Công tác tuyên giáo góp phần bảo vệ thành quả cách mạng, chính quyền Nhân dân

(Baohatinh.vn) - L.T.S: Mùa thu này, ngành Tuyên giáo của Đảng tròn 90 tuổi. Ngành Tuyên giáo Hà Tĩnh, dưới sự lãnh đạo của Đảng cũng đã có đóng góp vào những thắng lợi vẻ vang mà đất nước ta giành được trong suốt chặng đường 90 năm qua.

Hướng tới kỷ niệm 90 năm ngày truyền thống ngành Tuyên giáo của Đảng 1/8 (1930-2020)

Báo Hà Tĩnh trân trọng giới thiệu tới bạn đọc những chặng đường phát triển vẻ vang của ngành Tuyên giáo Hà Tĩnh.

Thắng lợi của cuộc Tổng khởi nghĩa tháng Tám đã mở ra một trang sử mới cho phong trào cách mạng của Nhân dân Hà Tĩnh. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, quân và dân tỉnh ta phấn khởi tin tưởng hăng hái bắt tay xây dựng và bảo vệ chế độ mới.

Tỉnh đã thành lập Ty Thông tin - Tuyên truyền để tuyên truyền, giáo dục, động viên các tầng lớp Nhân dân hăng hái tham gia sản xuất, xóa mù chữ, củng cố đoàn kết trong nội bộ, ủng hộ đồng bào Nam Bộ kháng chiến chống Pháp, động viên mọi người hăng hái tham gia các phong trào thi đua hành động cách mạng.

Công tác tuyên giáo góp phần bảo vệ thành quả cách mạng, chính quyền Nhân dân

Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập ngày 2/9/1945, tuyên bố với thế giới về quyền độc lập của nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa

Cuối năm 1945, trên cơ sở các chi bộ được khôi phục, các huyện ủy và Tỉnh ủy lâm thời được thành lập và triệu tập Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh. Thành công của đại hội Đảng đã đánh dấu việc hoàn thành quá trình khôi phục Đảng bộ.

Thực hiện chủ trương của đại hội, Đội Tuyên truyền xung phong của Tỉnh ủy được thành lập, do đồng chí Đinh Nho Liêm làm đội trưởng. Mặc dù lực lượng mỏng, trình độ mọi mặt còn hạn chế, nhưng các đội viên Đội Tuyên truyền xung phong đã ngày đêm đi xuống tận các thôn xóm của 8 huyện trong tỉnh, nhất là đi sâu vào vùng có đồng bào theo đạo Công giáo để tuyên truyền, vận động quần chúng. Công tác tuyên truyền của đội đã góp phần quan trọng vào việc củng cố khối đoàn kết trong Nhân dân, nhất là giữa đồng bào lương - giáo. Đội đã nhận được sự tin cậy và tình cảm tốt đẹp của đồng bào.

Công tác tuyên truyền của Đảng bộ Hà Tĩnh trong những ngày cuối năm 1945 và đầu năm 1946 chủ yếu tập trung vào các nhiệm vụ cứu đói, đẩy mạnh sản xuất, ổn định đời sống Nhân dân; xóa nạn mù chữ, xây dựng đời sống mới. Đảng bộ đã phát động được trong toàn dân phong trào “nhường cơm, sẻ áo”, quyên góp gạo giúp người nghèo, đẩy mạnh tăng gia sản xuất, khai hoang phục hóa mở rộng diện tích canh tác, với các khẩu hiệu “Tấc đất, tấc vàng”; hưởng ứng phong trào “Tuần lễ vàng”, phong trào xây dựng Quỹ Độc lập do Chính phủ phát động...

Ngày 19/12/1946, cùng với Nhân dân cả nước, Đảng bộ và Nhân dân Hà Tĩnh bước vào cuộc kháng chiến thần thánh chống thực dân Pháp xâm lược. Tháng 2/1947, Đại hội Đại biểu Đảng bộ Hà Tĩnh được tổ chức tại xã Thạch Lưu (Thạch Hà). Để tăng cường hơn nữa công tác tư tưởng - văn hóa trong tình hình mới, theo quyết nghị của Đại hội, Ban Tuyên huấn Tỉnh ủy được thành lập. Hệ thống tuyên huấn của Đảng được củng cố, kiện toàn từ tỉnh xuống tận các chi bộ.

