Nhiều sản vật nông nghiệp chưa được xây dựng thành những sản phẩm du lịch.
Kẹo cu đơ, nhung hươu Hương Sơn, cam bù Hương Sơn, cam Khe Mây, bưởi Phúc Trạch, bánh gai Đức Thọ, nhút mít, hành tăm, mực khô, cá khô, nước mắm... là các sản phẩm được nhiều người ưa thích. Tuy nhiên, các đặc sản này vẫn chưa được xây dựng thành sản phẩm tham gia vào “cỗ máy” của ngành du lịch. Tại các khu, điểm du lịch, chỉ có lác đác vài ba sản phẩm được bày bán nhưng chưa được quan tâm giới thiệu quảng bá để phục vụ nhu cầu khách du lịch.
Ông Nguyễn Xuân Lợi - Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Công ty TNHH DV&TMTH Quý Gia (Hương Sơn) cho rằng: “Hiện nay, tại Khu du lịch sinh thái Hải Thượng, chúng tôi đã tổ chức gian phòng trưng bày bán sản phẩm chế biến từ đặc sản nhung hươu. Ngoài ra, chúng tôi còn liên kết với một số hộ nông dân để thu mua và bày bán một số sản vật của địa phương như mật ong, cam bù… theo mùa vụ. Những sản phẩm này đều được du khách ưa chuộng. Tuy nhiên, các địa phương hầu như chưa quan tâm tới công tác quảng bá, giới thiệu sản phẩm tại các khu du lịch”.
Du khách quốc tế rất thích thú khi được trải nghiệm các món ăn sản vật nông nghiệp bản địa
Có thể thấy, hầu hết các đặc sản của Hà Tĩnh đang được tiêu thụ tự phát. Nông dân sản xuất và thương lái đến thu mua rồi tiêu thụ theo hệ thống của mình. Riêng các sản phẩm như cu đơ, nước mắm, mực khô thì hầu như đứng yên một chỗ chờ khách tìm đến mua hàng. Chính vì vậy, du khách rất khó để tìm mua đặc sản khi đến tham quan các khu, điểm du lịch ở Hà Tĩnh. Hơn nữa, người sản xuất cũng chưa coi trọng việc nâng tầm sản phẩm thành các sản phẩm du lịch.
Ông Nguyễn Tiến Trình - Giám đốc Công ty CP Lữ hành Thành Sen cho biết: “Không nhất thiết phải đem các sản phẩm đến các khu du lịch, Hà Tĩnh hoàn toàn có thể phát triển du lịch nông nghiệp. Hà Tĩnh có rất nhiều vườn cam, bưởi, nhiều nông trại tổng hợp có phong cảnh hữu tình nhưng nông dân mới chỉ sản xuất đơn thuần mà chưa nghĩ đến việc khai thác giá trị du lịch trong những đồi cam, vườn bưởi của mình. Nếu người nông dân được định hướng, kết hợp với việc xây dựng thêm một số loại hình dịch vụ thì vẫn có thể liên kết, hình thành các tour, tuyến và khai thác du lịch trải nghiệm. Thông qua đó, sản phẩm sẽ được quảng bá rộng hơn trên thị trường ngoại tỉnh và tăng thu nhập cho người nông dân”.
Cam Thượng Lộc đang được xây dựng thương hiệu đặc sản bản địa phục vụ khách du lịch.
Hiện nay, Hà Tĩnh đang triển khai chương trình OCOP, việc đăng ký tham gia chương trình này cũng sẽ tạo thêm cơ hội để nông sản và các sản phẩm từ nông sản Hà Tĩnh trở thành sản phẩm du lịch. Tiến sĩ Nguyễn Anh Tuấn - Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển du lịch từng phát biểu: “Hà Tĩnh cần quy hoạch, gắn với chính sách hỗ trợ các vùng sản xuất sản phẩm nông nghiệp, các làng nghề truyền thống phục vụ du lịch theo tiêu chuẩn công nghệ sạch, đảm bảo chất lượng để khẳng định được vị trí trên thị trường tiêu dùng và hướng vào phục vụ khách du lịch một cách hiệu quả”.
Biển Hà Tĩnh có nhiều loại hải sản quý hiếm, tươi ngon.
Ngoài những sản phẩm nông nghiệp, Hà Tĩnh còn sở hữu vùng biển dài 137 km. Gắn với những bãi biển đẹp là vùng biển ngang với các loại hải sản có vị ngon đặc biệt. Tuy nhiên, tại các khu du lịch biển, người ta cũng chưa tìm thấy những gian hàng trưng bày các sản phẩm chế biến truyền thống của địa phương như nước mắm, các loại mắm ruốc, cá khô, mực khô... Nhiều khách du lịch muốn mua đặc sản biển Hà Tĩnh về làm quà phải mất rất nhiều thời gian và công sức. Điều đó khiến những đặc sản của Hà Tĩnh ít được biết đến.
Nước mắm Phú Khương đã được dán nhãn OCOP
Tình trạng “vắng bóng” các đặc sản Hà Tĩnh ở các khu, điểm du lịch đã được đề cập trong rất nhiều câu chuyện về phát triển du lịch Hà Tĩnh. Tuy nhiên, đến nay, các kế hoạch khai thác, đưa đặc sản vào phát triển du lịch vẫn chỉ là câu chuyện nằm trên giấy. Và du khách khi đến Hà Tĩnh nếu muốn mua đặc sản, hầu hết đều phải tự tìm lấy mà không hề được giới thiệu, quảng bá.