Khát vọng phát triển du lịch thị xã Kỳ Anh từ trầm tích văn hóa

(Baohatinh.vn) - Từ những bước chân dập dìu tìm về đền Chế Thắng phu nhân Nguyễn Thị Bích Châu ở xã Kỳ Ninh (TX Kỳ Anh - Hà Tĩnh), gợi lên những liên tưởng tới những công trình mang khát vọng phát triển du lịch cho đô thị mạn Bắc dãy Hoành Sơn Quan.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Tâm thức biển nơi ngôi đền thiêng

Một ngày giữa tháng 3, bên cửa biển xã Kỳ Ninh, núi Cao Vọng vẫn chờn vờn mây phủ. Hàng xoan trên con đê dẫn vào đền Chế Thắng phu nhân Nguyễn Thị Bích Châu bung nhụy hoa tím biếc, thêm vấn vương níu giữ những bước chân du khách tìm về. Bên ngôi đền thiêng, khói hương phả vào không gian trầm mặc như cộng hưởng với tâm thức thành kính tưởng nhớ của người dân vùng biển và du khách thập phương dành cho bà quý phi từng xả thân vì đất nước.

a2.jpg
Ngày xuân ở Đền Bà Hải.

Đã 647 năm trôi qua, từ khi Quý phi Nguyễn Thị Bích Châu đi xa, ngôi đền ngày thêm khang trang, đó là kết quả từ tâm thức ngưỡng vọng như những lớp sóng nối mãi khôn dứt từ truyền thống “uống nước nhớ nguồn” của người Việt.

Cùng tôi dạo bước trong khuôn viên đền Bà Hải, sau khi dâng lễ tại đền, ông Trần Công Hòa (84 tuổi, thôn Tam Hải, xã Kỳ Ninh) cất giọng trầm mà hào sảng của ngư dân vùng biển: “Hàng trăm năm nay, dân làng tôi tôn Quý phi là Loan nương Thánh mẫu. Ngoài những dịp lễ giỗ, tết, rằm thì mỗi lần ra khơi vào lộng, ngư dân chúng tôi đều đến đền thắp hương, đi thì “thưa”, về thì “gửi” cầu bình an. Vượt qua nhiều giông tố, bão bùng trong những chuyến đi biển, an toàn trở về, chúng tôi tin rằng, đó là nhờ sự bảo vệ, chở che của Thánh mẫu”.

Những lời kể của ông Hòa đưa tôi bước vào thế giới tâm thức của người dân vùng biển nơi cửa ải của nước Việt xưa. Thời đó, bên này Đèo Ngang là Đại Việt, bên kia đã là Chiêm Thành. Xuôi về lịch sử hơn 600 năm trước, câu chuyện về vị quý phi theo vua ra trận dần hiện ra trong tôi, với lòng cảm kích.

A3.jpg
Trong tâm thức người dân địa phương, Quý phi Nguyễn Thị Bích Châu chính là Loan nương Thánh Mẫu luôn mang lại sự bình an cho mỗi người khi tìm về ngôi đền thiêng nơi cửa biển.

Theo các tư liệu lịch sử, Chế Thắng phu nhân Nguyễn Thị Bích Châu (? - 1377) tên thật là Nguyễn Cơ, tự Bích Châu, quê ở xã Bảo Lộc (Hải Hậu, Nam Định) là quý phi của Vua Trần Duệ Tông (1336-1377). Bà là người xinh đẹp, thông tuệ văn chương, đạo lý và võ thuật, cung kiếm, được nhà vua hết lòng yêu mến. Sống trong nhung gấm lụa là nhưng quý phi là người luôn quan tâm, lo lắng cho sự an nguy xã tắc, hết lòng phò vua trị quốc. Trong bối cảnh đất nước còn nhiều rối ren, bà Bích Châu đã dâng Vua Trần Duệ Tông bản “Kê minh thập sách” gồm 10 điều trị nước an dân, đến nay vẫn còn giá trị.

Năm 1377, biên giới phía Nam Đại Việt bị giặc quấy rối, Vua Trần Duệ Tông đem quân đi đánh Chiêm Thành. Khuyên ngăn vua không được, bà xin đi theo để hộ giá. Trên đường chinh phạt, do bị trúng kế của quân địch, các viên tướng của nhà vua lần lượt tử trận, khi đó bà Bích Châu đã thân chinh đứng ra chỉ huy đạo quân bảo vệ nhà vua. Không may bà bị trúng mũi tên tẩm độc, vết thương quá nặng, bà trút hơi thở vào giờ Tý, ngày 11/2/1377 (Đinh Tỵ). Linh cữu Quý phi Bích Châu được đưa về Thăng Long theo đường biển. Tuy nhiên, đến cửa biển xã Kỳ Ninh (TX Kỳ Anh ngày nay) thì gặp mưa to gió lớn, không thể đi tiếp được, quan quân an táng linh cữu của bà tại đây và lập miếu để Nhân dân thờ phụng, hương khói.

