Phó trưởng đoàn phụ trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Tĩnh - Nguyễn Văn Sơn chủ trì buổi thảo luận với các đoàn Hà Giang, Hải Dương, Hậu Giang.
Trước hết, đối với Luật đầu tư (sửa đổi), về ngành nghề cấm đầu tư kinh doanh (Điều 6) trong Luật Đầu tư, trong đó kinh doanh dịch vụ đòi nợ là ngành cấm, đại biểu Bùi Thị Quỳnh Thơ bày tỏ quan điểm không nên. Bởi, đòi nợ là một hoạt động cung ứng dịch vụ, đáp ứng yêu cầu của cuộc sống và nhu cầu khách hàng.
Tuy nhiên, thời gian vừa qua, nhiều hoạt động dịch vụ đòi nợ thuê không lành mạnh, có yếu tố tội phạm, đòi hỏi phải có sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền địa phương, lực lượng công an chứ không phải quản lý không được thì lại cấm.
Đại biểu Quốc hội Hà Tĩnh - Bùi Thị Quỳnh Thơ tham gia ý kiến
Theo đại biểu, cần có quy định cụ thể đối với các đối tượng kinh doanh dịch vụ đòi nợ không lành mạnh, kiểm soát chặt chẽ cũng như có chế tài hình sự nghiêm hơn đối với các đối tượng trên.
Đồng thời đối với ưu đãi đầu tư và hỗ trợ đầu tư quy định tại chương 3 dự thảo Luật Đầu tư, các chính sách ưu đãi đã phát huy tính hiệu quả, giảm chi phí ban đầu cho doanh nghiệp khi mới thành lập, khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư ở các vùng khó khăn hoặc các lĩnh vực được khuyến khích.
Tuy nhiên, có một số doanh nghiệp được hưởng ưu đãi, khi hết thời hạn hưởng ưu đãi, doanh nghiệp chuyển sang dự án, nghành nghề kinh doanh khác; một số doanh nghiệp không thực hiện các cam kết liên quan đến các quy định trong ưu đãi đầu tư.
Đại biểu đề nghị đối với ưu đãi đầu tư nên quy định thời hạn cam kết tối thiểu đối với các lĩnh vực kinh doanh.
Tại khoản 1, Điều 20 dự thảo Luật Đầu tư đã bổ sung hình thức hỗ trợ từ ngân sách nhà nước, đại biểu đề nghị cần quy định cụ thể, rõ ràng trong luật về việc hỗ trợ vốn từ ngân sách nhà nước đối với lĩnh vực hay hoạt động nào đảm bảo tính minh bạch trong sử dụng nguồn vốn NSNN.
Thứ hai, về Luật Doanh nghiệp (sửa đổi), đại biểu nêu hộ kinh doanh là khái niệm và phạm trù mới đưa vào trong dự thảo Luật.
Theo đại biểu, cần cân nhắc lại việc có nên đưa hộ kinh doanh vào dự thảo luật hay không.
Lập luận về vấn đề này đại biểu Bùi Thị Quỳnh Thơ phân tích, hộ kinh doanh trên đất nước ta có mặt khắp nơi ở các địa phương trong cả nước; quy mô và vốn của hộ kinh doanh nhỏ; từ trước đến nay không đưa hộ kinh doanh vào luật nhưng vẫn vẫn tồn tại và hoạt động bình thường, cơ chế hoạt động hết sức đơn giản, mục đích cuối cùng đối với hoạt động của hộ kinh doanh là thu thuế cho NSNN. Vì vậy, theo đại biểu, nên hoàn thiện nghị định hướng dẫn về hộ kinh doanh hợp lý hơn là đưa vào luật, bởi hộ kinh doanh không phải là doanh nghiệp.
Đối với doanh nghiệp nhà nước, khái niệm này thay đổi liên tục. Đại biểu nêu dẫn chứng Luật Doanh nghiệp Nhà nước 2003 mới được xây dựng, ngay lập tức năm 2004, Luật Doanh nghiệp được sửa đổi quy định thay thế luôn luật doanh nghiệp nhà nước 2003.
Điều đáng nói, Luật này không thể hiện hoạt động cụ thể của loại hình doanh nghiệp nhà nước như các loại hình doanh nghiệp khác mà được hiểu cấu thành như tổ chức các doanh nghiệp khác (công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần), đến 10 năm sau, luật doanh nghiệp được sửa đổi tiếp lại bổ sung thêm 1 chương về hoạt động của doanh nghiệp nhà nước. Điều này thể hiện sự không nhất quán và khoa học khi xây dựng một văn bản luật.
Bên cạnh đó, khái niệm về doanh nghiệp nhà nước cũng thay đổi liên tục trong từng giai đoạn.
Ngoài ra, tại Khoản 4, Điều 22, đại biểu cho rằng nên gộp điểm a và điểm d Khoản 4 như sau: “Thẻ căn cước công dân, Giấy chứng minh nhân dân, Hộ chiếu hoặc chứng thực cá nhân hợp pháp khác của các thành viên là cá nhân và người đại diện theo pháp luật” để không trùng lặp về mặt câu chữ.
Kết thúc phiên thảo luận, Phó trưởng đoàn phụ trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Tĩnh - Nguyễn Văn Sơn đề nghị Ban soạn thảo cần tiếp tục, rà soát, sửa đổi hoàn thiện dự thảo luật.
Đối với Luật Doanh nghiệp, cần tổng kết và đúc rút lại một cách thống nhất về cách tiếp cận về hình thức doanh nghiệp nhà nước.
Với hộ kinh doanh, theo đại biểu, cần định danh các hình thức kinh tế, đưa hình thức nào Luật trên cơ sở nghiên cứu chặt chẽ, phù hợp với tình hình thực tiễn. Tạo cơ sở pháp lý, khuyến khích, tạo điều kiện cho các hộ kinh doanh trở thành các doanh nghiệp nhỏ.
Đại biểu đề nghị các Đoàn ĐBQH cần nghiên cứu sâu hơn nữa, đưa ra ý kiến thảo luận tại hội trường tháo gỡ những vướng mắc, bất cập để hoàn thiện các dự thảo luật.