Đại biểu Nguyễn Văn Sơn phát biểu thảo luận về dự án Luật Giáo dục (sửa đổi).
Đại biểu Nguyễn Văn Sơn cho rằng, giáo dục hiện nay không chỉ mang tính chất cung cấp kiến thức, kỹ năng mà còn mang tính chất định hướng, tính chất liên thông và mở rộng. Trong khi đó, theo dự thảo Luật chỉ mới quy định nhà nước về quản lý giáo dục, bảo đảm một số điều kiện cơ bản về học phí, chính sách hỗ trợ cho các cấp mà chưa đề cập đến vấn đề đảm bảo cơ sở vật chất của các cơ sở giáo dục, quy định cụ thể về trách nhiệm quản lý. Vì vậy, đại biểu đề nghị quy định vấn đề này vào Luật hoặc các văn bản dưới Luật.
Đại biểu khẳng định tầm quan trọng của giáo dục thường xuyên trong giai đoạn hiện nay, bởi đây là cơ hội để người học thể hiện sự sáng tạo, đưa ra những phát minh mới và hiệu quả. Ở nước ta, giáo dục thường xuyên chỉ mới tiếp cận theo mô hình cũ, cơ chế vận hành chưa đúng mức, đánh giá lựa chọn cán bộ chưa hợp lý. Vì vậy, dự thảo Luật lần này cần tiếp tục mở rộng mô hình này theo hướng mới phù hợp hơn.
Về học phí (quy định tại Điều 97, dự thảo Luật: “Trẻ em mầm non năm tuổi ở cơ sở giáo dục dân lập, tư thục; học sinh tiểu học, trung học cơ sở trường tư thục được Nhà nước hỗ trợ tiền đóng học phí cho cơ sở giáo dục dân lập, tư thục), đại biểu cho rằng, việc đầu tư dàn trải như vậy không phát huy hiệu quả chính sách ưu đãi của Nhà nước mà cần xác định hỗ trợ cho các trường công lập còn đối với các trường tư thục thì phải có điều kiện cụ thể, vì ngân sách nhà nước không thể đủ để hỗ trợ cho tất cả các trường.
Đại biểu cho rằng, chỉ nên hỗ trợ học phí cho các trường công lập và các trường tư thục ở các địa phương trường công lập không đủ để đáp ứng nhu cầu học của học sinh do có số lượng lớn học sinh tham gia đăng ký học tập. Còn những trường tư thục chất lượng cao, có vốn đầu tư nước ngoài, trường tư thục được thành lập vì mục tiêu kinh doanh theo mô hình doanh nghiệp thì không được hưởng chính sách trên.
Về chế độ chính sách đối với đội ngũ quản lý trong ngành giáo dục, đại biểu cho rằng với mức lương hiện nay của những người làm quản lý trong các phòng, sở GD&ĐT thấp hơn so với mức lương của những giáo viên đứng lớp là không hợp lý. Họ là những người có năng lực, có kinh nghiệm công tác, đã từng là giáo viên được đề bạt lên làm quản lý các trường nhưng mức lương nhà nước chi trả lại chưa xứng đáng, phụ cấp ưu đãi của ngành bị cắt. Do đó, đại biểu đề nghị Nhà nước cần quan tâm và xem xét lại chế độ chính sách đối với đối tượng này.
Đại biểu đề nghị trong dự thảo Luật này cần bổ sung quy định về triết lý giáo dục, về chế độ chính sách đối với bộ phận nhân viên nấu ăn tại các trường học.
Cũng tại buổi thảo luận chiều 8/11, đại biểu Bùi Thị Quỳnh Thơ (Trưởng phòng Qquản lý nghiên cứu khoa học - Trường Đại học Hà Tĩnh, Ủy viên ủy ban Kinh tế của Quốc hội) đã tham gia góp ý về dự án Luật này.
Đại biểu Bùi Thị Quỳnh Thơ phát biểu thảo luận tại tổ về dự án Luật Giáo dục (sửa đổi).