127d5172218t5943l5-ke-minh-thap-sach.jpg
Bản "Kê minh thập sách" do Quý phi Nguyễn Thị Bích Châu soạn thảo vẫn còn nguyên giá trị đối với ngày nay.

Vào năm 1470, vua Lê Thánh Tông đi đánh giặc Chiêm Thành, đến cửa biển Kỳ Ninh, biết được câu chuyện đánh giặc của bà Bích Châu đã đề tặng bốn chữ “Nữ trung hào kiệt” dán lên bài vị và làm lễ cầu mong hương linh quý phi trợ sức. Sau khi thắng trận trở về, Vua Lê Thánh Tông hạ chiếu lập đền, cấp ruộng tế và người trông coi, sắc phong cho bà là Chế Thắng. Kể từ đó, đền được gọi là Chế Thắng phu nhân Nguyễn Thị Bích Châu. Trải qua hơn 600 năm, ngôi đền được Nhân dân giữ gìn, tôn tạo, quanh năm hương khói phụng thờ. Hằng năm, vào ngày 11, 12/2 âm lịch, người dân trong vùng tổ chức làm lễ giỗ để tưởng nhớ, bày tỏ tri ân công lao to lớn mà bà đã đóng góp cho đất nước.

Đền Chế Thắng phu nhân Nguyễn Thị Bích Châu nay thuộc địa phận thôn Tam Hải 2 (xã Kỳ Ninh). Đền có khuôn viên rộng 26.370 m2, tọa lạc trên một cồn cát cao bên bờ sông Vịnh, phía bên kia sông là núi Cao Vọng nằm sát cửa biển. Đền bao gồm khu cổng chính có miếu Ông Quan Tả, nhà Quan Tả và tam quan; khu điện thờ chính Quý phi Bích Châu gồm: hạ điện, trung điện và thượng điện, được kết nối với nhau theo kiểu chữ công. Phía sau thượng điện, tương truyền có mộ của bà Nguyễn Thị Bích Châu. Phía bên trái thượng điện là nhà Sắc - nơi thờ và cất giữ các sắc phong qua các triều đại. Bên trái nhà Sắc còn có một cổng phụ nằm ở phía Tây Nam, ngay bên trái của cổng phụ là nhà văn bia được xây dựng vào năm 2009, đây là nơi để tấm bia đá khắc “Kê minh thập sách”.

ag7a0459-3746.jpg
Cầu bến thả hoa đăng - một điểm check in hấp dẫn mới được đầu tư xây dựng tại Đền Chế Thắng phu nhân Nguyễn Thị Bích Châu.

Cùng với những hạng mục chính, thời gian qua, xung quanh ngôi đền cổ, Nhân dân và các nhà hảo tâm còn công đức cùng chính quyền các cấp xây dựng thêm nhiều công trình như: lầu chuông, lầu khánh, bia dẫn tích, cầu bến thả hoa đăng... tạo nên cảnh quan đẹp đẽ, trang nghiêm, thu hút du khách gần xa. Năm 1991, đền thờ Chế Thắng phu nhân Nguyễn Thị Bích Châu được Bộ VH-TT&DL công nhận là di tích lịch sử và danh thắng cấp quốc gia.

Nhà báo Phạm Thái Ba (SN 1957, quê ở xã Kỳ Châu, huyện Kỳ Anh) bày tỏ: “Từ nhỏ, tôi đã được theo bố mẹ hành hương về đền mỗi kỳ lễ giỗ của Quý phi Bích Châu. Niềm thành kính, tưởng nhớ tri ân vị quý phi tài đức vẹn toàn, hết lòng vì đất nước như một mạch nguồn văn hóa quê hương lớn dần trong tôi từ đó. Thời tuổi trẻ, tôi có gần 20 năm bôn ba ở nước ngoài, mỗi lần nhớ nhà, hình bóng ngôi đền thiêng nơi cửa biển càng thêm đậm sâu trong tôi”. Nhiều năm qua, với tấm lòng hướng về quê hương, nhà báo Phạm Thái Ba đã có nhiều đóng góp về trí tuệ và vật chất để xây dựng ngôi đền, lan tỏa những giá trị văn hóa lịch sử của di tích đến bạn bè gần xa.

a6.jpg
Nhà báo Phạm Thái Ba.