Nhằm mục đích thống nhất về nội dung hoạt động của các cơ quan thông tin trong tình hình mới, Tỉnh ủy đã thành lập Ban Tuyên truyền kháng chiến. Trong những tháng đầu năm 1947, công tác thông tin, tuyên truyền của Đảng bộ tập trung phổ biến quán triệt về chủ trương, đường lối kháng chiến của Trung ương Đảng, về những âm mưu, thủ đoạn của địch, tuyên truyền về nội dung, kết quả Đại hội Đảng bộ tỉnh, nhất là những phương hướng nhiệm vụ do đại hội đề ra. Tỉnh ủy đã tập trung lãnh đạo công tác chính trị, tư tưởng, tổ chức các đợt học tập, kiểm điểm trong toàn Đảng bộ theo nội dung thư của Hồ Chủ Tịch gửi cho “Các đồng chí Trung Bộ” nhằm tẩy sạch các khuyết điểm, như địa phương chủ nghĩa, óc bè phái, tội hẹp hòi, ham chuộng hình thức, ích kỷ, kiêu ngạo v.v..; đồng thời giúp nhau phát huy những đức tính quý báu.

Hoạt động thông tin, tuyên truyền ngày càng diễn ra sôi nổi, sâu rộng. Toàn tỉnh lúc bấy giờ có 3 tờ báo địa phương (Gọi bạn, Liên Việt Hà Tĩnh và Thông tin). Ngoài ra, Tỉnh ủy quyết định ra hàng tháng một số báo đặc biệt “Hà Tĩnh thi đua”. Các báo đã tuyên truyền giải thích khá đậm chủ trương chính sách kháng chiến của Đảng, Chính phủ cho toàn dân, kêu gọi Nhân dân tham gia kháng chiến, xây dựng đời sống mới. Đến giữa năm 1948, theo chủ trương của Tỉnh ủy, các tờ báo được thống nhất thành tờ “Toàn dân” và “Thông tin”.

Giai đoạn 1948-1949, hoạt động tuyên truyền, vận động của Đảng bộ đã góp phần quan trọng tạo nên một phong trào thi đua thanh toán nạn mù chữ sôi nổi rộng khắp trong toàn tỉnh với những thành tích rất rực rỡ. Tháng 8/1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi thư khen Hà Tĩnh đã có thành tích trong phong trào thi đua thanh toán nạn mù chữ. Huyện Cẩm Xuyên trở thành huyện đầu tiên của Hà Tĩnh và của cả Liên khu IV thanh toán được nạn mù chữ, đã vinh dự nhận được thư khen của Chủ tịch Hồ Chí Minh (ngày 15/11/1948).

Tháng 4/1949, Đại hội Đảng bộ Hà Tĩnh được tổ chức tại làng Nga Khê (xã Thượng Lộc - Can Lộc). Đại hội chủ trương chỉnh đốn lại ban tuyên huấn các cấp, nhất là tuyên huấn chi bộ; thành lập và củng cố ban tuyên huấn của đoàn thể quần chúng. Sau Đại hội, Ban Tuyên huấn Tỉnh ủy được chia làm 2 ban là Ban Tuyên truyền cổ động và Ban Huấn học.

Cùng với việc đẩy mạnh hoạt động tham mưu cho cấp ủy trên lĩnh vực tư tưởng, bộ máy tuyên huấn của các cấp uỷ ngày càng được củng cố, tăng cường. Đội ngũ cán bộ tuyên huấn đã có sự trưởng thành vượt bậc theo đà đi lên của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Ban tuyên huấn các huyện ủy và hoạt động tuyên huấn ở các chi bộ, đảng bộ được chấn chỉnh và củng cố một bước. Từ đây, hoạt động công tác tư tưởng - văn hóa của Đảng bộ được tổ chức quy cũ, chặt chẽ và có nhiều khởi sắc hơn trước.

Đến tháng 6/1953, Tỉnh ủy Hà Tĩnh đã quyết định thống nhất hai bộ phận Tuyên huấn của Tỉnh ủy và Ty Tuyên truyền Văn nghệ thành một bộ phận gọi là Ban Tuyên huấn, đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Tỉnh ủy. Đây là, mốc đánh dấu sự trưởng thành của đội ngũ cán bộ làm công tác tư tưởng - văn hóa của Đảng bộ, khẳng định vị trí quan trọng của công tác tuyên huấn trong cách mạng và trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp.