Thứ nhất, về hợp tác quốc tế giáo dục, được quy định tại Mục 2, Chương VIII, nhà nước đã có những chính sách ưu đãi cho nhà trường, cho công dân Việt Nam hợp tác, trao đổi học tập và nghiên cứu với các trường ở nước ngoài. Thực tế, nước ta đã triển khai đề án 322 năm 2000 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án “Đào tạo cán bộ Khoa học - Kỹ thuật tại nước ngoài bằng ngân sách nhà nước”; Đề án 911 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ với tổng kinh phí 14.000 tỉ đồng với 23.000 tiến sĩ; Quyết định số 599 của Thủ tướng Chính phủ năm 2013 về việc phê duyệt đề án “Đào tạo cán bộ ở nước ngoài bằng NSNN giai đoạn 2013-2020”.
Tuy nhiên, thực tế quá trình triển khai thực hiện các đề án trên được đánh giá là chưa hiệu quả. Nhiều cán bộ học tập bằng nguồn ngân sách nhà nước đầu tư nhưng sau khi học xong lại bỏ cơ quan Nhà nước ra làm việc cho các cơ sở có vốn đầu tư nước ngoài/tư nhân hoặc một số lợi dụng chính sách này để ra nước ngoài làm việc tìm kiếm thu nhập mà không hoàn thành chương trình học tập.
Do đó, đại biểu đề nghị, ngoài các quy định các chính sách ưu đãi, khuyến khích hợp tác về giáo dục với nước ngoài, dự thảo Luật cần bổ sung thêm quy định trách nhiệm bồi hoàn đối với những cán bộ được hưởng ngân sách nhà nước nhưng không hoàn thành mục tiêu, nhiệm vụ đề ra và chính sách bồi hoàn có lãi suất đối với cán bộ sử dụng kinh phí nhà nước học tập nhưng lại ra ngoài làm việc, tránh tình trạng chảy máu chất xám và đầu tư kém hiệu quả nguồn lực ngân sách.
Thứ hai, theo Nghị quyết số 29-NQ/TW: “Lương của nhà giáo được xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp”, Điều 76 của dự thảo Luật quy định “Nhà giáo được ưu tiên sắp xếp thang, bậc lương và phụ cấp phù hợp với lao động của nghề nghiệp theo quy định của Chính phủ”. Tuy nhiên, đại biểu cho rằng “ưu tiên” trong quy định về tiền lương của nhà giáo cần được quy định rõ và cụ thể hóa, bởi hiện tại, nhà giáo chỉ được hưởng mức lương theo ngạch theo hệ thống thang bảng lương.
Thứ ba, tại Khoản 3, Điều 97 dự thảo luật quy định: “Chi phí của dịch vụ đào tạo bao gồm toàn bộ chi phí tiền lương, chi phí trực tiếp, chi phí quản lý, chi phí khấu hao tài sản cố định phục vụ trực tiếp và gián tiếp hoạt động giáo dục, đào tạo theo chương trình giáo dục đào tạo”, đại biểu đề nghị thay tế cụm từ “chi phí trực tiếp” thành “chi phí hoạt động chuyên môn trực tiếp” sẽ thể hiện được nội dung và bản chất các khoản chi.
Cuối cùng, đại biểu bày tỏ sự băn khoăn về quy định: “Nhà nước dành ưu tiên hàng đầu cho việc bố trí ngân sách giáo dục, bảo đảm ngân sách nhà nước chi cho giáo dục tối thiểu 20% tổng chi ngân sách nhà nước” (tại Khoản 1, Điều 94 dự thảo Luật). Theo thống kê của đại biểu, những năm qua nhà nước chi cho giáo dục đều giao động trong khoảng 14%-15% trong tổng NSNN. Ngay như dự toán năm 2019, dự toán ngân sách chi cho giáo dục đào tạo, dạy nghề cũng chỉ là 244.538 tỉ đồng (chiếm gần 15% tổng chi ngân sách cả nước là 1.633.300 tỉ đồng). Do đó, nếu Luật quy định như vậy liệu có khả thi và có giải pháp gì để thực thi các quy định của Luật?