Sáng nay (21/10), các đại biểu Quốc hội tại Hà Tĩnh tiếp tục thảo luận tổ về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH năm 2021, dự kiến năm 2022; công tác phòng, chống dịch COVID-19; tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 2021, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2022 và Kế hoạch tài chính - ngân sách nhà nước 3 năm 2022 - 2024. Bí thư Tỉnh ủy - Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Hoàng Trung Dũng và Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Trần Đình Gia điều hành phiên thảo luận. Các vị đại biểu Quốc hội bầu tại địa phương, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Phạm Thị Thu Hà và đại diện các sở, ngành liên quan cùng dự. |
Bí thư Tỉnh ủy - Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Hoàng Trung Dũng và Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Trần Đình Gia điều hành tại điểm cầu Hà Tĩnh.
Trong phiên thảo luận tổ, đại biểu Hà Tĩnh cho rằng, trong bối cảnh còn nhiều thách thức do dịch COVID-19 nhưng các chỉ số phát triển KT-XH Hà Tĩnh vẫn có những điểm sáng.
Tuy vậy, trước những khó khăn phải đối mặt trong thời gian tới đặt ra yêu cầu Quốc hội và Chính phủ cần xem xét, ban hành các chính sách, kế hoạch phát triển KT-XH gắn với phòng chống dịch trong tình hình mới.
Các vị ĐBQH của đoàn Hà Tĩnh tham dự phiên thảo luận tổ.
Từ cơ sở đó, đại biểu đề nghị Quốc hội và Chính phủ quan tâm thêm một số giải pháp cụ thể: Hoàn thiện hệ thống pháp luật, chính sách, thể chế liên quan đến quản lý, sử dụng đất, thị trường khoa học, công nghệ; hoàn thiện Chính phủ điện tử, xây dựng Nhà nước liêm chính, kiến tạo; tăng cường kỷ cương, kỷ luật và hiệu lực thực thi pháp luật.
Nâng cao chất lượng xây dựng, quản lý và triển khai chiến lược, quy hoạch, kế hoạch. Xây dựng lộ trình cụ thể trong việc sáp nhập, chia tách địa giới hành chính và tổ chức bộ máy nhà nước.
Đại biểu tham gia phiên thảo luận.
Hoàn thành quá trình tái cơ cấu kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng. Phối hợp tốt 3 chương trình mục tiêu quốc gia đã ban hành để phát huy tối đa hiệu quả các nguồn lực. Tập trung ưu tiên các dự án trọng điểm, thiết yếu; hoàn thiện xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, từng bước hiện đại.
Ông Hà Thọ Bình - Đoàn Đại biểu Quốc hội Hà Tĩnh nêu các thành tựu nổi bật trong công tác phòng, chống dịch COVID-19 của Hà Tĩnh; từ đó, góp phần phát triển KT-XH, đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.
Đại biểu đề nghị Quốc hội, Chính phủ đặc biệt quan tâm xây dựng, triển khai kế hoạch phòng ngừa, thích ứng với biến đổi khí hậu; chương trình tổng thể phòng, chống thiên tai, đầu tư hệ thống cảnh báo, hạ tầng tiêu thoát lũ, hoàn thiện hệ thống đê kè xung yếu, an toàn hồ đập, tái định cư khu vực có nguy cơ xói lở, đầu tư phương tiện, trang thiết bị cứu hộ cứu nạn… Tập trung nâng cao năng lực ứng phó tình huống khẩn cấp, nhất là cấp cơ sở.
Thời gian qua, Hà Tĩnh là địa bàn chịu nhiều thiệt hại do mưa lũ. Tỉnh đã huy động nhiều nguồn lực gấp rút triển khai xây dựng 32 nhà văn hóa cộng đồng, 2.053 nhà ở kiên cố kết hợp tránh bão, lũ.
Đại biểu Quốc hội Phan Thị Nguyệt Thu đề nghị các địa phương tiếp tục theo dõi sát tình hình, đặc biệt là diễn biến dịch COVID-19 để có giải pháp linh hoạt, thích ứng với dịch bệnh và mở cửa nền kinh tế một cách an toàn, hiệu quả.
Các địa phương cần căn cứ vào quy định chung của Trung ương, chủ động ban hành theo thẩm quyền các quy định về phòng, chống dịch. Theo dõi sát tình hình, đặc biệt là diễn biến dịch COVID-19 để có giải pháp linh hoạt, thích ứng với dịch bệnh và mở cửa nền kinh tế một cách an toàn, hiệu quả.
Điều hành đồng bộ chính sách tài khóa và tiền tệ để duy trì ổn định kinh tế vĩ mô; xem xét nới trần nợ công quốc gia để tăng quy mô các gói hỗ trợ kích thích kinh tế, bổ sung tăng vốn đầu tư công các năm đầu kỳ trung hạn giai đoạn 2021-2025. Ban hành các chính sách phục hồi đầu tư trong nước, thu hút đầu tư nước ngoài.
Quan tâm đến các đối tượng yếu thế bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, nhất là người nghèo, người lao động thời vụ, trẻ mồ côi do đại dịch....
Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Trần Đình Gia đề nghị: Quốc hội và Chính phủ tập trung thể chế hóa các chủ trương mà Đại hội Đảng lần thứ XIII ban hành; xây dựng hoàn thiện hệ thống pháp luật, chính sách, thể chế liên quan đến quản lý, sử dụng đất, thị trường khoa học, công nghệ; tạo môi trường kinh doanh tốt nhất; thúc đẩy đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, kinh tế số...
Trao đổi tại phiên thảo luận, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Hoàng Trung Dũng đánh giá, năm 2021, dù phải thực hiện các nhiệm vụ KT-XH trong bối cảnh gặp nhiều khó khăn, thách thức do ảnh hưởng của dịch COVID-19, nhưng với sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị, sự đồng thuận của Nhân dân, Hà Tĩnh đã từng bước triển khai các giải pháp phòng, chống dịch hiệu quả; đảm bảo an toàn về sức khỏe cho người dân; duy trì ổn định hoạt động của các cơ quan, doanh nghiệp...
Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Hoàng Trung Dũng trao đổi tại phiên thảo luận.
Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh đề nghị Quốc hội cần tiếp tục phân cấp, phân quyền nhằm tăng tính chủ động, sáng tạo và chịu trách nhiệm của địa phương; tạo điều kiện cho cán bộ, công chức và người dân được nói lên nguyện vọng của mình; quan tâm những đối tượng yếu thế trong xã hội...
Chính phủ và Bộ Y tế cần đánh giá toàn diện, ghi nhận cách làm linh hoạt, hiệu quả của các tỉnh, thành có vị trí địa lý dễ bùng phát dịch COVID-19 nhưng đã kịp thời khống chế, chủ động mua sắm trang thiết bị, đề ra các giải pháp để các địa phương, cơ sở y tế triển khai phòng chống dịch hiệu quả…
Đề nghị Quốc hội kịp thời điều chỉnh Nghị định 64/2008/NĐ-CP về vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ khắc phục khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, sự cố để khuyến khích các tổ chức, cá nhân thực hiện tốt công tác thiện nguyện, đưa ra các nguyên tắc chung cho công tác phòng chống dịch, trên cơ sở đó, các địa phương, đơn vị căn cứ tình hình thực tiễn để đưa ra các hình thức chống dịch phù hợp, sát với mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội.