Cụ thể hóa quan điểm mới liên quan quân sự, quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc

(Baohatinh.vn) - Hôm nay (14/11), Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Tĩnh tiếp tục thảo luận luận tổ về dự án Luật Quốc phòng (sửa đổi) và thí điểm về cơ chế, chính sách đặc thù phát triển kinh tế TP Hồ Chí Minh. Đại biểu Nguyễn Văn Sơn - Phó trưởng đoàn đã tham gia nhiều ý kiến xác đáng.

Luật Quốc phòng được Quốc hội khóa XI thông qua ngày 14/6/2005, có hiệu lực từ ngày 1/1/2006. Sau hơn 10 năm thực hiện đã đạt nhiều thành tựu quan trọng, góp phần giữ vững độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ và an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đấu tranh phòng, chống tội phạm, góp phần quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của đất nước.

Tuy nhiên, theo đại biểu, nhiều chủ trương, quan điểm mới của Đảng, quy định mới của Hiến pháp năm 2013 liên quan đến quân sự, quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc chưa được thể chế và cụ thể hóa; một số nội dung của Luật Quốc phòng năm 2005 chưa thống nhất, đồng bộ với hệ thống văn bản quy phạm pháp luật liên quan về quốc phòng; nhiều nội dung về hoạt động quốc phòng còn đang được điều chỉnh ở văn bản quy phạm pháp luật tính pháp lý không cao hoặc chưa được điều chỉnh hoặc điều chỉnh chưa đầy đủ; quá trình thực hiện đã bộc lộ nhiều bất cập, vướng mắc, chưa phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Vì vậy, sửa đổi Luật quốc phòng là cần thiết.

Đại biểu đề nghị dự thảo luật cần quy định cụ thể về thẩm quyền, trình tự, thủ tục cho các chủ thể được phép công bố: Tình trạng chiến tranh, tình trạng khẩn cấp về quốc phòng (gồm 6 điều, từ Điều 18 đến Điều 23). Quy định về các vấn đề như: Tuyên bố, công bố, bãi bỏ tình trạng chiến tranh, tình trạng khẩn cấp về quốc phòng; tổng động viên, động viên cục bộ; thiết quân luật và giới nghiêm... nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các cấp, ngành và cá nhân có thẩm quyền thực hiện các nội dung trên thuận lợi, đảm bảo đúng quy định pháp luật.

Đại biểu Nguyễn Văn Sơn phát biểu thảo luận

Thảo luận về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Hồ Chí Minh đại biểu đồng tình cao với chủ trương này với các lý do:

Thứ nhất, xuất phát từ yêu cầu thực tế phát triển của TP. Hồ Chí Minh. Thời gian qua, thành phố đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng về phát triển kinh tế - xã hội, đóng góp lớn cho sự phát triển kinh tế - xã hội và thu ngân sách nhà nước của cả nước, chia sẻ những khó khăn chung với Trung ương và các địa phương trên tinh thần thành phố vì cả nước. Tuy nhiên, vai trò đầu tàu trong phát triển kinh tế - xã hội của thành phố đang chậm lại. Thành phố đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức do sức ép quy mô dân số tăng nhanh, hạ tầng chậm cải thiện, tác động ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu ngày càng lớn, khả năng thu hút vốn đầu tư mới giảm... cản trở sự phát triển bền vững của thành phố.

Thứ hai, Bộ Chính trị đã có Nghị quyết số 16-NQ/TW ngày 10/8/2012 về phương hướng, nhiệm vụ phát triển TP. Hồ Chí Minh đến năm 2020 và Kết luận số 21-KL/TW ngày 24/10/2017 định hướng việc thực hiện thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù đối với TP. Hồ Chí Minh. Ủy ban thường vụ Quốc hội có văn bản đề nghị Chính phủ trình Quốc hội xem xét, quyết định Nghị quyết về cơ chế, chính sách để phát triển TP. Hồ Chí Minh.

Thứ ba, theo quy định tại khoản 2, Điều 15 của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật quy định: Quốc hội được phép ban hành Nghị quyết quy định thực hiện thí điểm một số chính sách mới thuộc thẩm quyền quyết định của Quốc hội nhưng chưa có luật điều chỉnh hoặc khác với quy định của các luật hiện hành.

Tuy nhiên, đại biểu băn khoăn trong dự thảo Nghị quyết chưa thể hiện rõ nét sự phân cấp cụ thể thẩm quyền cho TP. Hồ Chí Minh và có những quy định cần thiết để tháo gỡ, thông thoáng hơn, nhất là tháo gỡ sự ràng buộc trong quan hệ với Bộ, ngành cấp trên để thành phố tự quyết cho sự phát triển của mình.

Về phạm vi và đối tượng áp dụng (Điều 1, Điều 2), đại biểu đồng tình với quy định cho TP. Hồ Chí Minh được thí điểm áp dụng cơ chế, chính sách đặc thù về quản lý đất đai; quản lý đầu tư; quản lý tài chính - ngân sách; cơ chế ủy quyền giữa các cấp chính quyền và thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức thuộc thành phố quản lý nhằm tạo điều kiện, khuyến khích thu hút đầu tư và nhân tài cho sự phát triển của thành phố.

Về quản lý tài chính – ngân sách nhà nước (Điều 5), đại biểu cơ bản nhất trí với việc giao cho TP. Hồ Chí Minh được thực hiện thí điểm đối với Luật thuế tài sản; tăng thuế suất đối với các sắc thuế khác (trừ thu từ hoạt động xuất nhập khẩu); tăng mức phí, lệ phí; ban hành chính sách thu phí, lệ phí mới. Song, việc tăng thuế suất và phí, lệ phí cần có lộ trình và tuỳ từng địa bàn, ngành, nghề cụ thể để vừa có nguồn thu đáp ứng chi cho dịch vụ công và vẫn đảm bảo chính sách thu hút đầu tư của thành phố...

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Báo nói