Chiều 12/6, Quốc hội thảo luận về Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030. Phó trưởng đoàn phụ trách Đoàn ĐBQH Hà Tĩnh Nguyễn Văn Sơn tham gia một số nội dung liên quan đến việc nâng cao tính thực chất của các chính sách, tăng tỷ lệ vốn tín dụng dành cho người dân, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát.
Phó trưởng đoàn phụ trách Đoàn ĐBQH Hà Tĩnh Nguyễn Văn Sơn phát biểu tại hội trường
Đại biểu bày tỏ sự đồng tình cao khi Quốc hội quan tâm, thảo luận về chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Đặc biệt vừa qua chính phủ đã có những chương trình hành động cụ thể để “không ai bị bỏ lại phía sau”. Đây thực sự là chương trình quốc gia đầy tính nhân văn và trách nhiệm của Đảng và Nhà nước ta đối với những người vùng dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa.
Trước hết, đại biểu Nguyễn Văn Sơn đề nghị trong chương trình này phải làm thế nào để những người dân tộc thiểu số, miền núi thực sự được hưởng lợi, được sự quan tâm của toàn xã hội, phải làm sao để các chính sách trực tiếp đi sâu, đi sát vào từng gia đình, từng hộ dân. Và đây sẽ là chương trình nòng cốt để thu hút sự quan tâm của toàn xã hội nhằm nâng cao đời sống đồng bào dân tộc thiểu số, xóa đói giảm nghèo.
Đồng thời đại biểu cũng nhấn mạnh đến những vùng đặc biệt khó khăn, những dân tộc ít người có những giá trị cần được bảo tồn. Như đối với dân tộc Chứt, bản Rào Tre, xã Hương Liên, tỉnh Hà Tĩnh, tuy không phải là tỉnh miền núi nhưng vừa qua Hà Tĩnh đã có chương trình riêng đối với các vùng dân tộc và đã mang lại hiệu quả rõ nét. Để tiếp tục có sự quan tâm đặc biệt của Nhà nước, đại biểu đề nghị bổ sung những vùng dân tộc ít người, vùng đặc biệt khó khăn này vào danh mục của chương trình để tiếp tục bảo tồn các dân tộc ít người.
Thứ hai, cho rằng tỷ lệ vốn tín dụng chính sách dành cho người dân còn thấp, 19.727/137.667 tỷ đồng tổng vốn chương trình, chỉ chiếm 14,3%, đại biểu đề nghị bổ sung tăng lên mức khoảng 30% để đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi tiếp cận tốt hơn nguồn vốn để sản xuất, nâng cao thu nhập. Và cần có cơ chế cụ thể trong việc xã hội hóa huy động nguồn vốn trong Nhân dân và các tổ chức xã hội để đầu tư phát triển vùng dân tộc thiểu số, miền núi.
Đoàn ĐBQH Hà Tĩnh và các đại biểu bên lề kỳ họp.
Thứ ba, đối với dự án số 8 về “thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết với phụ nữ và trẻ em”, đại biểu cho rằng ngoài các tiêu chí về nguồn lực, ngân sách cần phải bổ sung lồng ghép trong các nội dung, chỉ tiêu, nhiệm vụ cụ thể về bình đẳng giới. Đồng thời, không chỉ tạo bình đẳng giới giữa nam và nữ mà còn là sự bình đẳng giữa nữ giới miền núi, dân tộc thiểu số với nữ giới đồng bằng, thành thị.
Cùng với đó, trên cơ sở phối hợp triển khai thực hiện của Ủy ban Dân tộc Trung ương, các bộ, ngành Trung ương với địa phương, đại biểu cho rằng cần tạo sự chủ động cho các địa phương và đặc biệt cần có sự giám sát ngay từ đầu của Quốc hội, HĐND các cấp, ủy ban MTTQ, các đoàn thể, chính quyền và Nhân dân đối với chương trình này. Từ đó góp phần nâng cao tính công khai minh bạch, hiệu quả thực sự của chương trình mục tiêu quốc gia với phương châm “dân cần, dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân hưởng lợi” vì mục tiêu “không ai bị bỏ lại phía sau”.