Được mệnh danh là "vùng đất tuyết", Niigata có một thung lũng nằm cạnh bờ biển của Biển Nhật Bản, cách thủ đô Tokyo hơn 300 km. Vùng này du khách thường không thể tới được vào mùa đông do các trận bão tuyết lớn. Tuy nhiên dân địa phương đã thích nghi với điều kiện khắc nghiệt này, thậm chí họ xây lối đi vào tầng hai của nhà mình để di chuyển khi tuyết quá dày.
Các loại rau củ và hoa quả ở đây như táo Fuji, cà rốt, củ cải trắng đều được cho vào túi và bỏ sọt, vùi dưới các gò tuyết, hoặc đặt trong một nhà kho chất đầy tuyết. Phương pháp bảo quản bằng tuyết độc đáo này giúp thực phẩm được lưu giữ qua nhiều tháng. Một số nông dân còn để tuyết rơi phủ lên rau củ của họ ngay trên đồng mà không thu hoạch trước.
Các loại thực phẩm đặt trong tuyết sẽ giòn hơn và có vị ngọt hơn đồ lưu trữ trong tủ lạnh "xịn". Rau củ bảo quản bằng tuyết thường được người dân luộc, nấu súp, hầm hoặc ăn kèm với thịt lợn rừng.
Kuniaki Tojo là thế hệ thứ 3 của Kanzuri, công ty gia đình có truyền thống sản xuất ra một loại ớt đỏ làm tương. Tương ớt Kanzuri là một trong những sản phẩm bảo quản bằng tuyết nổi tiếng nhất Nhật Bản.
Nguyên liệu chính để làm tương ớt Kazuri là loại ớt đỏ Togarashi. Quá trình bảo quản ớt có phần khác biệt hơn so với các loại thực phẩm thông thường. Ban đầu người dân ướp muối cho ớt trước khi đem ra phơi trên tuyết 3-4 ngày. Thời gian này đủ để giảm độ cay nóng trong những quả ớt.
Những người nông dân đánh dấu khu vực bảo quản ớt bằng các ngọn tre nhỏ. Kể cả khi tuyết rơi dày phủ lên toàn bộ khu vực thì người dân vẫn nhận ra dễ dàng chỗ họ để ớt.
Sau công đoạn yukisarashi, ớt được trộn với hỗn hợp koji (men gạo thường dùng để làm rượu sake) và vỏ quả yuzu, một loại trái cây họ cam. Hỗn hợp được bảo quản và cho lên men trong 3 năm.
Tương ớt dùng để tăng hương vị cho các loại súp như ramen, shabu shabu, làm món xiên nướng như yakitori từ thịt gà hoặc các loại thịt khác. Món này còn có thể ăn kèm với sashimi.