Đã có thể chuyển tiền không cần tài khoản ngân hàng

Mobile money được coi là hình thức phổ biến thanh toán không dùng tiền mặt tới những vùng mà tỷ lệ người dân có tài khoản ngân hàng thấp.

Dịch vụ mobile money vừa được triển khai thí điểm tại Việt Nam. Đây được đánh giá là mảnh ghép quan trọng trong việc cung cấp thanh toán không dùng tiền mặt tới những khách hàng ở vùng sâu, vùng xa, nơi có sóng di động nhưng tỷ lệ người sở hữu tài khoản ngân hàng không cao.

Do gắn với tài khoản viễn thông, bảo mật là vấn đề được quan tâm khi triển khai mobile money. Từ góc độ quản lý nhà nước, đại diện của Ngân hàng Nhà nước, Bộ Thông tin và Truyền thông đều đánh giá việc đảm bảo bảo mật cần kết hợp giữa công nghệ, con người và quy trình.

Không cần Internet, tài khoản ngân hàng để gửi tiền, thanh toán dịch vụ

Mobile money là dịch vụ sử dụng thông tin thuê bao di động được định danh để mở tài khoán thanh toán. Về cơ bản, đây là hình thức chuyển đổi tiền mặt sang tiền điện tử với tỷ lệ 1:1. Tuy nhiên, điểm khác biệt là tài khoản mobile money gắn liền với thuê bao di động, không yêu cầu người dùng liên kết với tài khoản ngân hàng.

Đã có thể chuyển tiền không cần tài khoản ngân hàng

Với dịch vụ mobile money, người dùng có thể chuyển tiền hoặc thanh toán dịch vụ mà không cần tài khoản ngân hàng. Ảnh: Vinaphone.

Tài khoản mobile money tách biệt hoàn toàn với tài khoản viễn thông (dùng để gọi điện, nhắn tin). Nếu muốn đăng ký dịch vụ, người dùng cần sở hữu SIM được đăng ký chính chủ, thời gian sử dụng ít nhất 3 tháng, cùng với các quy định định danh theo yêu cầu của Ngân hàng Nhà nước.

Để nạp tiền vào tài khoản mobile money, ngoài cách thông dụng với ví điện tử là nạp qua tài khoản ngân hàng, người dùng có thể trực tiếp đến điểm giao dịch của nhà mạng để giao dịch. Do đó, những người ở vùng sâu vùng xa, khu vực chưa có nhiều chi nhánh ngân hàng vẫn có thể sử dụng dịch vụ mobile money.

Theo chia sẻ của VNPT, đơn vị này đã xây dựng hơn 1.000 điểm giao dịch VNPT, cùng khoảng 10.000 điểm giao dịch ủy quyền để có thể “phủ sóng” mobile money.

Sau khi đăng ký, chủ tài khoản có thể dùng mobile money để thanh toán tại các đơn vị chấp nhận hình thức giao dịch thông qua ứng dụng do nhà mạng cung cấp hoặc nhắn tin SMS.

Người dùng cũng có thể chuyển tiền sang tài khoản mobile money cùng nhà mạng, sang tài khoản ngân hàng hoặc ví điện tử của nhà mạng. Hạn mức giao dịch của mobile money không quá 10 triệu đồng/tháng.

Cần triển khai an toàn, thực chất trong giai đoạn thí điểm

Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Phạm Tiến Dũng cho biết để đến được giai đoạn thí điểm, các công ty cung cấp dịch vụ mobile money phải đáp ứng những điều kiện rất chặt chẽ, qua nhiều vòng thẩm định của Bộ Công an, Bộ TTTT, Ngân hàng Nhà nước.

Cụ thể, trong Quyết định 316/QĐ-TTg về triển khai thí điểm mobile money, văn bản quy định rõ các doanh nghiệp cần áp dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn tại điểm kinh doanh để nhận biết, xác thực khách hàng.

Quyết định cũng yêu cầu doanh nghiệp không đểchuyển giá trị thẻ thanh toán dịch vụ viễn thông sang tài khoản mobile money, không để xảy ra tình trạng mở tràn lan tài khoản mobile money.

Đã có thể chuyển tiền không cần tài khoản ngân hàng

Đại diện Ngân hàng Nhà nước cho biết để được thí điểm mobile money, các doanh nghiệp viễn thông phải trải qua quá trình thẩm định rất khắt khe. Ảnh: Minh Quyết.

Theo đại diện của VNPT, việc định danh khách hàng sử dụng mobile money áp dụng các công nghệ như eKYC (định danh điện tử), xác thực sinh trắc, chữ ký số, hợp đồng điện tử... để đảm bảo an toàn.

Chia sẻ với Zing, ông Trần Duy Hải, Phó cục trưởng Cục Viễn thông, Bộ TTTT cho biết ngoài công nghệ, doanh nghiệp cũng phải đảm bảo về mặt quy trình, con người.

