Đánh giá kỹ lưỡng việc chuyển mục đích sử dụng công trình quốc phòng, khu quân sự

(Baohatinh.vn) - Trung tướng Hà Thọ Bình - Tư lệnh Quân khu IV, Đại biểu Đoàn Hà Tĩnh đã tham gia thảo luận tại hội trường Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV về một số nội dung quản lý, bảo vệ đối với các công trình lưỡng dụng, chuyển mục đích sử dụng công trình quốc phòng và khu quân sự.

Sáng 23/6, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 5, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự. Trung tướng Hà Thọ Bình - Tư lệnh Quân khu IV, Đại biểu Đoàn Hà Tĩnh tham gia một số nội dung về quản lý, bảo vệ đối với các công trình lưỡng dụng, việc phân loại, phân nhóm, chuyển mục đích sử dụng công trình quốc phòng và khu quân sự.

Đánh giá kỹ lưỡng việc chuyển mục đích sử dụng công trình quốc phòng, khu quân sự

Toàn cảnh phiên thảo luận.

Công trình quân sự chuyển sang lưỡng dụng vẫn phải do quân đội quản lý

Tham gia thảo luận, Trung tướng Hà Thọ Bình bày tỏ sự đồng tình cao với các nội dung dự thảo Luật đã được nêu trong tờ trình của Chính phủ và báo cáo thẩm tra của Ủy ban Quốc phòng - An ninh.

Việc xây dựng luật lần này trên cơ sở nâng cấp từ Pháp lệnh Bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự năm 1994 và luật hóa các quy định tại các nghị định, thông tư đã được kiểm nghiệm trên thực tế.

Đánh giá kỹ lưỡng việc chuyển mục đích sử dụng công trình quốc phòng, khu quân sự

Trung tướng Hà Thọ Bình bày tỏ sự đồng tình cao với các nội dung dự thảo luật đã được nêu trong tờ trình của Chính phủ và báo cáo thẩm tra của Ủy ban Quốc phòng - An ninh.

Trung tướng khẳng định, việc quản lý, bảo vệ có hiệu quả công trình quốc phòng và khu quân sự góp phần xây dựng tiềm lực quốc phòng, củng cố thế trận quốc phòng toàn dân và xây dựng khu vực phòng thủ vững chắc, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Vì vậy, việc xây dựng luật có cơ sở chính trị, pháp lý và thực tiễn vững chắc.

Đại biểu đánh giá cao cơ quan soạn thảo - Bộ Quốc phòng đã khẩn trương, nghiêm túc, trách nhiệm trong việc nghiên cứu, tiếp thu, giải trình một số vấn đề các vị đại biểu Quốc hội có ý kiến tại phiên thảo luận tổ về dự án luật.

Đối với công trình lưỡng dụng, Trung tướng đánh giá thực tế việc kết hợp công trình quốc phòng với hoạt động dân dụng, gắn với quốc phòng an ninh với kinh tế - xã hội là nhu cầu tất yếu, khách quan; thời gian qua, đã có nhiều công trình quốc phòng được đưa vào sử dụng lưỡng dụng (chẳng hạn như sân bay quân sự). Tuy nhiên, thực tế chế độ quản lý, bảo vệ đối với các công trình lưỡng dụng này chưa được làm rõ và Điều 2, Điều 3 Dự thảo Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự cũng chưa quy định cụ thể.

Tư lệnh Quân khu IV nêu, Quy định tại khoản 5, Điều 3 “Công trình lưỡng dụng sử dụng cho mục đích dân sự được quản lý, sử dụng theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công; trường hợp sử dụng cho mục đích quân sự, quốc phòng thì được quản lý, bảo vệ theo quy định của Luật này” cần phải làm rõ bởi khi xác lập tài sản công thì phải có giấy tờ xác nhận chủ sở hữu của công trình, chế độ, trách nhiệm bảo vệ.

Từ đó, đại biểu đề nghị quy định rõ các công trình quân sự khi chuyển sang lưỡng dụng thì vẫn phải do quân đội, đơn vị quân đội quản lý, đứng tên trong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, bởi thực chất đây vẫn là công trình quân sự.

Quy định cụ thể nguyên tắc chung, phân loại, phân nhóm công trình quốc phòng và khu quân sự

Đại biểu Hà Thọ Bình cho rằng việc phân loại, phân nhóm công trình quốc phòng và khu quân sự như tại Điều 5 là cần thiết và quan trọng; mục đích của việc phân loại nhóm công trình quốc phòng và khu quân sự để làm cơ sở xác định phạm vi bảo vệ, yêu cầu, nội dung quản lý, biện pháp tổ chức quản lý, phù hợp với từng loại, nhóm công trình quốc phòng, khu quân sự. Mặt khác, việc phân loại, phân nhóm công trình quốc phòng và khu quân sự còn làm cơ sở để xây dựng chế độ, chính sách cho các đối tượng liên quan đến công tác quản lý.

