Làm giàu trên đồi núi cằn cỗi
Nhập ngũ năm 1977, ông Nguyễn Đình Ninh khi ấy là lái xe vận tải thuộc Trung đoàn 654, Cục hậu cầu Quân khu 4. Cuối năm 1983, do hoàn cảnh gia đình cha mẹ già yếu, cần người chăm sóc, ông xin xuất ngũ trở về địa phương.
Ông Nguyễn Đình Ninh chăm sóc cam trong trang trại
Vùng đất Hương Minh khi ấy bao quanh chỉ có đồi núi. Với vài sào ruộng, chăn nuôi nhỏ lẻ, dù chăm chỉ lao động nhưng cũng không đủ trang trải cuộc sống gia đình ông Ninh. Trong suy nghĩ, ông luôn trăn trở làm sao có thể phát triển kinh tế, làm giàu chính đáng ngay trên mảnh đất mình sinh sống.
Năm 1995, khi Nhà nước có chủ trương giao đất, giao rừng, ông Nguyễn Đình Ninh mạnh dạn nhận 15ha và thầu hồ nước ngọt để xây dựng mô hình trang trại tổng hợp. Tuy nhiên, hướng đi này vấp phải sự phản đối của gia đình.
“Thời điểm ấy, phong trào cải tạo đất rừng làm trang trại rất ít. Mọi người trong nhà lo lắng tôi sẽ gặp khó khăn”, ông Ninh chia sẻ.
Ban đầu, với số vốn khiêm tốn, ông Nguyễn Đình Ninh trồng thử nghiệm 4ha bạch đàn, nhưng sau 5 năm chăm sóc, cây chậm lớn, giá thành thấp, cộng thêm việc bị trâu bò phá nên hiệu quả kinh tế gần như không có.
Quá quá trình tự tìm hiểu loại cây phù hợp với đất đồi, ông vay mượn thêm tiền từ người thân và quyết định trồng keo trên 15ha mình có. Sau 7 năm chăm sóc, đồi keo cũng cho thu hoạch khá. Trừ đi chi phí, trung bình mỗi ha keo ông thu về 20 triệu đồng.
Từ vùng đồi hoang sơ, cựu binh Nguyễn Đình Ninh đã "hô biến" thành trang trại tổng hợp, cho thu nhập cao
Năm 2013, có vốn trong tay, bên cạnh việc “trích” ra 2ha trồng 1.000 gốc cam chanh, ông Ninh còn đầu tư cả trăm triệu đồng xây dựng cơ sở chuồng trại nuôi 100 con heo siêu nạc. Trong khi cam cho thu hoạch khá thì đàn heo lại gặp dịch bệnh, thương lái ép giá, khiến ông thất thu 300 triệu đồng.
Dù có sẵn chuồng trại, nhưng nhận thấy việc nuôi heo bấp bênh, ông Ninh tạm dừng việc chăn nuôi, tập trung vào chăm sóc keo, cam và hồ cá.
Hiến 300m2 đất xây dựng đường nông thôn mới
Sau hơn 20 năm bắt tay vào làm trang trại tổng hợp, kinh tế gia đình ông Nguyễn Đình Ninh dần ổn định. Với 2 mùa thu hoạch, 1.000 gốc cam đã giúp cựu binh già thu về 250 triệu đồng. Ở mùa thứ 3, khi cây cam đạt tới “độ chín”, ông Ninh kì vọng sẽ thu về khoảng 9 tấn cam, thu lời 300 triệu. Nhiều ha keo cũng đang phát triển tốt, dự kiến sẽ cho thu hoạch khá.
Tháng 10 tới đây, 1.000 gốc cam trong trang trại của ông Ninh sẽ cho thu hoạch khoảng 9 tấn
Nhìn vườn cam xanh mướt, trĩu quả, ông Ninh bộc bạch: “Tới thời điểm này, tôi thấy lựa chọn hướng đi của mình là hoàn toàn đúng. Chứ nếu cứ cố bám trụ vào ít sào ruộng thì có lẽ sẽ không phát triển được”.
Chia sẻ kinh nghiệm thành công trong xây dựng trang trại, cựu chiến binh Nguyễn Đình Ninh nói rằng cũng không có gì quá to tát. Đầu tiên là phải có lòng quyết tâm, tiếp đó là tự mày mò, học hỏi kinh nghiệm từ những người đi trước và cuối cùng là áp dụng tốt khoa học kỹ thuật.
Không chỉ làm kinh tế giỏi, ông Nguyễn Đình Ninh còn sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm với mọi người, nhất là các cựu chiến binh, nếu như họ có ý định làm trang trại. Ông Ninh hiện là Giám đốc HTX cam và cây ăn quả xã Hương Minh với 11 thành viên. Mọi người trong HTX luôn động viên, giúp đỡ nhau cùng làm kinh tế.
Người cựu binh già cũng hiến 300m2 đất vườn làm đường giao thông trong phong trào xây dựng nông thôn mới
Tháng 3/ 2019, trong quá trình xây dựng NTM, xã Hương Minh làm mới một số tuyến đường, trong đó có tuyến đường rộng 5,5m chạy qua nhà ông Ninh. Gia đình cựu chiến binh này đã hiến 300m2 đất vườn cùng chung tay với mọi người.
“Ông Nguyễn Đình Ninh là một gương điển hình về tấm gương bộ đội Cụ Hồ cần cù, chịu khó, làm giàu trên chính mảnh đất quê hương, xứng đáng cho mọi người noi theo”, Chủ tịch Hội cựu chiến binh xã Hương Minh Lê Thanh Việt nhìn nhận.