“Việc định danh và xác thực khách hàng sẽ dùng nhiều công nghệ. Tất nhiên doanh nghiệp viễn thông trong quá trình triển khai dịch vụ sẽ phải tổ chức giám sát rất chặt chẽ. Ngoài công nghệ, cán bộ, nhân viên cũng cần được đào tạo, khách hàng sử dụng dịch vụ cũng cần nắm vững quy trình để đảm bảo sử dụng an toàn. Cục Viễn thông đã đề nghị các doanh nghiệp đào tạo nhân viên trực tiếp triển khai dịch vụ này phải rất thành thạo, có đạo đức nghề nghiệp. Điểm giao dịch cũng phải đáp ứng các tiêu chí trong đề án để đảm bảo an toàn trong dịch vụ tài chính”, ông Hải cho biết.

Đại diện Cục Viễn thông cũng chia sẻ quan điểm của cơ quan quản lý nhà nước là việc thí điểm mobile money phải thực sự phục vụ được khách hàng mục tiêu, không tập trung vào khuyến mãi để có thêm khách hàng mới.

“Cục Viễn thông, là cơ quan quản lý nhà nước với các doanh nghiệp viễn thông, không khuyến khích việc chạy theo khuyến mãi để phát triển khách hàng, mà hướng tới dịch vụ thực chất, một mảnh ghép trong hệ sinh thái các dịch vụ viễn thông”, ông Trần Duy Hải cho biết.

Đã có thể chuyển tiền không cần tài khoản ngân hàng

Trong thời gian tới, cả 3 doanh nghiệp viễn thông lớn tại Việt Nam sẽ được cấp phép triển khai thí điểm dịch vụ mobile money. Ảnh: Ngô Minh.

Ngày 19/11, Ngân hàng Nhà nước cấp phép thí điểm dịch vụ tiền di động (mobile money) cho 2 nhà mạng là VNPT và MobiFone. Dự kiến, Viettel cũng sẽ được cấp phép trong tháng 12.

Theo quyết định số 1813/QĐ-TTg về phê duyệt đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2021-2025, mobile money được đánh giá là giải pháp giúp tận dụng hạ tầng, dữ liệu, mạng lưới viễn thông để mở rộng thanh toán không dùng tiền mặt tới các vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo.

Theo Hiệp hội Thông tin Di động Thế giới (GSMA), tính đến cuối năm 2020, mobile money đã có 310 loại hình giao dịch và được phổ biến tại 96 quốc gia. Số tài khoản đăng ký mobile money đến cuối năm 2020 là 1,21 tỷ, tăng 12,7% so với năm 2019 với hơn 300 triệu tài khoản hoạt động mỗi tháng. Lần đầu tiên, giá trị các giao dịch thông qua mobile money cán mốc 2 tỷ USD/ngày.

Châu Á - Thái Bình Dương và châu Phi cận Sahara là những khu vực có lượng người đăng ký mobile money nhiều nhất thế giới. Lý do đến từ việc nhiều người tại các khu vực này chưa được tiếp cận với hệ thống thanh toán và tín dụng chính thức.

Theo zing.vn

Đọc thêm

"Người ảo" - xu hướng mới sau AI?

"Người ảo" - xu hướng mới sau AI?

DJ Dex là một nữ DJ đặc biệt, tuy cô tham gia biểu diễn tại rất nhiều show âm nhạc vòng quanh thế giới, diện nhiều bộ trang phục mới và chia sẻ về sở thích của mình trên các nền tảng mạng xã hội nhưng cô không có thật.
Việt Nam sắp phóng vệ tinh radar đầu tiên

Việt Nam sắp phóng vệ tinh radar đầu tiên

LOTUSat-1, vệ tinh radar đầu tiên của Việt Nam đã hoàn thành công tác thiết kế, chế tạo, dự kiến có thể phóng lên vũ trụ vào cuối năm nay hoặc đầu năm sau.
Trải nghiệm nhẫn thông minh Galaxy Ring

Trải nghiệm nhẫn thông minh Galaxy Ring

Galaxy Ring của Samsung được đánh giá có phần cứng hoàn thiện nhưng tính năng hạn chế, cần mở rộng hệ sinh thái để thành sản phẩm tiên phong.
Làm thế nào để hạn chế rủi ro khi sử dụng Wi-Fi công cộng?

Làm thế nào để hạn chế rủi ro khi sử dụng Wi-Fi công cộng?

Với nhu cầu kết nối mạng mọi lúc mọi nơi, người dùng công nghệ có thói quen sử dụng Wi-Fi công cộng tại quán cà phê, sân bay hoặc xuyên suốt kỳ nghỉ lễ và chuyến đi công tác. Tuy nhiên, đi cùng với tiện ích thường có những rủi ro, vì đôi lúc, những kẻ lừa đảo sẽ tạo mạng Wi-Fi giả hoặc xâm phạm các mạng lưới hiện có.
Tin vui với người dùng iPhone sợ 'chai pin'

Tin vui với người dùng iPhone sợ 'chai pin'

Viên pin của iPhone 16 Pro Max sẽ được tăng mật độ năng lượng để không chỉ tăng hiệu suất cho mỗi lần sạc mà còn giúp người dùng và thợ thay thế dễ dàng hơn.