Đại biểu tán thành với phương pháp phân loại như trong dự thảo luật. Việc phân loại, phân nhóm được kế thừa, phát triển, bổ sung các quy định tại Nghị định số 04/CP ngày 16/1/1995. Công trình quốc phòng và khu quân sự được phân loại theo chức năng nhiệm vụ, mục đích sử dụng, gồm 4 loại: Loại A phục vụ nhiệm vụ tác chiến phòng thủ bảo vệ Tổ quốc; loại B phục vụ nhiệm vụ huấn luyện, diễn tập của lực lượng quân đội và dân quân tự vệ; loại C phục vụ nghiên cứu, thử nghiệm, sản xuất, cất trữ, sửa chữa, tiêu hủy vũ khí, trang bị của quân đội và các sản phẩm quốc phòng; loại D phục vụ sinh hoạt, học tập, làm việc thường xuyên của quân đội. Phân nhóm công trình quốc phòng và khu quân sự theo tính chất quan trọng, yêu cầu quản lý, bảo vệ gồm: Nhóm đặc biệt, Nhóm I, Nhóm II và Nhóm III.

Việc giao Chính phủ quy định chi tiết danh mục loại, nhóm công trình quốc phòng và khu quân sự là phù hợp với tính đặc thù, đáp ứng yêu cầu bảo vệ bí mật nhà nước theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, về mặt kỹ thuật, đại biểu cho rằng quy định tại Điều 5 dự thảo luật quá dài, chưa đảm bảo tính mạch lạc. Từ đó, đại biểu đề nghị tách Điều 5 thành 2 điều (phân loại, phân nhóm) hoặc thành 3 điều (nguyên tắc chung, các loại, các nhóm), đảm bảo tính rõ ràng, cụ thể.

Đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ với sửa đổi Luật Đất đai

Qua thảo luận tổ, một số ý kiến đề nghị nên giao địa phương quyết định chuyển mục đích sau khi có ý kiến của Bộ Quốc phòng để giảm thủ tục hành chính, tạo điều kiện xử lý. Đại biểu cho rằng cần phải đánh giá vấn đề này một cách kỹ lưỡng bởi đây là việc chuyển mục đích sử dụng công trình quốc phòng và khu quân sự chứ không đơn giản chỉ là chuyển mục đích sử dụng đất. Do tính chất đặc thù của công trình quốc phòng, khu quân sự nên quy định về thẩm quyền quyết định chuyển đổi mục đích sử dụng công trình quốc phòng và khu quân sự sang mục đích khác tại dự thảo luật là phù hợp.

Đại biểu thống nhất việc quy định về thẩm quyền như trên để tạo thuận lợi cho các bộ, ngành địa phương triển khai các dự án phát triển kinh tế - xã hội có liên quan đến việc thu hồi đất quốc phòng đối với các trường hợp khu đất quốc phòng cần thu hồi chưa thuộc danh mục chuyển đổi mục đích sử dụng trong quy hoạch sử dụng đất quốc phòng và phương án sắp xếp lại, xử lý tài sản công đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, nhằm khắc phục một số bất cập hiện nay trong chuyển mục đích sử dụng và thu hồi đất quốc phòng, đáp ứng với yêu cầu của thực tiễn.

Theo đó, đại biểu đề nghị cần tiếp tục nghiên cứu, rà soát kỹ nội dung này, đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).

Quy định lộ trình, điều khoản chuyển tiếp bảo đảm tính khả thi

Thảo luận về xử lý công trình, vật kiến trúc, quản lý, sử dụng đất mặt nước trong phạm vi bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự (Điều 18), đại biểu đề nghị cần thiết kế bổ sung quy định lộ trình, điều khoản chuyển tiếp để bảo đảm tính khả thi dự thảo luật.

Về việc xác định nguồn kinh phí và biện pháp hỗ trợ, khuyến khích, tạo điều kiện cho các cơ quan, các tổ chức và hộ gia đình, cá nhân thực hiện việc xử lý công trình, kiến trức, quản lý, sử dụng đất, mặt nước trong phạm vi bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự, đại biểu đề nghị nghiên cứu, tham khảo quy định tại Điều 63a của Luật Phòng cháy, chữa cháy để xử lý.

Chủ đề Họp Quốc hội

Đọc thêm

Cấm thuốc lá điện tử từ năm 2025

Cấm thuốc lá điện tử từ năm 2025

Quốc hội thống nhất cấm sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, chứa chấp, vận chuyển, sử dụng thuốc lá điện tử, các loại khí, chất gây nghiện từ năm 2025.