Giai đoạn 1945-1954, Đảng bộ Hà Tĩnh đã tập trung cao độ sự lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ bảo vệ vững chắc địa phương, ra sức bồi dưỡng sức dân, đẩy mạnh sản xuất và sẵn sàng chi viện cao nhất sức người, sức của cho các chiến trường. Hoạt động công tác tư tưởng - văn hóa của Đảng bộ thời gian này có ý nghĩa quan trọng trong việc củng cố khối đại đoàn kết toàn dân, đoàn kết nhất trí trong nội bộ Đảng cả về chính trị và tinh thần, tạo niềm tin sâu sắc của Nhân dân đối với Đảng, Chính phủ và Bác Hồ, thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị của Đảng. Trong những năm kháng chiến chống Pháp, trên lĩnh vực hoạt động tư tưởng - văn hóa cũng như lĩnh vực khoa giáo đã có nhiều điển hình, mô hình tiêu biểu với những thành tích rất vẻ vang.

Đề cương tuyên truyền của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy

(Còn nữa)

Chủ đề 90 NĂM NGÀY TRUYỀN THỐNG NGÀNH TUYÊN GIÁO

Đọc thêm

Trách nhiệm và kỳ vọng từ những lá đơn xin nghỉ hưu trước tuổi ở Hà Tĩnh

Trách nhiệm và kỳ vọng từ những lá đơn xin nghỉ hưu trước tuổi ở Hà Tĩnh

Thực hiện chủ trương sáp nhập đơn vị hành chính, sắp xếp tinh gọn tổ chức bộ máy, từ hơn tháng nay, trên địa bàn Hà Tĩnh đã có hàng trăm cán bộ, công chức, viên chức, người lao động viết đơn xin nghỉ việc trước tuổi. Đó không đơn thuần là lời tạm biệt sau nhiều năm cống hiến mà còn thể hiện tinh thần trách nhiệm vì việc chung, là những kỳ vọng gửi đến thế hệ kế cận.
Đảng bộ Hà Tĩnh sau gần 35 năm tái lập tỉnh, thực hiện công cuộc đổi mới và hội nhập quốc tế

Đảng bộ Hà Tĩnh sau gần 35 năm tái lập tỉnh, thực hiện công cuộc đổi mới và hội nhập quốc tế

Sau gần 35 năm tái lập tỉnh, Hà Tĩnh tiếp tục cùng cả nước thực hiện toàn diện công cuộc đổi mới và hội nhập quốc tế. Những thành tựu đạt được của Đảng bộ, Nhân dân tỉnh nhà tiếp tục khẳng định tinh thần đoàn kết, thống nhất, phát huy ý chí, khát vọng, giá trị văn hóa cùng sức mạnh của con người Hà Tĩnh.
Quá trình phát triển của Đảng bộ tỉnh Hà Tĩnh

Quá trình phát triển của Đảng bộ tỉnh Hà Tĩnh

Cuối tháng 3/1930, tại bến đò Thượng Trụ (xã Thiên Lộc, Can Lộc) diễn ra hội nghị thành lập Đảng bộ lâm thời tỉnh Hà Tĩnh. Đảng bộ Hà Tĩnh ra đời đánh dấu bước ngoặt có ý nghĩa quyết định, mở ra bước phát triển mới với những thắng lợi to lớn của phong trào cách mạng tỉnh nhà.
Thiêng liêng lời tuyên thệ nơi đảo xa

Thiêng liêng lời tuyên thệ nơi đảo xa

Đối với mỗi cán bộ, chiến sỹ, không có gì ý nghĩa hơn khi được làm lễ kết nạp vào hàng ngũ của Đảng Cộng sản Việt Nam ở Trường Sa - nơi tiền tiêu thiêng liêng của Tổ quốc.
Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh

Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh

Đảng Cộng sản Việt Nam không ngừng tăng cường xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Đảng ta không ngừng đưa ra những quyết sách phù hợp, xây dựng đất nước ngày càng giàu mạnh.
[Tổng Bí thư các thời kỳ] Chủ tịch Hồ Chí Minh

[Tổng Bí thư các thời kỳ] Chủ tịch Hồ Chí Minh

Vai trò của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong việc tổ chức, sáng lập ra Đảng Cộng sản Việt Nam là vô cùng to lớn. Song, vấn đề có ý nghĩa đặc biệt quan trọng là Người đã xây dựng và rèn luyện Đảng ta thành một đảng kiên cường, giàu bản lĩnh và kinh nghiệm trong lãnh đạo cách mạng cũng như xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh.