"Đại Việt sử ký toàn thư" bị ăn cắp bản quyền!

Trọn bộ Đại Việt sử ký toàn thư (Nxb Thời đại & Công ty TNHH văn hóa Minh Tân - Nhà sách Minh Thắng) đã: Không đề xuất bản dựa theo bản khắc in năm nào; không có tên dịch giả; không có tên người hiệu đính…

Trong khi thực hiện loạt bài về những vi phạm trắng trợn Luật Xuất bản hiện hành, PV Thể thao & Văn hóa (TTXVN) tiếp tục phát hiện trọn bộ Đại Việt sử ký toàn thư (Nxb Thời đại & Công ty TNHH văn hóa Minh Tân - Nhà sách Minh Thắng) đã: Không đề xuất bản dựa theo bản khắc in năm nào; không có tên dịch giả; không có tên người hiệu đính…

PGS Ngô Đức Thọ đang đối chiếu lại các bản in

Sau khi xem nội dung sách, chúng tôi thấy rằng, đây là bản in được dịch theo bản in Nội các quan bản, là mộc bản được in từ ván khắc năm Chính Hòa thứ 18 (1697). Công trình này thuộc Ủy ban KHXH Việt Nam (nay là Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam) do GS.VS Nguyễn Khánh Toàn làm Chủ tịch, GS Phan Huy Lê và ông Phạm Hựu - Giám đốc kiêm Tổng biên tập Nxb KHXH làm Ủy viên (khi ông Phạm Hựu nghỉ hưu, ông Nguyễn Đức Diệu được cử thay).

Lỗi nhiều không đêm xuể

Tập 1 Đại Việt sử ký toàn thư được in năm 1983, do PGS Ngô Đức Thọ dịch và chú giải, GS Hà Văn Tấn hiệu đính. Tập 2 được in năm 1985, do PGS Hoàng Văn Lâu dịch và chú giải, GS Hà Văn Tấn hiệu đính. Tập 3 được in năm 1992, do PGS Hoàng Văn Lâu dịch và chú giải, GS Hà Văn Tấn hiệu đính. Tập 4 in lại bản chụp nguyên văn chữ Hán bản in Nội các quan bản bộ Đại Việt sử ký toàn thư, xuất bản năm 1992. Lời giới thiệu của GS.VS Nguyễn Khánh Toàn. GS Phan Huy Lê viết bài Khảo cứu về Đại Việt sử ký toàn thư: tác giả - văn bản - tác phẩm.

Tiếc rằng, toàn bộ bài khảo cứu rất công phu này đã bị cắt bỏ không thương tiếc hòng giấu đi tên các dịch giả để trốn bản quyền. Kể ra, Nxb Thời đại và đơn vị liên kết xuất bản đã làm theo Luật Sở hữu trí tuệ và Luật Bản quyền hiện nay, nhưng họ làm việc mặc nửa cái quần và nửa cái áo! Nếu coi các tác giả Đại Việt sử ký toàn thư qua đời trên 300 năm thì cứ việc in nguyên bản sách chữ Hán của các cụ, không phải lo chuyện bản quyền, việc đó không ai lên án. Còn đã in sách dịch chữ Quốc ngữ Latinh thì đây là việc phải thực thi theo pháp luật hiện hành.

Chưa hết, vì là sách in vụng trộm nên đầy rẫy những lỗi sai, đặc biệt về tên các địa danh đến nay đã thay đổi rất nhiều nhưng sách này vẫn để y nguyên như vài chục năm trước. Mở trang Tiểu sử Ngô Sĩ Liên ở đầu sách (tr.7) đã thấy ngay lỗi: “Ngô Sĩ Liên người làng Chúc Lý, huyện Chương Mỹ, tỉnh Hà Đông (nay là Hà Tây)...”. Địa danh tỉnh Hà Tây đã vào dĩ vãng từ năm 2008, làm sao đến 2013 vẫn còn “nay là”.

Trong chú thích đánh số 2, trang 159 viết: Chùa Tiêu Sơn ở xã Tiên Sơn, huyện Yên Phong, tỉnh Hà Bắc. Địa danh tỉnh Hà Bắc đã được thay đổi từ 20 năm nay, không còn trên bản đồ hành chính. Hay trang 146 chú thích đánh số 3: Phù Đái nay là Phù Đơi, huyện Vĩnh Bảo tỉnh Hải Dương. Huyện Vĩnh Bảo từ lâu đã là đơn vị hành chính thuộc thành phố Hải Phòng.

Trước đó, trong chú thích đánh số 2 cũng sai về Cổ Pháp, huyện Tiên Sơn, là địa danh nay không còn nữa. Như vậy, chỉ tính riêng tên các địa danh (Yên Lãng, Kim Anh, Đa Phúc, Hưng Hóa, Vĩnh Phú; Tiên Sơn, Bắc Ninh, Hà Bắc; Hà Đông, Hà Tây; Hưng Nhân, Tiên Hưng, Thái Ninh, Thái Bình; Nam Hà...) nếu kể tỉ mỉ ra cũng phải lên đến vài trăm lỗi.

“Đại Việt sử ký toàn thư” - bản in của NXB Thời đại

Ăn cắp bản quyền trắng trợn

Bất bình trước việc làm này, PGS.TS Ngô Đức Thọ, người tham gia dịch và bổ sung, chỉnh lý những lần tái bản gần đây nhất đã đem các sách tái bản ra để đối chiếu. Cũng cần nói thêm một chút, do PGS Hoàng Văn Lâu mất, GS Hà Văn Tấn lâm bệnh hiểm nghèo nên nhóm tác giả trước đó đã có văn bản ủy quyền cho PGS.TS Ngô Đức Thọ đứng ra chỉnh lý tác phẩm trong những lần tái bản sau này.

Bản in công phu nhất đó là do Nxb Khoa học Xã hội và nhà sách Đông A liên kết xuất bản năm 2010, khổ lớn, có đầy đủ bản chữ Hán. Bản in năm 2012 của Nxb Khoa học Xã hội cũng đã được chính tay PGS.TS Ngô Đức Thọ chỉnh lý, sửa chữa những thay đổi mới về địa danh.

Với bản in của Nxb Thời đại, ông nói: “Tôi chưa bao giờ làm việc hay liên hệ gì với Nxb Thời đại cũng như Công ty TNHH Minh Tân và nhà sách Minh Thắng”.

Đối chiếu bản in của Nxb Thời đại 2013 với bản in của Nxb Văn hóa Thông tin 2003, PGS.TS Ngô Đức Thọ khẳng định: “Tôi xem cách thức trình bày thì đây là họ in gộp từ 3 tập của Nxb Văn hóa Thông tin 2003 vào làm 1 tập. Nội dung 2 cuốn sách giống nhau. Trong cuốn in của Nxb Văn hóa Thông tin 2003, đó là sách in lậu, họ đã cắt xén bớt nhiều trang nội dung. Tôi rất buồn vì Nxb Thời đại, Công ty TNHH Minh Tân và nhà sách Minh Thắng vẫn sử dụng thủ đoạn cũ là ăn căp bản quyền của tác giả, in lại cuốn sách cũ, lạc hậu, khiến bạn đọc mua phải cuốn sách cắt xén nội dung và có nhiều sai sót như thế này”.

“Đây là hành động ăn cướp thành quả lao động của các nhà khoa học, “róc thịt” tác phẩm. Chúng tôi phản đối hành động này. Họ không có thẩm quyền cắt xén các nội dung trong sách như Lời giới thiệu của GS.VS Nguyễn Khánh Toàn, bài Khảo cứu về Đại Việt sử ký toàn thư: tác giả - văn bản - tác phẩm của GS Phan Huy Lê” (Phát biểu của PGS.TS Ngô Đức Thọ).

Theo Thể thao & Văn hóa

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Báo nói