Đến đền Bà Hải ngày đầu xuân, tôi còn bắt gặp nhiều du khách từ mọi miền đất nước như: Hải Phòng, Hà Nội, Nam Định, Thanh Hóa… Tất cả họ đều trở về đây mang trong mình tâm thức ngưỡng vọng, tri ân vị tiền nhân Quý phi Bích Châu là tấm gương mẫu mực vì dân tộc, đồng thời tìm sự thư thái trong tâm hồn giữa cảnh sắc ngôi đền thiêng nơi cửa biển.

Khơi sức hút du lịch từ trầm tích văn hóa quê hương

Theo báo cáo của Ban Quản lý Khu di tích đền Chế Thắng phu nhân Nguyễn Thị Bích Châu, từ dịp tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 tới nay, đền đã đón hơn 200.000 lượt du khách từ khắp mọi miền đất nước đến tham quan, chiêm bái. Trong đó, so với những năm trước, lượng khách từ ngoại tỉnh chiếm khoảng 40%. Điều đó cho thấy sức hút về mặt văn hóa tâm linh của ngôi đền rất lớn và là cơ sở để TX Kỳ Anh khai thác điểm đến để phát triển du lịch.

a8.jpg
Phối cảnh Quảng trường biển Kỳ Ninh (TX Kỳ Anh).

Rời đền Bà Hải, tôi cùng anh Phan Công Thoàn - Phó Chủ tịch UBND xã Kỳ Ninh đến tham quan công trình quảng trường biển thuộc dự án Khu đô thị du lịch biển Kỳ Ninh đang xây dựng cách đó chừng 800m. Trong tiết trời vừa hửng nắng, hàng trăm công nhân đang hối hả thi công các hạng mục với quyết tâm cao. Anh Thoàn hào hứng: “Chỉ một thời gian nữa nơi đây sẽ là một quảng trường rộng rãi khang trang, kế bên sẽ có nhiều khách sạn, nhà hàng hiện đại. Tôi tin khi dự án Khu đô thị du lịch biển hoàn thành, Kỳ Ninh nói riêng và TX Kỳ Anh nói chung sẽ là điểm đến thu hút đông đảo du khách hơn nữa; sẽ có tour, tuyến kết hợp như: nghỉ dưỡng ở Kỳ Ninh, tham quan đền Bà Hải, Hoành Sơn Quan, ăn mực nhảy Vũng Áng…”.

a7.jpg
Ông Phan Công Thoàn - Phó Chủ tịch UBND xã Kỳ Ninh (bên trái) trò chuyện về tiến độ công trình với cán bộ thi công Quảng trường biển.

TX Kỳ Anh đang quyết tâm từng bước phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế trọng điểm. Thị xã đã thực hiện quy hoạch tổng thể 2 khu đô thị du lịch tại Kỳ Ninh với diện tích 28 ha và Kỳ Nam với diện tích 330 ha. Trong đó, Công ty CP Đầu tư xây dựng Vịnh Nha Trang khảo sát và xác định vùng quy hoạch, đầu tư phát triển khu đô thị du lịch Kỳ Nam, với tổng mức đầu tư ước tính 4.000 tỷ đồng.

TX Kỳ Anh cũng tập trung đầu tư xây dựng, từng bước hoàn thiện hạ tầng du lịch, nhất là hạ tầng giao thông, công trình điểm check-in, tham quan, trải nghiệm. Cụ thể như: nâng cấp, hoàn thiện tuyến đường về biển Kỳ Ninh, biển Kỳ Nam, tuyến đường chính từ quốc lộ 1 đi đền Bà Hải và biển Kỳ Ninh, khu ẩm thực mực nhảy Vũng Áng (tuyến đường Xô Viết Nghệ Tĩnh); công trình cầu và bến thả hoa đăng tại di tích đền Bà Hải, công viên Hồ Thủy Sơn... Đặc biệt, công trình quảng trường biển Kỳ Ninh đang được đẩy nhanh tiến độ, dự kiến hoàn thành trước khai trương du lịch biển 2024 sẽ là điểm nhấn quan trọng trong bức tranh du lịch thị xã sắp tới.

a9.jpg
Một góc TX Kỳ Anh hôm nay nhìn từ trên cao.

Hướng đến phát huy tiềm năng, lợi thế về di sản văn hóa, danh lam thắng cảnh, bằng nhiều chương trình hành động đang được các cấp, ngành triển khai, chúng tôi tin tưởng trong tương lai gần, ngành du lịch TX Kỳ Anh sẽ có những bước tiến mới, xứng tầm với tài nguyên sẵn có.

Ông Nguyễn Văn Chung - Phó Chủ tịch UBND thị xã Kỳ Anh

Chủ đề Du lịch Hà Tĩnh

Chủ đề Điểm du lịch Hà Tĩnh

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast