng tại vùng đất Mai Phụ đến nay vẫn còn gắn với tên tuổi của ông như: Đồng Chung, Đồng Nẩy, Bãi Cáng, Cửa Vườn...

94d0120223t61984l0.jpg
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ngọc Châu trao Bằng xếp hạng di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia Đền thờ Phạm Tôn Tuyển cho chính quyền địa phương và con cháu trong dòng họ Phạm Bá xã Mai Phụ (Lộc Hà).

Ông mất vào ngày mồng 1 tháng 4 âm lịch, không rõ năm. Sau khi ông mất, vua Khải Định đã 2 lần ban sắc phong tôn vinh, ca ngợi công đức của ông đối với đất nước. Ông được tôn làm Thành hoàng và thờ tại đình làng Vĩnh Phúc, thờ tại miếu Nhà Quan. Hiện nay, tại Đền thờ Phạm Tôn Tuyển vẫn còn lưu giữ được khá nhiều tư liệu quý như các bản sắc phong, gia phả, đồ tế khí...

Với nhiều giá trị lịch sử văn hóa, năm 2007, Đền thờ Phạm Tôn Tuyển được UBND tỉnh Hà Tĩnh xếp hạng di tích cấp tỉnh, cuối tháng 12/2023, đền đã được Bộ VH-TT&DL xếp hạng di tích cấp quốc gia. Ngày 18/2/2024 vừa qua, huyện Lộc Hà phối hợp với Sở VH-TT&DL và dòng họ Phạm Bá tổ chức lễ đón nhận di tích quốc gia đền thờ Phạm Tôn Tuyển. Buổi lễ đã thu hút hàng nghìn người dân và du khách tham dự, giúp lan tỏa rộng rãi những di sản của danh nhân cũng như công trình lịch sử.

Cùng với khẳng định và khơi dậy những giá trị di tích, việc xếp hạng còn là cơ sở để chính quyền địa phương cùng với chủ sở hữu các di tích vận động nguồn xã hội hóa trong việc bảo tồn, trùng tu, tôn tạo để phát huy giá trị di sản.

Ông Nguyễn Xuân Bắc – Chủ tịch UBND xã Mai Phụ (Lộc Hà) cho biết: “Hiện, trên địa bàn xã Mai Phụ có 6 di tích đã được xếp hạng, gồm 5 di tích cấp tỉnh và 1 di tích cấp quốc gia. Nhờ được xếp hạng, thời gian qua, việc phát huy các giá trị di tích đã được thực hiện rất hiệu quả, như: quảng bá, khôi phục và tổ chức các lễ hội gắn liền với di tích, vận động xã hội hóa trong công tác trùng tu, tôn tạo các công trình… Đến nay, chúng tôi đã huy động được hơn 125 tỷ đồng từ đóng góp của các mạnh thường quân và người dân để tu bổ di tích. Tiêu biểu như: di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh chùa Triều Sơn (70 tỷ đồng), đền thờ Mai Hắc Đế (gần 51 tỷ đồng), đền thờ Phạm Tôn Tuyển (hơn 3,2 tỷ đồng)…”

a6.jpg
Sau khi Đền thờ Mai Hắc Đế được xếp hạng, xã Mai Phụ cũng đã tiến hành khôi phục lễ hội Vua Mai diễn ra hằng năm vào 12-13 tháng Giêng. Trong ảnh: Biểu diễn màn trống hội tại Lễ hội Vua Mai năm 2024.

Thạch Hà là một trong những địa phương sở hữu số lượng di tích văn hóa lịch sử được xếp hạng các cấp khá lớn. Chỉ tính riêng từ đầu năm 2023 đến nay, địa phương đã có thêm 12 di tích xếp hạng cấp tỉnh, nâng tổng số di tích được xếp hạng của Thạch Hà hiện nay là 117 di tích, trong đó có 7 di tích cấp quốc gia và 110 di tích cấp tỉnh.

Việc các di tích được xếp hạng đã tạo cơ sở cho các địa phương, cũng như con cháu dòng họ sở hữu di tích thêm cơ sở và động lực vận động nguồn lực xã hội hóa để trùng tu, tôn tạo các công trình thêm khang trang. Chỉ tính riêng năm 2023, toàn huyện đã huy động xã hội hóa được trên 30 tỷ đồng cho công tác trùng tu, tôn tạo di tích. Trong đó, nhiều di tích huy động nguồn đầu tư lớn như: Nhà thờ Nguyễn Sỹ Quý (xã Việt Tiến) gần 8 tỷ đồng, đền Truông Bát (xã Ngọc Sơn) 11 tỷ đồng, nhà thờ Nguyễn Doãn Tình (xã Thạch Sơn) gần 5 tỷ đồng…

154d0170819t31361l0.jpg
Đền Truông Bát (xã Ngọc Sơn, Thạch Hà) vừa được trùng tu với tổng kinh phí 11 tỷ đồng từ nguồn xã hội hóa.

Tại Đức Thọ, một trong những di tích tiêu biểu đã phát huy sức mạnh nguồn xã hội hóa trong trùng tu và phát huy giá trị là chùa Am (ở xã Hòa Lạc). Di tích đã được Bộ VH-TT (nay là Bộ VH-TT&DL) xếp hạng cấp quốc gia năm 1993. Từ một di tích xuống cấp, từ năm 2012 đến nay, thông qua sự vận động của huyện, xã, chùa Am này đã được đầu tư gần 20 tỷ đồng để tu bổ, trở thành điểm văn hóa, tâm linh thu hút đông đảo du khách thập phương của huyện Đức Thọ.

Ông Nguyễn Thế Minh – Phó Trưởng phòng Văn hóa – Thông tin huyện Đức Thọ cho biết: “Hằng năm, chính quyền địa phương các cấp trên địa bàn đã vận động hàng chục tỷ đồng để tu bổ, tôn tạo các di tích lịch sử văn hóa. Có được điều đó là sau khi được xếp hạng, việc quản lý di tích đã được thực hiện một cách chặt chẽ. Từ đó có cách thức quảng bá, vận động xã hội hóa trùng tu, bảo tồn, phát huy giá trị của các di tích phát huy được hiệu quả”.

a5.jpg
Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia Chùa Am (xã Hòa Lạc, Đức Thọ) sau thời gian được trùng tu, tôn tạo trở thành điểm đến văn hóa tâm linh thu hút du khách.

Cùng với các di tích ở Lộc Hà, Thạch Hà, Đức Thọ, tại nhiều địa phương khác trên toàn tỉnh, nhiều di tích sau khi được xếp hạng đã không ngừng được chính quyền địa phương và người dân phát huy giá trị bằng nhiều hình thức. Qua đó lan tỏa những giá trị văn hóa, con người quê hương, đưa di tích trở thành điểm đến thu hút du khách thập phương tìm về tham quan, vãn cảnh, tìm hiểu.

Hà Tĩnh là vùng đất chứa nhiều trầm tích di sản văn hóa. Trải qua nhiều giai đoạn lịch sử, các di tích là những chứng nhân cho sự phát triển của đất và người quê hương núi Hồng, sông La. Việc bảo tồn phát huy các giá trị di tích, trong đó có xếp hạng sẽ giúp chính quyền và Nhân dân khơi lên mạch nguồn văn hóa cha ông, tạo sức mạnh nội sinh để xây dựng và phát triển quê hương.

Ngoài 666 di tích đã được xếp hạng các cấp, Hà Tĩnh vẫn còn khoảng 1.200 di tích đã được khảo sát cần được xếp hạng, trong đó có hơn 400 ngôi chùa cổ ở các vùng quê đã được nhà nghiên cứu Thái Kim Đỉnh nêu trong cuốn “Những ngôi chùa cổ Hà Tĩnh”. Hiện nay, Sở VH-TT&DL Hà Tĩnh đã nhận được hồ sơ đề nghị xếp hạng cho 200 di tích, căn cứ Luật Di sản văn hoá, thời gian tới chúng tôi sẽ tiến hành thẩm định và từng bước đề nghị UBND tỉnh xếp hạng cho các di tích nói trên.

Ông Nguyễn Tùng Lĩnh - Trưởng Phòng Quản lý di sản văn hóa (Sở VH-TT&DL Hà Tĩnh).

Chủ đề Đời sống văn hóa

Đọc thêm

Phố trong làng Thành Phú

Phố trong làng Thành Phú

Hành trình gần 10 năm xây dựng nông thôn mới đã đưa thôn Thành Phú (xã Xuân Thành, Nghi Xuân, Hà Tĩnh) “thay da, đổi thịt”, vươn mình trở thành miền quê đáng sống.
"Tỏa sáng nghị lực Việt" của một bí thư chi đoàn

"Tỏa sáng nghị lực Việt" của một bí thư chi đoàn

Bị teo tứ chi, nhưng với ý chí, nghị lực phi thường, anh Lê Xuân Thắng (xã Ích Hậu, Lộc Hà, Hà Tĩnh) đã vượt lên số phận nghiệt ngã, lan tỏa năng lượng sống tích cực trong cộng đồng, nhất là với các đoàn viên thanh niên.
Ấn tượng qua các kỳ Liên hoan Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh

Ấn tượng qua các kỳ Liên hoan Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh

Các kỳ Liên hoan Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh được các tỉnh tổ chức đã góp phần lan tỏa các giá trị văn hóa của hình thức diễn xướng dân gian này. Và các nghệ nhân, nghệ sỹ cũng học hỏi được rất nhiều từ những lần hội ngộ đó.
Ngân vang đôi bờ ví, giặm

Ngân vang đôi bờ ví, giặm

Mang theo hồi ức của cha ông, tôi tìm về những làng quê ví, giặm xứ Nghệ - Tĩnh, để lắng nghe và cảm nhận không gian đời sống văn hóa xưa - nay trên 2 miền quê hương đôi bờ sông Lam (Hà Tĩnh - Nghệ An).