Đau đầu kiểm soát TV, smartphone khi trẻ nghỉ hè

Trên một số hội nhóm mạng xã hội, nhiều ông bố, bà mẹ than phiền cảm thấy lo lắng nhiều hơn khi con không đến trường.

"Ở nhà cả ngày, các con có nhiều thời gian rảnh nên việc đầu tiên chúng nghĩ đến là xem TV hoặc chơi điện thoại", chị Quỳnh nói. Sau hai ngày đầu tiên cho xem thoải mái, chị thấy lo lắng và quyết định "thiết quân luật". Điện thoại thông minh của đứa lớn bị thu lại và chỉ cho dùng 45 phút vào buổi tối. Sim được gắn sang một máy "cục gạch" cũ để tiện liên lạc với bố mẹ vào ban ngày.

Với TV, chồng chị cài đặt mật khẩu cho ứng dụng video, phim phổ biến, nhưng sau đó hai vợ chồng phát hiện các con mở trình duyệt trên TV để vào mạng xã hội, xem các trang web khó kiểm soát.

Tương tự, chị Huyền Thương (Hải Châu, Hải Phòng) cũng chật vật hạn chế thời gian dùng điện thoại, máy tính xách tay của hai con trai. "Tôi vẫn phải cho dùng vì còn liên lạc và các cháu vẫn có các bài tập làm qua mạng Internet". Chị cũng không định cấm hoàn toàn một cách cực đoan, mà muốn con sử dụng đúng mức, nhưng không tin con sẽ làm theo lời hứa.

Đa số TV hiện tại đều là thông minh, tích hợp phần mềm xem video trực tuyến. Ảnh: Tuấn Hưng
Đa số TV hiện tại đều là thông minh, tích hợp phần mềm xem video trực tuyến. Ảnh: Tuấn Hưng

Trên một số hội nhóm mạng xã hội, nhiều ông bố, bà mẹ than phiền cảm thấy lo lắng nhiều hơn khi con không đến trường. "Con trai tôi có thể chơi game quên ăn trưa nếu không nhắc nhở", người dùng Vo Thinh bình luận. Một người khác kể cô con gái lớp 10 có thể "lướt mạng xã hội video ngắn cả ngày không chán".

Nhiều phụ huynh cho biết gặp khó khi muốn kiểm soát thời gian sử dụng vì mỗi thiết bị một khác. "Tôi thử cài vài phần mềm khóa máy, giới hạn thời gian miễn phí nhưng đa số không hoạt động hiệu quả, có ứng dụng còn lừa đảo nên tôi xóa ngay lập tức", anh Minh Hải ở TP Thủ Đức chia sẻ.

Theo ông Ngô Tuấn Anh, CEO công ty an ninh mạng SCS kiêm Chủ tịch Câu lạc bộ Bảo vệ trẻ em Việt Nam trên không gian mạng - VCSC, dữ liệu của công ty cho thấy thời lượng truy cập Internet của các gia đình tại Việt Nam đang tăng lên đáng kể trong thời gian bắt đầu nghỉ hè, chủ yếu truy cập mạng xã hội, game, video trực tuyến.

Trong khi đó, Lê Hoàng Minh, kỹ thuật viên phần mềm tại một hệ thống điện thoại lớn, cho biết những ngày qua, nhiều khách hàng đến nhờ cài phần mềm để quản lý thời gian khi con trẻ nghỉ hè. "Ngày nay, các bậc phụ huynh cho con sử dụng điện thoại khá sớm, hầu hết đều muốn tìm cách kiểm soát thay vì rất khó cấm hẳn do bạn bè cùng trang lứa đều dùng", anh cho hay.

Không có giải pháp triệt để

Theo Hoàng Minh, việc giới hạn thời gian sử dụng, kiểm soát smartphone đời mới không khó, có thể thực hiện với cả hai hệ điều hành phổ biến là Android và iOS. Nhà sản xuất đã trang bị sẵn chế độ riêng cho trẻ và người dùng cần thiết lập từ đầu, cài đặt nhóm gia đình để bố mẹ có thể giới hạn thời gian, phần mềm được sử dụng.

Trong khi đó, với TV hay máy tính xách tay, việc kiểm soát khó hơn nhiều. Đa số phụ huynh vẫn muốn con truy cập mạng để làm bài tập, trao đổi với cô giáo và bạn bè, học online nên việc tắt kết nối mạng hoàn toàn không khả thi. Khi đó, việc chọn trang web nào được kết nối, lọc nội dung xấu sẽ cần đến thiết bị, phần mềm chuyên dụng.

Người dùng cũng có thể nghĩ đến việc chặn "từ nguồn" thông qua router có phần mềm, hệ điều hành riêng cho việc kiểm soát. Khi đó, họ có thể đặt giới hạn truy cập với từng thiết bị kết nối trong mạng gia đình, chọn danh sách trang cấm truy cập hoặc chỉ mở một số trang theo danh sách định sẵn.

Tuy nhiên, ông Ngô Tuấn Anh nhận định: "Có nhiều cách thức, giải pháp để bố mẹ quản lý thời gian sử dụng Internet của con, nhưng trẻ em ngày nay rất thông thạo công nghệ và có thể dễ dàng vượt qua sự quản lý của cha mẹ hoặc phản ứng thái quá khi bị kiểm soát".

Chị Huyền Thương cũng kể đã cài chương trình giới hạn sử dụng máy tính mỗi ngày hai tiếng, nhưng sau vài ngày, chị phát hiện cậu con trai lớn đã tìm được trên mạng cách "qua mặt" phần mềm quản lý mà chị đang cài trên laptop.

Theo ông Tuấn Anh, trẻ dễ cuốn theo nội dung hấp dẫn trên Internet, trong khi chưa có đề kháng trước thông tin xấu độc, không phù hợp hay lừa đảo. Do đó, giải pháp công nghệ là cần thiết và có thể hỗ trợ chặn lọc thông tin xấu và tạo thói quen tốt cho trẻ, nhưng cần sử dụng một cách mềm dẻo. "Giải pháp công nghệ chỉ đóng vai trò hỗ trợ, không phải 'đũa phép toàn năng'. Trẻ luôn muốn, và sẽ tìm ra cách vượt ra ngoài sự kiểm soát của cha mẹ bất kể ở ngoài đời thực hay trên không gian mạng", ông cho hay.

Việc kiểm soát quá mức cũng có thể vi phạm sự riêng tư của con và khiến cho khoảng cách giữa bố mẹ - con cái ngày càng lớn. Vì vậy, ông Tuấn cho rằng ngoài công nghệ, điều cần hơn là sự thấu hiểu đồng hành, chỉ dẫn cho con sự cảnh giác và kỹ năng tự bảo vệ mình trên không gian mạng.

Hoài Anh

vnexpress.net

Đọc thêm

Cách xóa tất cả lịch sử chat trên ChatGPT

Cách xóa tất cả lịch sử chat trên ChatGPT

Trước đây, để xóa lịch sử trò chuyện trên ChatGPT, bạn phải nhấn vào từng đoạn chat một cách thủ công, vừa mất thời gian lại tốn công sức nếu có nhiều cuộc trò chuyện.
Lý do AI của iPhone tốt hơn Android

Lý do AI của iPhone tốt hơn Android

Nhiều tính năng mới của trí tuệ nhân tạo của Apple hoạt động trên thiết bị hoặc đám mây bảo mật. Đây là lợi thế cạnh tranh so với các thiết bị Android.
Loạt tính năng AI mới của Apple

Loạt tính năng AI mới của Apple

Apple Intelligence sẽ hỗ trợ tiếng Việt vào cuối năm, thêm tính năng dịch trực tiếp, nhận dạng hình ảnh để tìm kiếm hoặc lấy thông tin, tạo hình với ChatGPT.
BlackBerry sắp trở lại

BlackBerry sắp trở lại

Một công ty Trung Quốc muốn hồi sinh mẫu smartphone BlackBerry Classic (Q20) với hệ điều hành Android và trang bị phần cứng hiện đại.
AI có hại cho trẻ em?

AI có hại cho trẻ em?

Trong bối cảnh AI tạo sinh ngày càng dễ tiếp cận, các chuyên gia và phụ huynh cần quan tâm nhiều hơn về tác động của chatbot AI lên tâm lý trẻ em.
Hồi chuông báo động cho Apple

Hồi chuông báo động cho Apple

Sự kết hợp giữa OpenAI, cha đẻ ChatGPT và bậc thầy thiết kế Jony Ive trong việc tạo ra một thế hệ thiết bị AI mới khiến cách tiếp cận của Apple bị đặt dấu hỏi.
iPhone 17 sẽ đắt đến đâu?

iPhone 17 sẽ đắt đến đâu?

Dựa vào chính sách thuế thay đổi liên tục, xu hướng giá của các đời máy trước, iPhone 17 có thể là chiếc iPhone đắt nhất từ trước đến nay.
Viettel đấu giá thành công băng tần 700 MHz

Viettel đấu giá thành công băng tần 700 MHz

Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel) vừa đấu giá thành công quyền sử dụng tần số vô tuyến điện đối với khối tần B2 – B2’ của băng tần 700MHz trong vòng 15 năm tới.